Ý nghĩa lớn của 'Quỹ 1000 đồng' ở xã vùng biên Nghệ An
(Baonghean.vn) - Tam Hợp - xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có các dân tộc Mông, Thái, Tày Poọng và Kinh cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 530 hộ, trong đó có 315 hộ nghèo, cận nghèo 87 hộ. Để góp phần giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, tháng 4/2022, Đảng uỷ xã Tam Hợp (Tương Dương) đã phát động và nhân rộng mô hình “Quỹ 1.000 đồng” để hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn.
Gia đình ông Xồng Bá Lù, 65 tuổi là 1 trong 2 hộ khó khăn ở bản Mông Phá Lõm được nhận hỗ trợ từ mô hình "Quỹ 1.000 đồng” để xoá nhà tranh tre dột nát. Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Lù, Ban quản lý bản Phá Lõm và tổ công tác của xã đang bàn bạc với gia đình về phương án tháo dỡ và dựng nhà mới cho ông Lù.
Gặp chúng tôi, ông Xồng Bá Lù vui vẻ cho biết: Vật liệu đã tập kết sẵn rồi, chỉ chờ dựng nhà mới thôi, cảm ơn cấp uỷ, chính quyền và bà con nhiều lắm, "Quỹ 1.000 đồng” nghe thì nhỏ nhưng cái tình lại rất to, góp lại có thể giúp đỡ những người khó khăn như gia đình tôi vượt khó, vươn lên.
Đảng viên Chi bộ Phá Lõm góp "Quỹ 1000 đồng". Ảnh: HT |
Ngoài ông Lù, đợt này trong bản Phá Lõm còn có gia đình Xồng Tồng Xò cũng được hỗ trợ để xoá nhà tranh tre với trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Nói về mô hình thùng “Quỹ 1000 đồng”, ông Xồng Bá Giày - Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm cho hay: Chi bộ có 30 đảng viên đã thống nhất chủ trương mỗi ngày mỗi người sẽ tự nguyện đóng góp 1.000 đồng (mỗi tháng 30.000 đồng) vào thùng quỹ. Thùng được gắn ở nhà văn hoá cộng đồng để mỗi người có thể chủ động bỏ vào mỗi dịp sinh hoạt chi bộ, hội họp. Ngoài ra, mọi người dân có tấm lòng thơm thảo đều có thể đóng góp để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Hiện bản đang trên đà xây dựng bản nông thôn mới và đã đạt 8/13 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt. Việc hỗ trợ xoá nhà tranh tre hay hỗ trợ sinh kế cho người nghèo cũng là cách để bản vươn lên hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2022, hộ nghèo trong bản đã giảm từ 72 hộ xuống còn 52 hộ…”, ông Xồng Bá Giày cho hay
Tổ công tác bàn phương án xoá nhà dột nát giúp ông Xồng Bá Lù bằng nguồn hỗ trợ của "Quỹ 1000 đồng". Ảnh: KL |
Được biết, xã Tam Hợp có 11 chi bộ với 217 đảng viên, trong đó có 5 chi bộ thôn bản, mỗi chi bộ đều có gắn thùng “Quỹ 1.000 đồng”. Bên cạnh đó, có 1 thùng quỹ được đặt ngay ở UBND xã. Theo ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hợp: Mô hình được thực hiện từ tháng 4 năm 2021 nhằm tiếp tục cụ thể hoá cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng gắn với các phong trào “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân chung tay xây dựng Nông thôn mới”…
Thông qua đó, tạo thành phong trào sôi nổi có sức lan toả đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm hình thành nguồn quỹ sẻ chia, giúp đỡ đối với hộ nghèo, hộ còn khó khăn trên địa bàn xã. Đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức thì vận động thực hiện đóng góp 1000 đồng/ngày. Đối với đảng viên là cán bộ bán chuyên trách, đảng viên nông thôn và các tổ chức, cá nhân thì thực hiện đóng góp theo tinh thần tự nguyện.
Cán bộ, đảng viên UBND xã và Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp ông Xồng Bá Lù dỡ nhà cũ để sửa chữa. Ảnh: KL |
Theo đó, không chỉ đảng viên sinh hoạt cắm điểm tại bản, Ban quản lý mỗi ngày góp 1.000 đồng (30.000 đồng/tháng), mà thực tế, nhiều người dân mỗi lần đến sinh hoạt, hội họp, tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ… ở nhà văn hoá cộng đồng bản cũng đã ủng hộ vào thùng quỹ.
Mỗi quý thùng quyên góp tự nguyện "Quỹ 1000 đồng” sẽ được mở một lần. Số tiền quyên góp được từ các chi bộ sẽ đưa về quỹ chung của xã dùng để hỗ trợ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hoặc gia đình gặp biến cố, rủi ro trong cuộc sống.
Ngoài ra, trên cơ sở thực tế, Ban chỉ đạo mô hình cấp xã sẽ lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng được thụ hưởng, thực hiện lồng ghép các chương trình để sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Việc sử dụng nguồn quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch để toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nắm được.
Mới đầu, mô hình thùng tiết kiệm được thí điểm triển khai ở bản Xốp Nặm sau đó nhân rộng ra toàn xã, đến nay đã quyên góp được hơn 60 triệu đồng để ủng hộ 2 hộ khó khăn xoá nhà tranh tre dột nát tại bản đồng bào Mông ở Phá Lõm và 2 hộ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất tại bản đồng bào Thái ở bản Văng Môn. Vui nhất là cả 2 hộ được hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là hộ anh Lương Văn Niệm và Kha Văn Ót ở bản Văng Môn hiện đều đã thoát nghèo.
Ngoài được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà, ông Xồng Bá Lù còn được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: KL |
Đây là một mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, qua đó gắn kết thêm khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xã biên giới Tam Hợp để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Hiện nay, Huyện uỷ Tương Dương đã nhân rộng mô hình "Quỹ 1000 đồng” ở xã Tam Hợp và chuyển đổi thành mô hình “Cây ATM 1000 đồng” thực hiện trên địa bàn toàn huyện.