4.000 đồng/kg vải quả, người dân ngậm ngùi để hay chặt cây?
(Baonghean.vn) - Những ngày này, người dân một số xã trên địa bàn huyện Con Cuông đang bước vào vụ thu hoạch vải. Vải năm nay có sản lượng cao, tuy nhiên người trồng lại đang gặp khó trong khâu đầu ra.
Gia đình chị Nguyễn Thị Sáu ở thôn Trung Chính, xã Yên Khê trồng 18 gốc vải, cây nào quả cũng sai trĩu quả. Chị Sáu chia sẻ: "18 gốc vải của gia đình được trồng từ năm 1996, vừa để che bóng mát vừa thu hoạch quả. Từ khi trồng đến nay thì đây là năm được mùa nhất, nhưng lại là năm giá bèo bọt nhất. Hiện, giá trung bình vải thiều bán tại vườn chỉ 4 nghìn đồng/kg. Vì giá thấp quá, nên gia đình tôi đành lặn lội tự mình chở vải ra chợ thị trấn Con Cuông bán thì được khoảng 8 đến 10 nghìn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm ngoái giá từ 20-25 nghìn/kg".
Con Cuông hiện có khoảng gần 40 ha vải. Việc thu hoạch quả cũng khá khó khăn khi người dân phải leo cây cao để thu hái. Ảnh: Bảo Hân |
Mặc dù bán rẻ vậy nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Mỗi ngày chị Sáu đều dậy từ 5 giờ sáng, mang vải đi quanh chợ, chờ tìm được người mua.Chị chia sẻ thêm, vụ vải thường ngắn ngày, lúc vải bắt đầu chín rộ phải thu hoạch nhanh (trong vòng 20 ngày), nếu hái không kịp quả vải sẽ bị nứt, màu bị thâm và rất khó bán. Vì vậy, để thu hoạch kịp, gia đình chị đã phải thuê thêm nhân công, sau khi trừ đi chi phí thì chẳng còn được bao nhiêu.
Do khó tiêu thụ, chị Sáu đã đem vải luộc qua nước sôi rồi đem phơi nắng, sấy khô bảo quản cất giữ để Tết bán. Ảnh: Thăng Bình |
Phơi nắng và sấy khô thủ công. Ảnh: Thăng Bình |
18 gốc vải của gia đình chị hiện đã thu hoạch được 1 nửa, trung bình mỗi cây đạt từ 5-7 yến quả. Do sản lượng nhiều, giá bán lại quá thấp nên chị Sáu đã đem vải luộc qua nước sôi rồi đem phơi nắng, sấy khô bảo quản cất giữ để Tết bán.
Cùng gặp khó khăn về đầu ra như gia đình chị Sáu, các hộ trồng vải trên địa bàn huyện Con Cuông năm nay và nhiều năm trước đều ở trong hoàn cảnh được mùa mà vẫn không vui vì giá vải quá thấp và khó bán. Để được giá cao hơn 1 chút, người dân chỉ có cách tập trung hết nhân lực thu hái và chở ra chợ đầu mối ở thị trấn để bán. Nếu ở xa, không mang được tới các chợ thì đành chịu thiệt, tiếc rẻ nhìn vải chín rụng đỏ gốc.
Ông Vi Văn Phúc ngậm ngùi vì số vải của gia đình đã thu hoạch 2 ngày mà chưa ai mua. Ảnh: Bảo Hân |
Gia đình ông Vi Văn Phúc cũng ở bản Trung Chính, xã Yên Khê, có hơn 40 gốc vải. Ông chia sẻ năm nay đạt hơn 1 tấn quả. Vì giá thu mua quá rẻ, gia đình lại không có người thu hái, nếu thuê mướn nhân công, trừ chi phí không được bao nhiêu nữa, nên vải của ông không thu hoạch kịp, bị nứt nẻ rơi đầy gốc. "Giờ tôi chỉ muốn ai mà đến thu mua tại vườn giá 3-4 nghìn tôi cũng bán thốc, bán tháo cho họ" - ông Phúc ngậm ngùi.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện cả huyện có khoảng 40 ha vải, chủ yếu trồng xen canh rải rác trong các vườn hộ, riêng diện tích vải trồng tập trung ở một số nơi như Chi Khê, Châu Khê trước đây do Dự án Pù Mát đầu tư.
Giống vải ở Con Cuông chủ yếu là giống có nguồn gốc từ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Quả vải chín có màu đỏ, mùi thơm nhẹ, cùi dày, tuy căng mọng nhưng khi bóc vỏ không dính nước, vị ngon ngọt thanh mát... Nhưng vị thơm ngon và sắc hương ấy vẫn chưa giúp người nông dân tìm được hướng đi để thoát cảnh giá bán rẻ, đầu ra bấp bênh.
Nhiều người tiếc giá thu mua tại vườn rẻ mạt nên tự bó thành bó đi bán rong. Ảnh: Thăng Bình |
Được mùa, nhưng qua câu chuyện với bà con, chúng tôi thường gặp một nỗi trăn trở đó là không biết có nên tiếp tục trồng vải nữa hay không hay chặt bỏ để thay thế cây trồng khác. Vì để trồng được cây vải, người dân phải mất bao nhiêu công sức, tiền của, đến kỳ thu hoạch giá quá rẻ mạt.
Trăn trở như thế, nhưng vì tiếc những cây vải tươi tốt và những kỹ thuật trồng vải đã tích lũy được bao năm nay nên phần lớn người dân ở đây vẫn chọn cách tiếp tục gắn bó với cây vải. Họ hy vọng năm sau giá vải sẽ tăng hoặc đầu ra ổn định hơn.
Người trồng vải phải luộc quả, sấy khô với hy vọng bán dần. |