Kinh tế

Vùng cao Nghệ An chuẩn bị các phương án ứng phó bão số 3

Hoài Thu 06/09/2024 09:17

Ảnh hưởng của siêu bão số 3, trên địa bàn Nghệ An khả năng cao sẽ xảy ra mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là vùng miền Tây.

Vì vậy, các địa phương đang gấp rút kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Cán bộ bám nắm địa bàn

Sáng 5/9, sau khi tham dự lễ khai giảng tại cơ sở, cán bộ các địa phương ở Nghệ An đã đi thực địa kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó siêu bão số 3 có tên quốc tế là Yagi.

Ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, kiểm tra những địa điểm ách yếu tại bản Ka Dưới, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Na Ngoi là một trong những xã có nguy cơ cao xảy ra nhiều điểm sạt lở núi khi xảy ra mưa lớn, mưa kéo dài.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại bản ka Dưới xã Na Ngoi ..
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra công tác phòng, chống mưa bão tại bản Ka Dưới, xã Na Ngoi sáng 5/9. Ảnh CSCC

Đặc biệt, từ sau cơn lũ quét tháng 10/2022, các tuyến đường đến xã biên giới này vừa mới cơ bản khắc phục xong hàng chục điểm sạt lở, cho nên, khi có dự báo mưa lũ, UBND huyện yêu cầu địa phương không lơ là, chủ quan, bám nắm địa bàn để nắm bắt tình hình kịp thời.

“Các đồng chí Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện theo nhiệm vụ đã được phân công địa bàn phụ trách các mặt công tác. Đối với ứng phó nguy cơ ảnh hưởng lụt, bão, theo địa bàn đã được phân công từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi đều trực tiếp về tại xã, bản để nắm tình hình, đôn đốc công tác ứng phó. Sau khi kiểm tra tình hình ở xã Na Ngoi, tôi sẽ vào Mường Típ, Mường Ải theo kế hoạch, nhiệm vụ đã được cập nhật đến đội ngũ cán bộ, đảng viên các xã, bản”, ông Thò Bá Rê cho biết.

Ông Thò Bá Rê cũng cho biết thêm, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đến thời điểm này có 43 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng từ các đợt mưa năm 2023 và đầu năm 2024. Trong đó, có 28 điểm đã bị sạt lở (21 điểm sạt lở núi và 7 điểm sạt lở bờ sông); có 15 điểm nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông.

Các điểm sạt lở mới xảy ra trên cung đường Mường Xén đi xã Mường Típ. (Ảnh chụp ngày 9/8/2024). Ảnh: Hoài Thu
Huyện Kỳ Sơn có gần 50 địa điểm sạt lở và đe dọa sạt lở núi, sạt lở bờ sông. Trong ảnh: Các điểm sạt lở mới xảy ra trên cung đường Mường Xén đi xã Mường Típ. (Ảnh chụp ngày 9/8/2024). Ảnh: Hoài Thu

Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn, các huyện vùng núi cao khác cũng đang gấp rút kiểm tra, đôn đốc thôn, bản thu hoạch mùa màng, gia cố các điểm ách yếu trước khi dự báo có mưa lớn khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Tại huyện Quế Phong, sau khi ban hành công điện “ứng phó với bão gần Biển Đông”, chiều 4/9, lãnh đạo các phòng, ban UBND huyện đã trực tiếp đến các xã, thôn, bản để đôn đốc công tác chuẩn bị.

Trong đó, “những điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở được yêu cầu theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ”. Từ chiều 5/9, UBND huyện ban hành công điện với các nội dung yêu cầu cụ thể hơn để các xã, các lực lượng triển khai các phương án ứng phó mưa bão”, ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết.

Đánh giá tình hình, lên phương án ứng phó

Tại huyện Tương Dương, thống kê của UBND huyện cho thấy, hiện nay, có nhiều địa bàn xuất hiện nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, đặc biệt là những vị trí dưới triền đồi, núi cao, ven khe, suối và các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản tại các xã, thị trấn. Ví dụ như địa điểm thường xảy ra lũ quét như: các bản: Quang Phúc, Quang Yên, Quang Thịnh, Đình Phong (xã Tam Đình); các bản: Có Phảo, Na Khốm, Yên Sơn, Xốp Pu, Xiềng Nứa (xã Yên Na); các bản: Pủng, Lưu Thông, Lưu Phong, Xoóng Con (xã Lưu Kiền); các bản: Huồi Xá, Huồi Tố II, Chà Lò (xã Mai Sơn); các bản: Huồi Cọ, Huồi Pủng, Con Phen, Tủng Hốc, Xàn (xã Hữu Khuông) và nhiều bản khác ở các xã Yên Hòa, Nga My, Xiêng My, Lượng Minh…

Ảnh màn hình 2024-09-05 lúc 17.33.03
Người dân huyện Tương Dương kè rọ đá chống sạt lở núi. Ảnh: Quang An

Nhiều tuyến đường đe dọa sạt lở đất như: Tuyến Quốc lộ 7A qua bản Mon, thị trấn Thạch Giám; tuyến đường 543C; tuyến đường vào các bản: Na Bè, Hợp Thành, xã Xá Lượng; dọc tuyến Quốc lộ 7A Khe Kiền - bản Pủng, xã Lưu Kiền, tuyến từ ngã 3 xã Tam Thái đi xã Tam Hợp…

Bên cạnh cập nhật, đánh giá tình hình, UBND huyện Tương Dương cũng chỉ đạo các phương án ứng phó. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, nhắc nhở nhân dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng củng cố nhà cửa, kê, gác lương thực đề phòng bị chia cắt.

Khi mưa to kéo dài nhiều ngày, nước ở các khe, suối bắt đầu dâng cao và dự báo mưa vẫn tiếp tục kéo dài, tuyệt đối không để các hoạt động trên sông như thuyền bè, lồng cá; lều, chòi ngoài khe, suối, di chuyển khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

Ảnh màn hình 2024-09-05 lúc 17.35.55
Đối với nguy cơ ngập lụt trên địa bàn huyện Tương Dương, khi lưu lượng xả lũ của thủy điện Bản Vẽ trên 3.500 m3/s và nước về hồ thủy điện Khe Bố trên 4.500 m3/s sẽ gây ngập bờ kè sông Lam và các hộ dân vùng thấp của thị trấn Thạch Giám; khu vực chợ Tam Thái, UBND xã Tam Thái; một số khu vực các xã Tam Quang, Xá Lượng, Yên Na, Yên Thắng và Lượng Minh. Ảnh tư liệu

Cùng với các địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang cũng gấp rút chỉ đạo thực hiện phương án ứng phó. Đại tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, các đơn vị Biên phòng đã sẵn sàng công tác hỗ trợ chính quyền, nhân dân phòng, chống thiên tai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ban hành 3 công điện chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án ứng phó với bão Yagi.

Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm túc các chế độ trực, đảm bảo quân số, phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành lệnh cấm biển vào ngày 6/9 để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản ngư dân.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại bản ka Dưới xã Na Ngoi .
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi cùng lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra công tác phòng, chống mưa bão tại bản Ka Dưới sáng 5/9. Ảnh: CSCC

“Đối với các đơn vị tuyến biên giới đất liền, chúng tôi yêu cầu triển khai lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tuyên truyền, cảnh báo hoặc di dời nhân dân đến nơi an toàn. Cắt cử lực lượng phối hợp với địa phương kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác triển khai ứng phó bão số 3 tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh”, Đại tá Hồ Quyết Thắng cho biết.

Mới nhất
x
Vùng cao Nghệ An chuẩn bị các phương án ứng phó bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO