Xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá của tỉnh Nghệ An
(Baonghean.vn) - Với bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng, bằng trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của người Thanh Chương, tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, phát huy cao nhất những kinh nghiệm quý báu và kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, kỳ vọng huyện sẽ phát triển nhanh, bền vững, trở thành huyện khá của tỉnh.
Sáng 12/8, dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Chương lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020 -2025, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội.
Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Trung tướng Trần Võ Dũng - Chính ủy Quân khu 4.
- Thưa đoàn chủ tịch;
- Thưa toàn thể đại biểu tham dự đại hội.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Thành Duy |
Hôm nay, Đảng bộ huyện Thanh Chương long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện.
Vui mừng về tham dự Đại hội, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh, tôi trân trọng gửi tới đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý và 265 đại biểu chính thức của Đại hội những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa toàn thể Đại hội!
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXX, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương đã nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khá, 7,89%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thế mạnh về sản xuất nông lâm nghiệp được tập trung đẩy mạnh, đã xác định và phát triển đúng hướng một số loại cây, con chủ lực có giá trị hàng hóa cao, được thị trường tiêu dùng đón nhận; đứng tốp đầu của tỉnh về tổng đàn gia súc và gia cầm, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bộ mặt nông thôn, thị trấn, thị tứ có nhiều khởi sắc, cuối năm 2020, dự kiến có 20 xã về đích nông thôn mới.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động, kinh tế du lịch được chú trọng khai thác tốt hơn.
Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Thành Duy |
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, truyền thống hiếu học và học giỏi tiếp tục được tiếp nối. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số và phát triển được quan tâm và nâng cao. Duy trì tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, giao lưu, kết nối trong và ngoài huyện.
Quốc phòng, An ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đảm bảo, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc tại các vùng tái định cư được cải thiện tốt hơn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Năm 2016 và năm 2017, Đảng bộ huyện Thanh Chương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp loại Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Chương trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thưa các đồng chí!
Thưa toàn thể Đại hội!
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng, trong quá trình phát triển vừa qua, Thanh Chương vẫn đang thiếu một cú hích, bứt phá thực sự trên nền tảng của mình; nông nghiệp là mặt trận chủ công trong phát triển kinh tế của huyện nhưng cơ bản đang sản xuất thuần, còn hạn chế trong liên kết và hình thành những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.
Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu tập trung; quản lý và điều hành của chính quyền các cấp, nhất là trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên tại một số đơn vị thiếu chặt chẽ; ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, thiếu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức dẫn đến còn sai phạm.
Tôi đề nghị Đại hội cần hết sức nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc thực trạng nói trên, rút ra bài học kinh nghiệm để tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí!
Tôi nhất trí và đánh giá cao Báo cáo chính trị do Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXX trình Đại hội hôm nay. Báo cáo đã bám sát dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thể hiện được quyết tâm chính trị, tinh thần cách mạng tiến công mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương trong chặng đường sắp tới với mục tiêu “Xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá của tỉnh Nghệ An”.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm mô hình phát triển cây có múi ở xã Thanh Lĩnh. Ảnh tư liệu: PV |
Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, Báo cáo chính trị đã nêu ra khá đầy đủ, toàn diện, trải khắp trên các lĩnh vực, tôi nhấn mạnh thêm một số nội dung để chúng ta cùng thảo luận, quyết định:
Thanh Chương là vùng đất non nước hữu tình, nhân thuần, vật hậu. Khi đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, người Thanh Chương đoàn kết, gắn bó, cần cù, tiết kiệm; đối mặt với cường quyền thì dũng cảm, mưu lược, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, nên từ xưa tới nay, đất và người Thanh Chương luôn có một vị trí nhất định trong lịch sử phát triển của quê hương, đất nước. Từ những ngày bình minh có Đảng, Thanh Chương là căn cứ cách mạng tin cậy, là nơi cơ quan Tỉnh ủy hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào, nơi đánh dấu sự ra đời đầu tiên của chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.
Bước vào nền kinh tế thị trường, người Thanh Chương sớm tỏa đi muôn nơi, năng động, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, nhiều trí thức, doanh nhân tài danh không đợi tuổi và luôn hẹn ngày trở lại với quê hương. Người ở nhà trăn trở, năng động kiếm cách làm ăn, chăm lo sự học, quyết chí thành tài.
Yếu tố lịch sử, văn hóa nổi trội này, cùng những thời cơ thuận lợi đang có được, Thanh Chương hội tụ đầy đủ điều kiện để vững vàng đi lên trên nền tảng nội lực của chính mình trong bối cảnh mới.
Trước hết, tôi đề nghị Đại hội cần phân tích làm rõ nội hàm các trụ cột của nền kinh tế, nhận diện rõ những tiềm năng, thế mạnh để xây dựng quy hoạch chung của huyện và các quy hoạch khác có liên quan, làm cơ sở ban hành các nghị quyết, đề án thực hiện các đột phá chiến lược, chương trình trọng điểm để đưa Thanh Chương phát triển nhanh, bền vững.
Thanh Chương tiếp tục xác định đi lên từ nông nghiệp, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế nhưng cần tạo ra sự đột phá lớn, cởi trói tư duy và cách làm theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với chế biến sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích. Chúng ta thấy, cây chè trên đất Thanh Chương là một thế mạnh, hiện chiếm 50% diện tích và 65% sản lượng chè của tỉnh nhưng lại đóng vai trò phụ trên thị trường chè, người trồng chè ở Thanh Chương vẫn thấp thỏm, lo âu vì đầu ra thiếu ổn định, phụ thuộc vào cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn, quy trình, công nghệ sản xuất chưa nổi trội. Thanh Chương nên giữ vững diện tích cây chè với vai trò là cây công nghiệp chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, đồng thời phải đầu tư thâm canh, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn gắn với đeo đuổi, quyết liệt thu hút nhà máy chế biến công nghệ cao, có tầm cỡ để nâng tầm thương hiệu chè Thanh Chương, đưa cây chè phát triển xứng tầm.
Bên cạnh cây chè, cần phát huy lợi thế đa dạng về thổ nhưỡng, tiếp tục mở rộng diện tích gắn với nâng cao chất lượng, sản lượng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các cây ăn quả, cây đặc sản đã “bén thương hiệu” trên đồng đất Thanh Chương như: cam, bưởi diễn, trám đen, thanh long ruột đỏ… trở thành vùng cây ăn quả trù phú của tỉnh.
Khai thác hiệu quả lợi thế diện tích đất rừng để phát triển mạnh lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chú trọng khai thác nguồn lợi dưới tán rừng nhất là dược liệu; tập trung phát triển rừng trồng được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quản lý rừng quốc tế, đưa Thanh Chương trở thành một trong những trung tâm cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến lâm nghiệp công nghệ cao bền vững của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nhất là tiếp tục duy trì vị thế tốp đầu của tỉnh về đàn gia súc, gia cầm gắn với thực hiện tốt an toàn sinh học trong điều kiện thường xuyên xảy ra dịch bệnh như hiện nay; tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương.
Tập trung xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và hài hòa, thực sự đem lại sự hài lòng và hạnh phúc của người dân. Tiếp tục thu hút, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề có thế mạnh, thân thiện với môi trường; phát triển hợp lý các khu đô thị, khu trung tâm gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải, dịch vụ…
Đảo Chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: CTV |
Thứ hai: Với lợi thế có đường Hồ Chí Minh chạy dài qua nhiều xã, Quốc lộ 46 kết nối trọng điểm du lịch Cửa Lò - Kim Liên (Nam Đàn) đến Cửa Khẩu Thanh Thủy - Nậm On của nước bạn Lào; cùng với trầm tích văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất đã có danh xưng hơn 550 năm, nhiều cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, nhất là từ khi đảo chè ở hồ Cầu Cau được khám phá, quảng bá, đã mở ra khả năng mới phát triển du lịch ở Thanh Chương.
Thực tiễn trong thời gian qua, du lịch ở huyện đã có những tín hiệu rất tích cực, nhưng cơ bản vẫn còn tự phát, đơn điệu. Thanh Chương cần nghiêm túc nhìn nhận du lịch là một ngành kinh tế đầy tiềm năng của huyện, theo đó cần thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống di tích, các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dành sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, môi trường du lịch một cách bài bản, có tầm nhìn dài hạn, có khả năng kết nối tốt với các trọng điểm du lịch của tỉnh, đưa Thanh Chương trở thành tâm điểm du lịch của tỉnh và của vùng.
Chủ động, đón đầu phát triển kinh tế cửa khẩu trọng tâm là thương mại, vận tải, dịch vụ kho bãi khi đường cao tốc Hà Nội - Pạc Xan - Viêng Chăn và Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy được triển khai thực hiện.
Thứ ba: Thanh Chương nổi tiếng là vùng đất khổ học và quyết học, thế hệ nối tiếp thế hệ, truyền thống này tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên một truyền thống nổi trội của đất và người nơi đây. Trong câu chuyện hàng ngày, trong câu chúc, lời thăm, dường như câu đầu cửa miệng của người Thanh Chương vẫn xoay quanh sự học; danh giá của nhiều gia đình, dòng họ, thôn xã được tôn vinh từ sự học. Bởi thế xưa và nay, ở Thanh Chương có nhiều người đỗ đạt, thành danh, thành công, đóng góp tích cực trên các lĩnh vực khác nhau trong nước và quốc tế.
Thanh Chương cần chú trọng và biết phát huy yếu tố truyền thống tốt đẹp này để tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa Thanh Chương phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ đổi mới. Một mặt vừa chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Đồng thời, chú trọng khai thác tốt nguồn chất xám, trí tuệ, nguồn tài chính của con em Thanh Chương đang sinh sống, làm việc ở ngoài huyện, ngoài tỉnh phục vụ công cuộc phát triển của huyện. Biết kết hợp, lồng ghép hài hòa những giá trị cũ và mới, truyền thống và hiện đại của người Thanh Chương đó là cần cù, chắt chiu, hào sảng trong cuộc sống, quyết liệt, quyết đoán, mưu lược, sáng tạo trong công việc, tín nghĩa, thủy chung với bạn bè, đối tác, đưa Thanh Chương bước dài vững chắc trong quá trình phát triển của mình.
Thứ tư: Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phát huy thành tựu giảm nghèo, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm toàn diện, thường xuyên đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư trên địa bàn để họ thực sự yên tâm, hòa nhập nơi quê hương mới.
Tiếp tục đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc, công tác đối ngoại với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới, góp phần giữ yên biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Thứ năm: Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, đảm bảo sát dân, sống đúng giữa lòng dân, bắt nhịp với hơi thở của nhân dân và thực sự vì nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; Tập trung chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm công vụ; đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với tính Đảng cao nhất, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các nguồn lực trên địa bàn nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thực hiện các chế độ, chính sách của nhân dân… giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của nhân dân; không để phát sinh những điểm nóng về an ninh, trật tự.
Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Thành Duy |
Thưa quý vị đại biểu! Thưa Đại hội!
Cùng với việc thảo luận Báo cáo chính trị đại hội, các đại biểu cần quan tâm thỏa đáng thảo luận Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết đại hội; đóng góp ý kiến tâm huyết vào Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Về công tác nhân sự của Đại hội, tôi mong muốn và đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, sáng suốt lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXXI đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu, tiêu biểu cho phẩm chất, trình độ, tâm huyết,có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội; bầu đoàn đại biểu đại diện xứng đáng cho trí tuệ, tiếng nói của 71 tổ chức cơ sở đảng và trên 13.400 đảng viên trong toàn huyện tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Thưa các đồng chí! Thưa Đại hội!
Với bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng, bằng trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của người Thanh Chương, tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi,phát huy cao nhất những kinh nghiệm quý báu và kết quả đạt được, tôi tin tưởng, kỳ vọng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Chương sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, đưa Thanh Chương phát triển nhanh, bền vững, trở thành huyện khá, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển của tỉnh nhà.
Trong đó, lưu ý nhiệm vụ cần kíp hiện nay của Đảng bộ là phải tập trung cao độ, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Cuối cùng, kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.
Chúc đại hội thành công, tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
(Đầu đề do Báo Nghệ An đặt)