Xem làng khoa bảng Quỳnh Đôi làm du lịch
Quỳnh Đôi lâu nay còn được gọi với cái tên “Làng khoa bảng”, nổi danh với câu nói “Bắc Hà có Hành Thiện – Hoan Diễn có Quỳnh Đôi”.
Phát huy lợi thế của địa phương
Những ngày cuối năm 2024, con đường dẫn vào xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), chật kín người qua lại. Những đoàn ô tô nối đuôi nhau, dừng trước các điểm du lịch ngay sau cánh cổng dẫn vào làng, để du khách tham quan. Đây cũng là dịp chính quyền địa phương tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận điểm du lịch làng Quỳnh Đôi.
“Đây là sự kiện lớn đối với chúng tôi, sau rất nhiều nỗ lực của cả chính quyền lẫn người dân”, ông Hồ Sỹ Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi không giấu nổi niềm vui nói. Đợt này, ngoài các chương trình văn nghệ, chính quyền còn tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP mang đậm đặc trưng của địa phương.
Quỳnh Đôi lâu nay còn được gọi với cái tên “Làng khoa bảng”, nổi danh với câu nói “Bắc Hà có Hành Thiện – Hoan Diễn có Quỳnh Đôi”. Theo thống kê của lãnh đạo xã Quỳnh Đôi, tính từ năm 1378 đến năm 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh có đến 734 người đậu tú tài và cử nhân. Quỳnh Đôi chỉ là vùng quê nhỏ bé, hiện chỉ có khoảng 5.000 hộ dân, nhưng nơi đây đã sinh ra 5 người từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài ra, Quỳnh Đôi còn có 9 người từng là đại biểu Quốc hội, 31 Tỉnh ủy viên, trong đó 11 người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, hoặc Phó Bí thư Khu ủy, Tỉnh ủy…
Theo ông Hồ Sỹ Hưng, ý tưởng làm du lịch được Đảng ủy xã nêu lên từ nhiệm kỳ trước, nhưng phải đến nhiệm kỳ này mới đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. “Đến năm 2023, được sự hỗ trợ từ một người con Quỳnh Đôi sinh sống ở Hà Nội, xã chúng tôi quyết định triển khai các tour du lịch để quảng bá đất và người, lịch sử của làng. Đặc biệt là quảng bá tinh thần hiếu học của làng nói riêng và xứ Nghệ nói chung”, ông Hưng nói.
Cuối năm 2023, tour du lịch “Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang” chính thức ra mắt. Ngoài tiểu phẩm “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”, ngay tại cổng làng Quỳnh Đôi, khi du khách tới còn được xem tiểu phẩm “Người đã về đây”. Đây là tiểu phẩm tái hiện lại cảnh năm 1903, Bác Hồ cùng anh trai được cụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo, ghé thăm và ở lại làng Quỳnh Đôi một thời gian… Diễn viên trong các tiểu phẩm, đều là bà con trong xã.
Không chỉ được xem những tiểu phẩm này, các du khách khi đến làng Quỳnh Đôi còn có thể thăm hàng loạt di tích khác với hơn 30 điểm đến. Cụ thể, sau khi bước qua cổng làng, các đoàn đi tham quan các di tích như lăng mộ Hồ Tùng Mậu, Bia danh nhân văn hóa thế giới Hồ Xuân Hương, phù điêu liệt sĩ anh hùng quân đội Cù Chính Lan và các Di tích Lịch sử Quốc gia đền Thần, nhà thờ Hồ Sỹ Tư, di tích lịch sử cấp tỉnh nơi Bác Hồ cùng thân phụ về thăm Làng Quỳnh Đôi; nhà thờ họ Dương, nơi cụ Dương Văn Khai người thầy đầu tiên đưa con chữ về dạy học cho con em làng Quỳnh cùng với một số điểm sản xuất các sản phẩm như nghề làm nước mắm, hương trầm, làng cây cảnh…
Cả chính quyền và người dân cùng chung tay
Theo lãnh đạo UBND xã Quỳnh Đôi, để phát triển du lịch, sẽ không gặt hái được thành công nếu không có sự chung tay từ chính người dân trên địa bàn cũng như con em xa quê. “Toàn bộ kinh phí xây dựng, trùng tu các điểm đến chúng tôi đều huy động xã hội hóa”, ông Hồ Sỹ Hưng nói. Không chỉ đóng góp về vật chất, người dân Quỳnh Đôi cũng có ý thức cao trong vệ sinh môi trường. Đây cũng là xã đầu tiên ở Nghệ An cấm chó thả rông suốt nhiều năm qua.
Theo đó, khi còn chưa chú tâm làm du lịch, mỗi lần du khách ghé thăm xã Quỳnh Đôi, có một đặc điểm mà không nhiều người chú ý, đó là ngoài đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, thì đã không còn bóng dáng của những con chó thả rông. Từ năm 2018, xã Quỳnh Đôi thành lập 2 tổ tuần tra, bao gồm công an, công chức xã để đi bắt chó thả rông. Các thành viên trong tổ này đi kiểm tra trên các tuyến đường làng, khi phát hiện chó thả rông thì dùng vợt bắt chó mang về trụ sở công an xã để xử lý. Các tổ này được trang bị vợt để bắt chó, thường đi tuần tra lúc sáng sớm và chiều tối, vì thời điểm đó chó ra đường phóng uế nhiều. Ngoài tuần tra, xã còn tận dụng hàng trăm camera của người dân cũng như chính quyền để phạt nguội các trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, những năm gần đây, bóng dáng chó thả rông ở xã này gần như không còn.
Ngoài việc không còn chó thả rông, xã Quỳnh Đôi còn có điểm đặc biệt, đó là toàn bộ hơn 1.500 ngôi nhà nơi đây đều được gắn số nhà cụ thể. Tấm biển màu xanh gắn trước cổng nhà, phía trên là số thứ tự, phía dưới là tên thôn, tên đường và tên xã. Nhìn qua, trông chẳng khác nào một khu phố. Đây cùng là xã đầu tiên ở Nghệ An gắn số nhà cho các hộ dân.
Việc gắn số nhà được triển khai đồng loạt trên địa bàn từ 4 năm trước. Việc này xuất phát từ ý kiến của những người con xa quê và du khách. Mỗi lần họ về thăm Quỳnh Đôi, gặp khó trong việc tìm nhà người quen để đến thăm, phải hỏi đường rất nhiều lần. Thời điểm đó, xã Quỳnh Đôi cũng vừa hoàn thành nông thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, nên chúng tôi triển khai luôn. Trong quá trình triển khai, không gặp bất cứ ý kiến phản đối nào từ người dân, ai cũng rất hoan nghênh. Bởi chi phí cho việc này không lớn, nhưng đem lại nhiều tiện lợi.
Ông Hồ Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi
Từ lúc ra mắt tour du lịch đến nay, Trung tâm Điều hành hoạt động du lịch Quỳnh Đôi đã đón tiếp 49 đoàn đến tham quan với 2.109 lượt khách. Ngoài ra, còn có hàng chục đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử ở các di tích trên địa bàn.
“Có thể nói đây là một bước có tính đột phá dám nghĩ, dám làm của địa phương. Kịp thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, du khách thập phương và nước ngoài. Là đơn vị được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh 1 trong 12 sản phẩm tiêu biểu độc đáo nhất năm 2023”, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Đôi chia sẻ.