Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An bàn giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề
Sáng 22/4, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Nghệ An họp bàn, cho ý kiến những nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy chủ trì.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh: Hoàng Phú Hiền, Phùng Thành Vinh; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách: Phạm Tuấn Vinh, Hoàng Văn Nhiên, Chu Bá Long và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đào tạo
Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh cho ý kiến Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án).

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, các chỉ tiêu, mục tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên.
Theo đó, tuyển sinh đào tạo nghề cho 330.150 lượt người, đạt 101,68% mục tiêu Đề án; gồm các trình độ: cao đẳng 14.971 người, đạt 94,75%; trung cấp 29.106 người, đạt 100,37%; Sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 156.743 lượt người, đạt 102,65%. Trong đó, tỷ lệ nữ học nghề chiếm 38,6%, đạt 111,9% mục tiêu Đề án.
.png)
Tỷ lệ có việc làm của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 81,9%, đạt 100,94% mục tiêu Đề án (cao đẳng đạt 96,5%, trung cấp 96%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,4%); có 3 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, đạt mục tiêu Đề án.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 70,1% (đạt mục tiêu); trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 29,81% (riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 62,3%).
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề năm 2024 đạt 37% (đạt 97% mục tiêu Đề án) và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề đạt 37,5% (đạt 89,29% mục tiêu Đề án); có 1 trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao; có 69,5% nhà giáo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề, đạt 100% mục tiêu Đề án.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh đã tập trung thảo luận, phân tích sâu các nội dung liên quan đến triển khai Đề án. Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề đang tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Phú Hiền đề nghị cần đánh giá kỹ các tồn tại, hạn chế để từ đó có giải pháp gắn kết giữa các trường nghề và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy UBND tỉnh Phạm Tuấn Vinh nhấn mạnh: Ngoài việc đánh giá hiệu quả của việc chỉnh sửa chương trình đào tạo, cần quan tâm đến mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, chú trọng xây dựng mô hình trường nghề đạt chuẩn ASEAN. Đồng chí cho rằng, một trong những yếu tố then chốt là tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh.
Lãnh đạo một số cơ sở đào tạo nghề cũng tham gia góp ý, đề xuất về xu hướng đào tạo mới, phản ánh các khó khăn, vướng mắc thực tế trong quá trình triển khai Đề án cần sớm được tháo gỡ.
Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để định hướng ngành nghề
Kết luận nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đánh giá cao kết quả triển khai Đề án, đồng thời, chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện xuất phát từ việc Đề án không chỉ chịu sự chi phối của đầu mối quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi, đơn vị tuyển dụng; các quy định từ cơ chế quản lý, thực thi, cũng như tác động khách quan từ thị trường lao động.
.jpg)
Từ phân tích thực trạng thị trường lao động hiện nay, đồng chí yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; trọng tâm là đề xuất chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề; đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác đào tạo nghề; kịp thời chuyển đổi, bổ sung mã ngành phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh cũng đề nghị cần bổ sung nội dung phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để định hướng ngành nghề, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Lê Hồng Vinh đề nghị các sở, ngành trong tỉnh tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện hiệu quả Đề án quan trọng này trong thời gian tới.

Tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về điều chỉnh dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và một số nội dung về công tác tổ chức và phát triển Đảng và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.