VNEN ở Nghệ An: Tại sao chưa đạt kỳ vọng?
(Baonghean) - Như Báo Nghệ An đã thông tin, việc triển khai mô hình trường học mới VNEN ở Nghệ An có những cái được và chưa được. Để rộng đường dư luận, Báo Nghệ An đăng tải những ý kiến, góc nhìn đa chiều về vấn đề này.
>>> Nghệ An đã triển khai VNEN như thế nào?
>>> Bạn có thực sự hiểu về VNEN?
Người trong cuộc: “Cần cái tâm và trách nhiệm”
Trong tham luận “Một số kinh nghiệm trong tổ chức lớp học theo mô hình mới VNEN”, tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện VNEN ở Nghệ An, cô Phan Thị Huyền, Trường Tiểu học 1 Châu Khê, Con Cuông nhận xét:
“Việc tổ chức lớp theo mô hình VNEN đã góp phần không nhỏ trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, mang lại cho cả giáo viên và học sinh một không gian mới với nhiều hứng thú trong tiết học. Tổ chức cho học sinh thành lập hội đồng tự quản lớp học đã dẫn dắt, lôi cuốn được học sinh vào một môi trường học tập thân thiện “học mà chơi, chơi mà học”.
Lớp học VNEN ở trường Tiểu học 2 Môn Sơn, Con Cuông. |
Tuy nhiên, vì là trường thuộc xã biên giới, phần lớn học sinh là dân tộc thiểu số, kỹ năng của các em còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác. Các em có suy nghĩ, có ý kiến, nhưng tâm lý ngại chia sẻ, hoặc do kỹ năng diễn đạt còn hạn chế nên không tự tin nói lên suy nghĩ, mong muốn của bản thân mình, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị, các ban.
Việc áp dụng mô hình VNEN vào dạy học góp phần đổi mới phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, đòi hỏi về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giáo viên. Nếu muốn nhân rộng mô hình này một cách có hiệu quả, cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, sự chỉ đạo sâu sát của ngành, sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội. Với các nhà trường, cần quan tâm đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn, tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để giáo viên có cơ hội trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm từ thực tiễn”.
Phụ huynh chia sẻ với PV Báo Nghệ An những băn khoăn về mô hình VNEN. |
Chị Nguyễn Thị Thủy (phụ huynh có con học lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Hưng Nguyên):
"Đã vài năm nay, tôi và nhiều phụ huynh khác phản đối việc tiếp tục áp dụng mô hình VNEN. Theo chúng tôi, ở các lớp bé hơn thì không vấn đề gì nhưng học lên lớp cao hơn sẽ bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, nếu để học sinh tự học, những em học yếu hơn sẽ bị “chìm” luôn, vì đã có đại diện của nhóm trong hội đồng tự quản (những bạn học khá) phát biểu hộ.
Sách giáo khoa cũng có những điểm không hợp lý. Chẳng hạn như trong một bài thơ, sách giáo khoa chương trình VNEN không in đầy đủ nhưng trong sách bài tập lại yêu cầu học sinh chép nguyên cả bài, phụ huynh phải đi mượn hoặc mua sách giáo khoa truyền thống để cho con chép lại”.
Cô Nguyễn Thị Bảo Tuyết - Trường Tiểu học Xuân Sơn (Đô Lương): “Tôi nghĩ để áp dụng mô hình VNEN cần cái tâm và trách nhiệm của mỗi một giáo viên đứng lớp cũng như trong quyết tâm mạnh dạn thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy của những người làm công tác lãnh đạo”.
Một học sinh lớp 7 Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh): “Sau mấy năm học VNEN em không định nghĩa được mô hình này là như thế nào. Em chỉ biết, so với các bạn học theo chương trình hiện hành, em học yếu hơn hẳn”.
Cộng đồng mạng Nghệ An: “VNEN không có lỗi, lỗi ở người thực hiện”
Facebook Phan Le: “Theo tôi, đổi mới là yêu cầu bức thiết của cuộc sống, nhưng phải tính kỹ các điều kiện. Cần thận trọng, có bước đi, chuẩn bị chu đáo. Và vấn đề đội ngũ thầy cô giáo luôn là yếu tố quyết định. Mà nói thầy cô giáo là nói toàn thể, nói đại bộ phận, không phải chỉ là số "được chọn thí điểm "! Phải nghĩ tới điều kiện sống, điều kiện làm việc, năng lực, trình độ...
Tôi nghĩ không vội quá lời khi khen, hoặc chê. Khi đưa cái mới vào cuộc sống phải thận trọng. Ý kiến quần chúng, xã hội, dư luận... là những lời phản biện, nên được lắng nghe! Biết đâu, trong đó có nhiều, rất nhiều là tiếng nói của các nhà giáo, nhưng vì nhiều lẽ mà không mấy ai trong số họ dám dũng cảm nói lên sự thật."
Một chia sẻ tâm huyết về VNEN trên mạng xã hội. |
Facebook Hoang Tra: "Bao năm nay giáo viên dạy theo mô-tip cũ, lười biếng với sự thay đổi, cải thiện tư duy. Phương pháp này bắt buộc phải sáng tạo, tâm huyết và có sự đầu tư thực sự, có sự trao đổi 2 chiều. Trong khi đa số giáo viên vẫn áp đặt họ là cha là mẹ, nói gì học sinh phải nghe nấy, không được phản biện.
Ở các nước EU không có mô hình này, nhưng về phương pháp là khá tương đồng. Vậy mình cần xem lại về chất lượng giáo viên, tài liệu và phương pháp tập huấn. Tôi thấy chất lượng giáo viên rất đáng bàn, nhưng để thay đổi họ không phải đơn giản, nên tài liệu và phương pháp phải tương đồng với trình độ."
Facebook Phạm Huy Đức Phạm: "Tôi cho rằng VNEN không có lỗi (tất nhiên vẫn còn những khiếm khuyết cần bổ sung để hoàn chỉnh), lỗi là ở người thực hiện. Nơi nào thực hiện VNEN mà không mang lại hiệu quả cho học sinh thì cần xem lại quá trình dạy học của giáo viên nơi đó. Muốn thực hiện tốt VNEN đòi hỏi giáo viên phải đổ nhiều công sức; còn làm ăn lớt phớt, dạy không phải vì học sinh thì chỉ có thất bại."
Facebook Hồ Việt Hùng: "Tôi nghĩ VNEN hay, nhưng để phát huy cái hay đó thì nền tảng nhất cho nó đứng vững là cái gì? Cái tối thiểu nhất là sách giáo khoa cũng không có đủ, cả lớp được 5 - 7 bộ, SGK phô-tô, học xong để trên lớp không cho học sinh mang về nhà (sợ mất). Thầy cô giáo đi tiếp thu được 3 ngày về triển khai, bản thân người dạy cũng hiểu lơ mơ thì dạy cái gì, rút kinh nghiệm cái gì. Một điều nữa, chế độ tiền lương đã thực sự đủ để cho giáo viên yên tâm thủy chung hết mình với nghề chưa? Cứ nghĩ khoan vội trách giáo viên không đầu tư, giáo viên suốt ngày tâm huyết với nghề nhưng nghề đã cho họ cuộc sống ổn định hay chưa?"
Nhà quản lý: “Cần có lộ trình”
Cô Nguyễn Thị Châu Loan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Môn Sơn (Con Cuông): "Chúng tôi đánh giá cao mô hình VNEN và thấy phù hợp với địa bàn miền núi. Thời gian đầu gặp khó khăn do cơ sở vật chất, giáo viên chưa thực sự nắm bắt được một số kỹ năng dạy theo chương trình mới. Tuy nhiên, đến nay, sau 4 năm thực hiện mô hình đã có những kết quả rõ nét. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự học của học sinh đồng bào dân tộc Thái.
Theo tôi, để đạt được kết quả tốt đối với chương trình này, đòi hỏi giáo viên phải thực sự tâm huyết. Bên cạnh đó, không gian lớp học cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến sự thành công. Như Trường Tiểu học 2 Môn Sơn chẳng hạn, với sỹ số hàng năm trung bình khoảng 23 học sinh/lớp thì hoàn toàn phù hợp."
Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng Giáo dục&Đào tạo TP. Vinh: "Có tình trạng nhiều phụ huynh chưa hiểu cặn kẽ về VNEN. Đây có thể là do lỗi ở công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường không tốt, chưa chuyển tải được thông tin này đến với phụ huynh.
Ông Thái Khắc Tân - Trường phòng GD-ĐT Thành phố Vinh. |
Tôi khẳng định VNEN và truyền thống chỉ khác ở cách thức tổ chức dạy học, cách thức quản lý lớp học. Với mô hình truyền thống, học sinh bị mất đi tính tự lập, sáng tạo. Trước thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn thay đổi. Tất nhiên khi thay đổi bao giờ cũng có những khó khăn. Tôi cho rằng, các ý kiến phát biểu của phụ huynh là đều lo cho chất lượng."
Một tiến sỹ ở Trường Đại học Vinh nhận xét: "Nhược điểm của VNEN khi triển khai ở Nghệ An là: Do học sinh quá đông nên giáo viên chưa quán xuyến, hướng dẫn, giám sát tốt; năng lực đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế, xuất phát từ nhận thức giáo viên (nhiều người ngại đi học, học hỏi).
Thêm vào đó năng lực tổ chức kém, sức ỳ, chưa có tâm huyết ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục; môi trường học tập, cơ sở vật chưa tốt và còn thiếu; môi trường dạy học chưa đa dạng (việc dạy học theo mô hình VNEN khuyến khích tăng cường hoạt động trải nghiệm); những điều này ở Nghệ An chưa làm được.
Sự tương tác chưa có (đặc biệt là phía phụ huynh chưa đồng hành, phối hợp với học sinh). Nguyên nhân chính do phụ huynh chưa hiểu, chưa an tâm, nặng về thi cử. Từ không hiểu đến phản ứng, đó là hiệu ứng dây chuyền."
Ông Trần Thế Sơn – Trưởng Phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc nhân rộng mô hình VNEN cần phải tính toán cẩn thận với ba lý do chính: thứ nhất là điều kiện của đại đa số người dân hiện nay đang khó khăn, thứ hai tài liệu của chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và mức giá đang quá cao. Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn ở Nghệ An chưa đảm bảo.
Công văn số 4068 của Bộ GD&ĐT gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017, nêu rõ: “Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sỹ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng”. |
Từ thực tiễn, khảo sát và từ những góc nhìn đa chiều của mọi tầng lớp, thiết nghĩ để việc triển khai mô hình trường học mới VNEN ở Nghệ An đạt hiệu quả, cần có một lộ trình phù hợp. Trước hết là sự thay đổi, điều chỉnh về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên; phải có sự khảo sát một cách nghiêm túc, xem những nơi nào có sự tương đồng phù hợp để áp dụng mô hình VNEN; không thể triển khai một mô hình mà sự chuẩn bị và các điều kiện cần và đủ đi kèm tối thiểu nhất cũng chưa đáp ứng.
Việc tổng kết sau từng năm học cũng cần làm rõ những mặt ưu điểm và hạn chế của mô hình này để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục. Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cần được chú trọng để trước hết là ngành Giáo dục và xã hội hiểu rõ về mục tiêu của việc áp dụng mô hình trường học mới.
Các nhà quản lý của ngành Giáo dục cần phải nhận thức một cách thấu đáo VNEN là một dự án mang tính chất kích cầu, thí điểm (trong vòng 5 năm). Vậy nên, việc đánh giá tình hình thực tiễn, điều kiện, nguồn lực của địa phương, của ngành, thậm chí là tư duy, thói quen của người Việt Nam và Nghệ An phải được thực hiện nghiêm túc, sát đúng và khoa học. Có như vậy mới xác định, xây dựng được lộ trình, cách làm, chiến lược phù hợp để triển khai thực hiện mô hình trường học mới hiệu quả.
Ví như khi triển khai mô hình trong khuôn khổ có sự hỗ trợ của dự án như thế nào? Và khi dự án kết thúc sẽ thực hiện ra sao? Nguồn lực đầu tư từ đâu? (phần nào ngân sách hỗ trợ, phần nào phải huy động xã hội hóa...); trách nhiệm, yêu cầu đối với cán bộ quản lý; giáo viên, phụ huynh, xã hội... đối với từng giai đoạn ra sao? Nếu có thể dự báo được cả về kết quả và những thành tựu thu được từ mô hình trường học mới lại càng thuyết phục.
Có như vậy mới tập hợp được sự đồng thuận và tạo được sự tin tưởng, an tâm của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo các nhà trường và phụ huynh cũng như toàn xã hội. Làm được như vậy, không những đạt được mục tiêu hướng tới của mô hình mà còn tránh được sự lãng phí về tài chính, thời gian, công sức của dự án, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội.
NPV
TIN LIÊN QUAN |
---|