An dân, yên địa bàn

Khánh Ly 01/05/2022 07:32

(Baonghean.vn)- Hướng tới mục tiêu an dân, yên địa bàn, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đảng ủy xã Na Ngoi xây dựng mô hình An dân ở bản Phù Khả 1.

Xây dựng quy ước, hương ước vì bình yên bản làng

Phù Khả 1, xã Na Ngoi là bản 100% đồng bào người Mông, chủ yếu mang họ Vừ, có lịch sử cư trú từ lâu đời. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, Bí thư Chi bộ Vừ Bá Tổng cho biết: Phù Khả hàm nghĩa là ở trên đỉnh cao, có sương mù bao phủ.

Một góc bản Phù Khả 1. Ảnh: KL
Một góc núi rừng nhìn từ bản Phù Khả 1. Ảnh: KL

Bản có 84 hộ, 517 khẩu, chi bộ có 6 đảng viên. Bao đời nay, người dân Phù Khả chăm chỉ lao động đoàn kết xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Ngoài trồng lúa, trồng gừng, bà con chủ yếu chăn nuôi trâu bò, 1 hộ nuôi bình quân năm 5-6 con, hộ nhiều như Vừ Vả Rê, Vừ Chứ Và nuôi khoảng chục con, tổng cả bản hiện có khoảng 95 con bò, 120 con trâu.

Chi bộ, ban quản lý bản Pù Khả trao đổi về tình hình trong bản.
Chi bộ, Ban quản lý bản Pù Khả trao đổi về tình hình trong bản. Ảnh: KL

Vì sao Phù Khả 1 lại được chọn để xây dựng mô hình an dân? Nghe chúng tôi hỏi, Bí thư Chi bộ Vừ Bá Tổng thành thật trả lời: “Thời gian gần đây có một số người dân nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo, xúi giục của người xấu, tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây bức xúc trong dòng họ, làm xáo trộn tình hình trị an trong bản. Giờ thì ổn rồi, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và lực lượng chức năng trên mọi mặt trận nên người dân phấn khởi, ưng cái bụng lắm”.

Một nếp nhà bình yên ở bản Pù Khả 1 Ảnh KL.
Một nếp nhà bình yên ở bản Pù Khả 1. Ảnh KL.

Việc đầu tiên mà Ban chỉ đạo mô hình bắt tay vào triển khai là hỗ trợ dân bản Phù Khả 1 xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước của bản, quy định của dòng họ phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đề cao thuần phong mỹ tục của thôn bản, xóa bỏ phong tục lạc hậu; nêu cao tinh thần đoàn kết xóm giềng, tham gia các hoạt động hòa giải tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khó khăn, hoạn nạn.

Vận động các thành viên trong gia đình chấp hành pháp luật, hương ước của bản, không tham gia vào tệ nạn xã hội, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông. Nghiêm cấm đưa các phong tục, tôn giáo khác để truyền bá cho dân, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc; gây mất đoàn kết trật tự, trị an trong bản. Quy ước của bản với những điều khoản cụ thể ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu được dán ở cửa từng gia đình để mọi người ghi nhớ và không vi phạm.

Quy ước bản Pù  Khả 1 được dán ở trước mỗi nhà dân. Ảnh: KL
Quy ước bản Pù Khả 1 được dán ở trước mỗi nhà dân. Ảnh: KL

Theo ông Lầu Bá Chò- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn: An dân là mô hình dân vận khéo được triển khai ở bản Phù Khả 1 vào cuối năm 2021 gồm nhiều nội dung, công tác tuyên truyền, vận động đặc thù ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới làm nâng cao nhận thức, ý thức làm chủ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác tự quản về an ninh thôn bản, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương. Trọng tâm là chống truyền đạo trái pháp luật, ổn định an ninh thôn bản, hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Việc học hành của con em bản Phù Khả được quan tâm chăm lo. Ảnh KL
Việc học hành của con em bản Phù Khả được quan tâm chăm lo. Ảnh KL

Thay đổi tư duy, tập quán canh tác

Trước hết là giúp dân chuyển đổi mùa vụ sản xuất, trồng gừng hàng hóa, mở đường vào khu sản xuất chăn nuôi. Trước đây, tập quán canh tác của bà con chỉ sản xuất lúa một vụ, còn lại bỏ không cho cỏ mọc, nay triển khai cho bà con làm lúa 2 vụ, bắt đầu thí điểm từ hộ chị Mùa Y Súa.

“Từ xưa đến nay gia đình tôi cũng như người dân trong bản chỉ làm lúa một vụ trên ruộng bậc thang, nay được cán bộ hướng dẫn làm lúa hai vụ, hiện lúa phát triển tốt đã trổ đòng, tôi mừng lắm, nếu thành công thì có thêm nhiều gạo để ăn, không lo thiếu đói…”- Chị Mùa Y Súa vui vẻ cho biết.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo mô hình cũng chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Tổng đội TNXP giúp bà còn áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất, phòng chống sâu bệnh để tăng năng suất như bệnh vàng lá, thối củ ở cây Gừng, sâu keo ở cây ngô. Đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các đoàn thể chính trị cấp huyện, cấp xã triển khai các mô hình giúp dân phù hợp.

Ban chỉ đạo mô hình cũng chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Tổng đội TNXP giúp bà con phòng chống sâu bệnh để tăng năng suất như bệnh vàng lá, thối củ ở cây gừng. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Ông Và Bá Giờ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho hay: Về phía địa phương cũng tăng cường chỉ đạo, củng cố vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ bản, hiệu quả hoạt động tự quản của ban quản lý bản, các chi hội đoàn thể và người có uy tín trong bản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí Ủy viên BTV và cán bộ công chức được giao phụ trách bản. Tại lễ ra mắt mô hình, ban chỉ đạo đã phát động nhân dân tổng dọn vệ sinh làng bản, làm sọt đựng rác, tu sửa và phát quan đường liên bản, đường vào khu sản xuất, chăn nuôi, vận động các hộ gia đình sản xuất vụ đông xuân nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Mô hình thu gom rác thải được người dân Pù Khả 1 chấp hành nghiêm túc. Ảnh: Khánh Ly
Mô hình thu gom rác thải được người dân Pù Khả 1 chấp hành nghiêm túc. Ảnh: KL

Trưởng ban công tác mặt trận bản Pù Khả 1 Vừ Giống Tồng cũng cho biết: từ khi triển khai mô hình, trong bản có nhiều chuyển biến, ví như công tác vệ sinh môi trường, nhờ được hỗ trợ xây dựng 3 hố rác tập trung, bà con đã biết phân loại rác đem về hố rác tập trung để đốt, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt chung.

Các đơn vị như Đồn Biên Phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Ban Chỉ huy quân sự huyện… cũng có nhiều hoạt động “cầm tay chỉ việc” giúp thôn bản như hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ con giống. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo mô hình còn kêu gọi nguồn hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Zà Y Bô - người có công với cách mạng trị giá 100 triệu đồng.

Ngôi nhà tình nghĩa vừa mới khánh thành của bà Zà Y Bô, bản Phù Khả 1. Ảnh KL
Ngôi nhà tình nghĩa vừa mới khánh thành của bà Zà Y Bô, bản Phù Khả 1. Ảnh KL

Được biết do đời sống khó khăn, những năm qua, nhiều người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã rời khỏi bản làng để đi làm ăn xa ở nhiều địa phương trong nước và nước bạn như Lào, Thái Lan... Tuy nhiên do trình độ văn hóa, sự hiểu biết về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế nên một số người bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục thuyết phục từ bỏ phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú… và về truyền đạo trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự địa bàn, búc xúc trong nhân dân.

Một góc bản Phù Khả 1. Ảnh: KL
Một góc bản Phù Khả 1. Ảnh: KL

Ngoài mô hình an dân tại bản Pù Khả 1, xã Na Ngoi, Ban Dân vận huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng mô hình hướng tới “3 yên” ( yên dân, yên địa bàn, yên biên giới) tại một số địa bàn như ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý… Chính sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, tổ chức CT - XH từ huyện đến cơ sở, trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục có trọng tâm, trọng điểm đã làm cho các cá nhân và hộ gia đình tự nguyện cam đoan từ bỏ không tham gia sinh hoạt và truyền đạo trái pháp luật, trở lại theo phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên, đoàn kết cùng dân bản xây dựng cuộc sống mới. Từ đó đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.


Mới nhất

x
An dân, yên địa bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO