3 giải pháp trọng tâm trong liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ

Công Kiên 01/07/2022 17:14

(Baonghean.vn) -  Tại Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An), ông Trương Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tham luận về giải pháp trọng tâm trong liên kết phát triển du lịch.

Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng có vị trí giao thông thuận lợi, vừa có rừng, có biển, sông ngòi, đồng lúa. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đây là khu vực tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, cũng là nơi nổi tiếng với các di sản thế giới, có nhiều cộng đồng dân cư thuộc các sắc tộc khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng và độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.

Diễn đàn Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 chính là cơ hội và giải pháp trọng yếu nhằm phát huy khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, vị trí chiến lược của các địa phương, đẩy mạnh kết nối du lịch, tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị góp phần kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi sau dịch Covid-19, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường thu hút số lượng du khách, thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách...

Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) chiều 1/7. Ảnh: Đình Tuyên

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Đức Hùng nhận định du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, thu hút số lượng lớn du khách quốc tế, nội địa đến các địa phương, nhằm triển khai cụ thể chương trình hợp tác, liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng.

Tiếp tục phát triển những kết quả đã thực hiện, từ thực tế thực hiện các chương trình liên kết du lịch với các khu vực, nhằm triển khai nội dung liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, ông đề xuất các nhóm nội dung liên kết trọng tâm:

Thứ nhất, về liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, khai thác nguồn khách đến: Hiện nay các hoạt động liên kết chủ yếu dựa vào cơ chế hội nghị trên cơ sở tự nguyện, thiếu tính pháp lý ràng buộc. Do đó, cần hoàn thiện chính sách và các văn bản pháp lý nhằm triển khai liên kết vùng tốt hơn trên cơ sở có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình điều phối, thực thi liên kết vùng.

Trên cơ sở hình thành và phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương, cần đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng để tạo thành các cụm sản phẩm mạnh để tạo thành điểm đến liên vùng, các sản phẩm chuyên đề như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành như đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản… để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn.

Ông Trương Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn trao đổi về giải pháp trọng tâm trong liên kết phát triển du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Cần có chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch của vùng như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đồng bộ như cơ sở lưu trú, vui chơi, giải trí, thể thao, phương tiện vận chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch khác.

Thứ hai, về liên kết trong công tác thương hiệu - quảng bá tiếp thị, tổ chức sự kiện du lịch: Cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm nhằm thúc đẩy công tác quy hoạch, thị trường, các chương trình hợp tác phát triển, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch một cách thống nhất.

Chính quyền mỗi địa phương và cả vùng cần bố trí kinh phí cho các hoạt động du lịch bằng ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và ngoài nước thường xuyên, liên tục với sự tham gia gắn kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các tỉnh, cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành.

Hành trình chinh phục đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn - Nghệ An) - "nóc nhà" Trường Sơn Bắc. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch vùng thông qua việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng; tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như internet, mạng truyền thông xã hội, xây dựng trang Web du lịch chung của vùng trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ ba, về liên kết đào tạo, sử dụng, phát triển nguồn nhân lực du lịch: Cần có chương trình đào tạo thống nhất, đồng bộ tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các địa phương; đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành Du lịch, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ.

Tiếp tục hoàn thiện các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực...

Mới nhất
x
3 giải pháp trọng tâm trong liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO