b.png

Những bản làng ở Tương Dương sau 3 ngày lũ ống, lũ quét càn qua, những vết ố hằn in trên tường nhà, ngấn nước lũ còn hiện rõ trên những ô cửa, những khối đá khổng lồ đổ xuống khe chắn ngang dòng chảy… Lũ đi qua, thiệt hại về tài sản là hiện hữu, nhưng điều may mắn nhất là tính mạng người dân được đảm bảo. Có được điều này là nhờ vào kỹ năng sinh tồn của mỗi người dân, triển khai tốt công tác “4 tại chỗ” và tinh thần đoàn kết quân - dân để vượt qua lũ dữ…

Trắng đêm vượt lũ

Ngồi trước chiếc máy giặt, tủ lạnh, máy lọc nước đời mới vừa mới mua sắm sau bao năm tích góp của gia đình lấm lem bùn non, đất, đá, chị Quang Thị Hải ở bản Pủng, xã Lưu Kiền giọng run run: “Thế là mất hết, hư hỏng hết cả rồi”. Và có lẽ, nhiều năm sau nữa, chị vẫn không thể nào quên ký ức kinh hoàng trong đêm 30/9, lũ ống tràn về đột ngột. Lúc đó, 4 mẹ con chị vừa dọn cơm tối ra ăn thì bắt đầu mưa xối xả, bữa cơm chưa kịp xong thì nghe thấy tiếng nước ồ ạt đổ về sau nhà kèm theo tiếng đất, đá rơi, ngay lập tức, chị ôm 3 đứa con (đứa lớn 10 tuổi, đứa thứ hai 2 tuổi và đứa nhỏ mới chỉ 1 tuổi, chồng đang đi làm ở huyện Kỳ Sơn) chạy ra ngoài.

thiệt hại bản Pùng
Lũ về trong đêm 30/9 gây thiệt hại ở bản Pủng, xã Lưu Kiền (Tương Dương). Nhà của chị Quang Thị Hải bị thiệt hại nặng nề nhất. Ảnh: T.P

“Vừa chạy được ra ngoài thì toàn bộ cửa sổ bị sức ép của nước, đất, đá bung ra hoàn toàn, đất, đá theo đó đổ ập vào nhà. Chỉ khoảng 10 phút, toàn bộ 2 gian nhà cùng tài sản ngập sâu trong đất, đá, cành cây với chiều cao khoảng 1,5m. Cũng may, lúc đó, nhanh trí đưa con ra ngoài, không chần chừ, an toàn tính mạng trên hết nên cũng không cố chui vào lấy tài sản”, chị Quang Thị Hải kể lại.

Bản Đửa là bản khó khăn, ở bản, chỉ có người già và trẻ nhỏ, còn những người trong độ tuổi lao động thì đi làm ăn xa. Do đó, khi xảy ra thiên tai, việc di dời, sơ tán gặp không ít khó khăn. Lường trước được những đặc thù này, ban cán sự bản cũng như chính quyền địa phương luôn có những kịch bản, kế hoạch ứng phó khi sự cố xảy ra. “Khi mưa lớn xảy ra với cường độ mạnh, ban cán sự bản đã thông tin đến tận người dân, yêu cầu người dân sống dọc khe Mạt chủ động đến nhà người thân để tránh trú an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng hỗ trợ người dân sơ tán khẩn cấp và báo cáo với xã ứng cứu”, anh Vi Văn Dần - Bí thư Chi bộ bản Đửa cho biết.

img_20241001_124138-0caf117bb309b0ec087a535f1ee99761.jpg
Chị Quang Thị Hải miêu tả mức ngập bùn đất trong nhà khi lũ ập đến. Ảnh: HT

Bản Pủng có 100 hộ sống dọc theo khe, lòng khe hẹp nên khi có lũ thượng nguồn đổ về thường bị ách tức gây sạt, lở. Lưng nhà của các hộ dân tựa vào núi, với nhiều khe nước nhỏ chảy rỉ ra. Trong những ngày qua, do mưa kéo dài, các khe nhỏ cũng tích đầy nước nên chiều hôm đó, lực lượng phòng, chống thiên tai của xã Lưu Kiền đã trực tiếp xuống bản nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân phải sẵn sàng các phương án, lập tức sơ tán khi có sự cố xảy ra. Vì thế, khi lũ ống đổ về, 100 hộ dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng "4 tại chỗ" đã kịp thời di tản, chỉ có 4 hộ là đất, đá ập vào nhà gây thiệt hại tài sản.

Đã 3 ngày sau khi trận lũ quét xảy ra, gần 90 hộ dân ở bản Đửa, xã Lượng Minh vẫn chưa kịp hoàn hồn khi chứng kiến một sự cố thiên tai kinh hoàng đến thế. Ông Lô Văn Khuê (54 tuổi) bàng hoàng kể lại: “Mưa to, cường độ mạnh khoảng 2 tiếng đồng hồ, sấm chớp liên hồi và chỉ khoảng 1 tiếng sau thì lũ quét ập về, nước từ thượng nguồn đổ về không ngớt, nước sông dâng, chảy xiết, đất, đá sạt lở như muốn cuốn phăng và vùi lấp tất cả. Chỉ khoảng 30 phút, một nửa số hộ trong bản đã chìm trong lũ”.

Đặc thù địa hình, sạt lở, mưa lũ đã quen “như cơm bữa” nên hầu hết bà con dân bản đều có kỹ năng, kinh nghiệm “sống chung”. Nhà bà Lô Thị Minh chỉ có 2 ông bà già ở nhà, thuộc diện neo đơn, chồng bà là ông Lô Văn Hằng bị tai biến nằm một chỗ, nhà bà mé mép sông nên nguy cơ cao. Do đó, từ chiều, khi thấy trời xám xịt, ầng ậc nước và mưa bắt đầu nặng hạt, bà đã nhờ người cõng chồng đến nhà người thân đầu bản, còn mình thu dọn một số đồ đạc thiết yếu mang theo.

“Đến nhà đứa cháu, vừa ăn bữa tối xong, đang chuẩn bị đi ngủ thì lũ quét xảy ra. May mà chủ động sơ tán trước chứ lúc này thì quả thật không biết sống chết thế nào, bà thì già, sức yếu, ông lại tai biến”. Ngày hôm sau, khi nước rút, bà nhờ người đưa ông quay lại nhà để dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả. Thế nhưng, khi nghe thông tin dự báo thời tiết, trời sẽ tiếp tục mưa to ở Nghệ An nên bà lại cùng ông chủ động lên nhà cháu trú tạm.

Ở nhà cùng con nhỏ, khi thấy nước lũ tràn về, chị Ngân Thị Hồng (bản Đửa) nhanh chóng dùng dây dù có gắn tăng đơ, một đầu cố định vào cửa sổ, một đầu dòng xuống mô đất cao gần đó và theo dây tuột xuống, tìm đường đi lên chỗ cao ráo hơn để tá túc. “Vừa lên đến nơi cao ráo an toàn, ngoảnh lại thấy nhà sàn rung chuyển, nhà vệ sinh thì bị nước lũ xô đổ xuống sông. Hú hồn”, chị Hồng nhớ lại. Theo chị Hồng cho biết, mùa mưa bão bao giờ chị cũng chuẩn bị sẵn đèn tích điện, đèn pin, sạc pin điện thoại đầy và trang bị dây cáp, dây tăng đơ để sử dụng khi cần thiết.

Tối 30/9, khi nhận được thông tin báo cáo từ các bản vùng trong, đồng chí Vi Đình Phúc- Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nhanh chóng liên lạc với ban cán sự các bản với “mệnh lệnh”: Khẩn cấp di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng trên hết. Đồng thời, huy động lực lượng "4 tại chỗ" của địa phương tìm cách vào các bản cô lập một cách an toàn nhất để ứng cứu.

Người dân xã Lượng Minh kể lại diễn biến cơn lũ dữ ập đến trong đêm. Clip: Thu - Phúc

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương là một trong những cán bộ huyện vượt đường rừng vào xã Lượng Minh trong đêm 30/9, ngay sau khi nhận được báo từ cơ sở cho biết: “Khi đến được bản Đửa và điểm trường tiểu học trong đêm, chúng tôi thật sự sốc khi thấy trường lớp bị nhấn chìm. Điều may mắn nhất là toàn bộ học sinh và giáo viên đã an toàn. Đó là nhờ tinh thần chủ động và kinh nghiệm ứng phó thiên tai của cán bộ xã, bản và các thầy, cô đầy trách nhiệm bám trường, bám lớp, đã phán đoán được tình huống và chủ động sơ tán học sinh”.

Kinh nghiệm huy động

lực lượng “4 tại chỗ”

Rạng sáng 1/10, chúng tôi cùng với cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tương Dương di chuyển từ thị trấn Thạch Giám đến bản Pủng, xã Lưu Kiền, một trong những điểm sạt lở, ngập lụt sau lũ quét đêm 30/9. Khi chúng tôi đến thì cơ bản khối bùn đất cao hơn 1m đổ ập vào nhà của chị Quang Thị Hải đã được dọn dẹp gần xong. “Nhờ cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân, công an, cán bộ xã phụ giúp dọn dẹp từ sớm, nên bây giờ mới cơ bản đẩy được đất đá ra ngoài”, chị Hải cho biết.

Cuối buổi sáng 1/10, nắm thông tin đường vào tâm lũ Lượng Minh đã thông xe, chúng tôi rời bản Pủng di chuyển sang xã Lượng MInh. Quãng đường 22 km từ thị trấn Thạch Giám vào xã Lượng Minh, xe bán tải 2 cầu chỉ duy trì tốc độ trung bình, đặc biệt, qua các đoạn cua gấp và những đoạn sạt trượt xe nhích từng đoạn. “Chuẩn bị qua cầu treo, các đồng chí hạ cửa kính xe xuống”, Thượng tá Nguyễn Xuân Đại - Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tương Dương vừa bấm hạ kính xe vừa nhắc các thành viên khác. Ngồi trong xe chạy chậm, cẩn trọng, cảm nhận xe lắc lư theo nhịp cầu vắt vẻo trên lòng sông đục ngầu, cuồn cuộn chảy, không ai nói lời nào.

1. Huy động lực lượng 4 tại chỗ khắc phục hậu quả
Huy động lực lượng 4 tại chỗ khắc phục hậu quả tại bản Pủng xã Lưu Kiền. Ảnh: TP
Giáo viên điểm trường Minh Tiến dọn rửa đồ dùng bán trú.
Giáo viên điểm trường Minh Tiến dọn rửa đồ dùng bán trú. Ảnh: TP
 Tình quân dân khi lũ dữ đi qua.
Lực lượng Ban CHQS huyện Tương Dương giúp người dân bản Đửa khắc phcuj hậu quả. Ảnh: HT.
bna_ke.jpg
Đoàn viên thanh niên xã Lượng Minh giúp dọn dẹp tại điểm trường bản Minh Tiến. Ảnh: TP
z5887524754788_c0511531e3d93563e625a4f37a04ebf7.jpg
Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương vào với người dân Lượng Minh ngay trong đêm 30/9. Ảnh: CSCC
Ảnh màn hình 2024-10-03 lúc 10.31.18
Các lực lượng vũ trang giúp dọn dẹp tại bản Đửa. Ảnh: HT
Ảnh màn hình 2024-10-03 lúc 10.30.38
Các lực lượng vũ trang giúp dọn dẹp tại bản Đửa. Ảnh: HT
Ảnh màn hình 2024-10-03 lúc 10.35.01
Huyện Tương Dương huy động máy móc để thông đường, khắc phục tình trạng bị cô lập của 4 bản. Ảnh: TP
z5887160148111_510a8918b391e12fa642aa42e2395903-3800ee73b202fcf469c146228d2539aa.jpg
Các lực lượng vũ trang giúp người dân dọn dẹp nhà cửa tại bản Đửa. Ảnh: HT
Ảnh màn hình 2024-10-03 lúc 10.31.56
Cán bộ UBND huyện tương Dương và giáo viên Trường PTDTBT tiểu họctiểu học Lượng Minh dọn dẹp trường lớp. Ảnh: HT
z5888066503898_f9a60218ca6f4844947d77bd7a5a8696-f1adae6b329012bc6af59389326c4fdb.jpg
Ban CHQS huyện Tương Dương huy động máy bơm công suất lớn thau rửa trường lớp. Ảnh: HT
c-5ac2c85111915c92f2c55a2c29719571.jpg
Cán bộ chiến sỹ Ban CHQS huyện Tương Dương huy động 70 người vào xã Lượng Minh khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: HT
z5887494958162_84f2f813e5795a9091b72d04f4fe481a-88c98f83eb256d668221e95910d1abc1.jpg
Lực lượng “4 tại chỗ” tại bản Đửa. Ảnh: HT
d.jpg
Giáo viên Trường PTDTBT tiểu hcoj Lượng Minh bám trường lớp dọn dẹp chuẩn bị đón học sinh trở lại học tập. Ảnh: TP
img_20241001_124121.jpg
Lực lượng quân sự và người dân bản Pủng giúp gia đình chị Quang Thị Hoài dọn bùn đất. Ảnh: TP
20241002_103319.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp thăm đồng bào xã Lượng Minh. Ảnh: HT

Sau quãng đường 15 km, đến đầu địa phận xã Lượng Minh là quãng đường bùn lầy, đất, đá ngập quá đầu gối do cơn lũ quét để lại. Xe dừng. Đứng trên đống bùn ngập quá đầu gối, anh La Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Tương Dương ướt sũng vì mưa, vừa khoát tay vừa nói “xe tạm qua được, song phải theo chỉ dẫn bám sát mép trong sườn núi”. Nói rồi, anh đứng sang một bên, ra hiệu cho người lái máy xúc gạt bớt đất, đá trên lòng đường, nép xe qua một bên để chúng tôi đi qua, vào với bản Đửa.

Thượng tá Nguyễn Xuân Đại cho biết: “Huyện điều động máy xúc ngay trong đêm để sáng nay kịp san gạt đất, đá xe mới có thể qua được. Còn thời điểm 12 giờ đêm qua, sau khi nắm được tin lũ quét ở bản Đửa, các đồng chí lãnh đạo huyện và đoàn công tác đến đây phải xuống xe, mạo hiểm trèo qua khối bùn đất đang trên đà sạt lở để vào với bà con. Dù biết rất nguy hiểm, nhưng sự có mặt của cán bộ huyện lúc đó giúp bà con thấy vững tâm hơn khi có một chỗ dựa”.

Đi thêm tầm 3 km, qua nhiều khúc cua, đất, đá, nước vẫn chảy từ trên núi xuống, thi thoảng lại có đá nhỏ cuốn theo đất trượt xuống mặt đường. Đến trung tâm bản Đửa, nơi cơn lũ về trong đêm, đất, đá vùi lấp gần chục ngôi nhà, cảnh tan hoang vẫn còn hiện hữu. Song, chúng tôi không thấy sự kêu ca, than vãn. Thay vào đó là khung cảnh tất bật của các lực lượng quân sự, công an, cán bộ huyện, xã, cán bộ bản và người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục những tàn dư của cơn lũ dữ để lại. Dù cả đêm không ngủ, dù có những người chỉ kịp chợp mắt 5-10 phút nhưng đến khi trời sáng, mưa tạnh, nước rút… thì họ ngay lập tức bắt tay vào dọn dẹp, hỗ trợ người dân khắc phục.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh kể lại diễn biến trong đêm lũ quét ập tới bản làng. Clip: HT

Cùng lúc đó, lực lượng công an, quân đội được huy động đến các điểm sạt lở để giúp dân. Đường chưa thông, họ phải lội bộ, vượt qua những điểm sạt lở ách yếu để vào tận các hộ dân bị lũ quét. Mỗi người một việc, các lực lượng đã kề vai, sát cánh để hỗ trợ nhân dân vượt qua những tan hoang, mất mát. Bùn non ngập quá đầu gối, đất, đá cao ngang người, ngổn ngang dần dần được giải phóng nhờ sự chung sức đồng lòng của quân và dân.

Anh Vi Văn Dần - Bí thư Chi bộ bản Đửa cho biết: “Từ sáng sớm, khi đường chưa thông, các anh bộ đội, công an đã lội bộ vào với bà con dân bản. Vào tới nơi, các anh bắt tay ngay vào việc dọn dẹp. Đến 17h chiều 1/10, khối lượng đất, đá trong nhà dân đã được giải phóng. Dân bản chúng tôi biết ơn các anh rất nhiều”. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ… cũng đã huy động đoàn viên, hội viên kịp thời có mặt đồng hành, hỗ trợ bà con dọn dẹp hiện trường. Ông Lô Văn Thanh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Chỉ huy PCLB huyện Tương Dương vừa cùng bà con nạo vét bùn đất trong các phòng học, vừa cập nhật tình hình khắc phục hậu quả lên nhóm điều hành zalo. Ông Thanh cho biết, đêm 30/9, huyện đã triển khai song song việc cán bộ huyện trực tiếp vào bản để chỉ đạo, mặt khác, phân công các bộ phận, cá nhân phụ trách huy động nhân lực từ Công an huyện, Ban CHQS huyện và phương tiện, máy móc để thông đường, dọn dẹp bùn đất”.

Lũ dữ đi qua, những đôi mắt trũng sâu, những khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi sau 1 đêm thức trắng để chạy lũ, nhưng điều mà cán bộ, người dân nơi đây tất cả đều cảm thấy vững tâm, thấy may mắn và hạnh phúc vì lũ dữ về đột ngột, sức càn quét kinh hoàng, nhưng tính mạng con người được an toàn. Bởi “còn người là còn của”… Tin rằng, với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, với sự nỗ lực của bà con dân bản, sự quan tâm của các cấp, ngành, rồi đây, khi lũ qua đi, cuộc sống của người dân huyện Tương Dương sẽ sớm ổn định trở lại.

Ảnh màn hình 2024-10-03 lúc 16.55.51
Sau 2 ngày bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Lượng Minh đã trở lại trường học. Ảnh: Đình Tuân
Vượt qua lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO