Xây dựng làng, bản nông thôn mới ở Tương Dương

Đặng Nguyễn 10/05/2021 11:25

(Baonghean.vn) - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, huyện Tương Dương đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng NTM, theo đó minh chứng rõ cho mục tiêu đi đầu phong trào xây dựng mô hình làng, bản, xã NTM ở khu vực miền núi cao.

46 bản đạt chuẩn NTM

Khác với những năm về trước, trở lại bản Huồi Tố 1, thuộc xã Mai Sơn, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương vào một ngày cuối tháng 4 năm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của vùng đất đá, sỏi ngày nào. Bộ mặt bản, làng không chỉ thay đổi từ những con đường bê tông khang trang, dọc theo đó là những dãy hàng rào ngăn nắp, những luống hoa với đủ sắc màu, mà những nhà tranh, tre, nứa lá tạm bợ trước đây cũng đã được thay thế.

Đứng trước căn nhà mới 3 gian vững chãi được lợp tôn, xung quanh thưng gỗ kín đáo, bà Lô Thị Tiết, một người dân cho biết, nhờ NTM, ngoài việc gia đình được hỗ trợ 1 con bò thì với chủ trương xóa nhà dột nát, xã, bản đã hỗ trợ gia đình nguồn mái ấm tình thương 20 triệu đồng, cộng thêm ít nhiều từ vay mượn, gia đình đã hoàn thiện căn nhà trong thời gian ngắn.

Theo bà Tiết “Là hộ nghèo, con trai bà lại tàn tật, một mình con dâu lo miếng ăn cho cả mẹ già, chồng, con đã khó. Bởi vậy, nếu không được xã, bản hỗ trợ thì không biết đến bao giờ 4 mẹ con, bà cháu mới có căn nhà kín đáo để ở như hiện nay”.

anh
Mô hình trồng rau sạch ở bản Phòng, xã Thạch Giám giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Ảnh tư liệu

Trao đổi với chúng tôi, bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết, hiện nay bản Huồi Tố 1 có 100% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực lớn từ phía người dân, xã, bản đã chung tay với bà con trong vận dụng các nguồn hỗ trợ, huy động vật liệu, nhân lực... Tính đến đầu năm 2021 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 3/78 hộ, chiếm 3,84%.

Rời bản Huồi Tố 1, chúng tôi đến bản Ngọn, xã Yên Hòa. Trong niềm vui mong ngóng từng ngày đón bản NTM, ông Lương Văn Tấn - Trưởng bản cho biết: Thay vì phải đi qua con đường đầy bùn lầy, nước đọng trước đây, bản Ngọn hôm nay các tuyến đường đều được bê tông hóa. Chính bởi vậy, không chỉ đi lại được thuận tiện, mà các loại cây trồng, vật nuôi của bà con làm ra cũng được mang đi tiêu thụ dễ dàng.

Theo thống kê, từ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trong bản đã đóng góp ngày công, góp tiền để mua vật liệu, hiến đất, hiến cây... để hoàn thiện các tuyến đường trong toàn thôn bản, với kinh phí 322.518.915 đồng. Theo đó, đến nay bản Ngọn có 2 km đường liên thôn, thì 100% chiều dài đã được cứng hóa, trục ngõ xóm với 649,2m đã được kê đắp, không còn lầy lội vào mùa mưa.

anh
Mô hình trồng cây ăn quả của một hộ dân trên địa bàn xã Xá Lượng. Ảnh: Đ.C

Ông Lô Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, từ khi nắm được các tiêu chí cần phải đạt trong xây dựng NTM, bà con đều rất nỗ lực. Đơn cử, gia súc gia cầm trước đây chủ yếu nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn, đến nay các hộ trong bản đều tách ra khỏi khu vực nhà ở. Các hộ đã có ý thức thu gom và phân loại rác đúng quy định...

Đáng nói, cùng với các chính sách hỗ trợ, bà con đã thực sự có ý thức trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình đã cho thấy hiệu quả như chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi gà... Theo đó, thu nhập bình quân đã tăng lên đáng kể, hiện đạt 35 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo trong bản chỉ còn 4/65 hộ, chiếm 6,15%.

Huyện Tương Dương hiện có 46/148 bản đạt chuẩn NTM, trong đó, 44 bản thuộc 5 xã nông thôn mới (gồm xã Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình, Xá Lượng), 2 bản thuộc xã chưa đạt chuẩn là bản Huồi Tố I (Mai Sơn), bản Pủng (Yên Thắng).

Hiện, 2 bản đang tiến hành làm hồ sơ, dự kiến trong tháng 5/2021 sẽ thẩm định xét công nhận bản đạt chuẩn, gồm bản Ngọn (Yên Hòa) và bản Phẩy (Xiêng My).

Duy trì cơ chế, chính sách khuyến khích các thôn, bản

Đến nay tổng nguồn vốn huy động để đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn Tương Dương là 2.770.522 triệu đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ trực tiếp là 227.429 triệu đồng, nguồn từ cơ chế, chính sách của tỉnh là 28.630 triệu đồng, huy động trong nhân dân là 208.787 triệu đồng, lồng ghép từ các chương trình, dự án là 2.305.676 triệu đồng.

Theo đó, các công trình cơ sở hạ tầng được làm đồng bộ, thiết chế văn hóa đảm bảo để người dân sinh hoạt văn hóa tinh thần. Đời sống của người dân dần ổn định, thu nhập không ngừng được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 71,3% (năm 2010), nay còn 24,28%.

Là địa phương nằm trong số ít các huyện 30a trong cả nước hiện có 5 xã đạt chuẩn NTM. Kết quả đó phản ánh rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM cấp xã để đạt chuẩn 19 tiêu chí là rất khó đối với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, khi tỉnh ban hành bộ tiêu chí NTM cấp thôn, bản với 15 tiêu chí để chỉ đạo xây dựng ở các xã miền núi khó khăn, đã tạo động lực, làm dấy lên phong trào xây dựng NTM ở các thôn, bản trên địa bàn.

anh
Mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Tống Văn Chiến ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đ.C

Theo đó, cùng với việc huyện đã chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường trọng điểm được hoàn thành như: Tuyến Bãi Xa - Tùng Hương; Bản Ang - Na Bè, Hợp Thành…; xây dựng nhiều khu tái định cư như: TĐC Huồi Tố I (Mai Sơn), TĐC Nhôn Mai (Nhôn Mai), TĐC Na Cáng (Yên Tĩnh), TĐC Xốp Mạt (Lượng Minh)… Ngoài ra, thường xuyên quan tâm tới các bản vùng sâu, vùng xa của 3 xã dọc sông, hàng năm tổ chức ra quân tu bổ, làm đường giao thông nông thôn, đến nay trên 100% bản đã có đường đi xe máy vào tận bản.

Các địa phương cũng đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế, với phương châm, “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM”. Trong quá trình triển khai, từng thành viên Ban Chỉ đạo xã, thôn, bản, từng tổ chức, đoàn thể phụ trách từng tiêu chí; tuyên truyền đến từng hộ để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng và hưởng thụ thành quả NTM; hướng dẫn người dân chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp; vận động người dân hiến đất, góp công, góp của, kêu gọi hỗ trợ đóng góp của con em xa quê để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ông Tình Văn Hồng - Trưởng bản Phẩy, xã Xiêng My cho rằng, triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản không những giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, chủ động hơn trong công việc của mình, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, tiếp đó là các thôn, bản với nhau.

Trên cơ sở kế hoạch đến năm 2025 ngoài phấn đấu xây dựng thêm 4 xã về đích (Lưu Kiền, Yên Hòa, Xiêng My, Yên Na), đưa số xã đạt chuẩn NTM lên 50%. Huyện Tương Dương hướng mục tiêu xây dựng 20 bản thuộc các xã còn lại đạt chuẩn NTM: Xốp Nậm, Phá Lỏm (Tam Hợp); Bản Lạ, Minh Thành, Minh Tiến (Lượng Minh); Cặp Chạng, bản Hạt, Cành Toong (Yên Tĩnh); bản Lườm, bản Cảnh, Trung Thắng (Yên Thắng); bản Bay, Na Ka (Nga My); Chà Lâng, Huồi Cọ (Hữu Khuông); Huồi Cọ, Nhôn Mai (Nhôn Mai); Huồi Xá, Na Hang, Piềng Mựn (Mai Sơn).

anh
Lãnh đạo huyện Tương Dương khảo sát thực tế tại mô hình trồng cây ăn quả ở xã Xá Lượng. Ảnh: Đ.C

Huyện xác định công tác lập kế hoạch xây dựng NTM cho xã là hết sức quan trọng, để xác định được lộ trình, nguồn lực đầu tư; quan trọng nhất phân định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành… Đặc biệt, với phương châm “Tiêu chí nào dễ, không cần tiền làm trước; tiêu chí nào khó làm, cần tiền làm sau” không chạy theo thành tích bằng mọi giá mà xác định rõ là xây dựng được tiêu chí nào thì người dân thực sự được hưởng thành quả của tiêu chí đó, không huy động quá sức dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tương Dương

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, coi đây là khâu đột phá quan trọng để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, để tạo việc làm tại chỗ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP) để khẳng định vị thế sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tăng cường đào tạo nghề, trong đó, chú trọng việc liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm ổn định sau khi đào tạo...

Với phương châm “Có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM”, trên cơ sở phê duyệt cơ chế hỗ trợ xi măng từ phía tỉnh cho các thôn, bản, huyện Tương Dương tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thôn, bản phấn đấu đạt chuẩn NTM. Theo đó, thưởng 70 triệu đồng, trong đó, 50 triệu đồng để bản, làng đầu tư xây dựng công trình hoặc mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa cộng đồng và 20 triệu đồng tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn.

Mới nhất
x
Xây dựng làng, bản nông thôn mới ở Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO