Bảo hiểm y tế - chỗ dựa cho người có HIV
(Baonghean) - Khi không còn nguồn tài trợ quốc tế thì từ tháng 3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn quỹ BHYT. Qua 9 tháng triển khai, người nhiễm HIV trên địa bàn Diễn Châu đã chủ động tham gia BHYT để được bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho mình.
Tại Phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, mỗi ngày có từ 15 - 20 bệnh nhân HIV/AIDS đến khám, tư vấn và được cấp thuốc ARV điều trị bệnh.
Bệnh nhân HIV/AIDS đến khám và nhận thuốc tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu. |
Trước đây việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế nhưng từ khi nguồn này bị cắt, may mắn có BHYT quy định thuốc ARV nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả nên bản thân tôi rất yên tâm, hàng tuần đều đặn đến bệnh viện nhận thuốc. Thủ tục nhanh gọn, y, bác sỹ tận tình nên mình yên tâm điều trị, sức khỏe ổn định.
Bắt đầu từ tháng 3/2019, 300 bệnh nhân HIV ở huyện Diễn Châu được điều trị bệnh thông qua thẻ BHYT. Trong đó, có 70 người không có khả năng lao động và 50 người thuộc diện hộ nghèo, xã bãi ngang khó khăn, trẻ em được hỗ trợ thẻ BHYT 100%, còn lại mức chi trả cho các đối tượng khác là 80%.
Anh Phạm Quốc Tường, nhân viên hỗ trợ điều trị tại Phòng khám ngoại trú BVĐK Diễn Châu cho biết: “Có thẻ BHYT, các bệnh nhân được hưởng rất nhiều lợi ích khi thực hiện các dịch vụ như: Khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, phát thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Từ khi chuyển điều trị từ chương trình hỗ trợ sang khám thẻ BHYT thì chất lượng không thay đổi, mà tính ưu việt rõ hơn vì bệnh nhân còn được quan tâm chăm sóc các bệnh khác nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân có bệnh khác, ngày trước nếu không có thẻ BHYT muốn chuyển tuyến thì bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi, nhưng hiện nay chuyển tuyến đã có thẻ BHYT”.
Bác sỹ Trạm Y tế xã Diễn Lợi tư vấn cho bệnh nhân HIV tại nhà. |
Còn anh Trần Hữu Quyến ở xã Diễn Lợi, khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV trong tâm trí chỉ còn lại cảm giác ân hận tột cùng, mặc cảm, bi quan muốn kết thúc cuộc sống. Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm động viên của cán bộ trạm y tế, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là từ khi được điều trị HIV bằng BHYT đã giúp anh yên tâm đảm bảo về nguồn thuốc cũng như phương pháp điều trị.
Mình bị bệnh nên phải thăm khám thường xuyên, có BHYT nên thuốc thang đều đặn, người thân, hàng xóm không còn phân biệt kỳ thị nữa nên sức khỏe được cải thiện rất nhiều. Vì thế, hiện nay mình có thể tham gia lao động làm việc bình thường
Là địa phương có số người nhiễm HIV và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất huyện, thời gian qua, xã Diễn Lợi cũng đã tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đối với người nhiễm HIV.
Các y, bác sỹ trạm y tế cùng các tổ chức đoàn thể thường xuyên tham gia các cuộc sinh hoạt xóm để lồng ghép tuyên truyền về sự nguy hiểm, cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho người dân, đồng thời thường xuyên tiếp cận với các đối tượng nhiễm HIV, động viên họ mua BHYT để thực hiện tốt phác đồ điều trị. Nhờ vậy, 3 năm qua xã Diễn Lợi vẫn giữ mức 19 người nhiễm HIV, không có bệnh nhân mới phát sinh”.
Cán bộ BHXH tỉnh thực hiện tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện cho người dân Ảnh tư liệu Thành Chung |
Để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm, đạt mục tiêu 90 - 90 - 90 (đó là 90% người nhiễm H biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm H được chuẩn đoán bệnh và 90% người nhiễm H được điều trị bằng thuốc kháng vi rút), huyện Diễn Châu đã tập trung nâng cao nhận thức của nhân dân, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối với người có H, mở rộng các dịch vụ tiếp cận dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT; làm tốt việc cập nhật, theo dõi, nắm bắt, quản lý đối tượng nhiễm H và tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn để xây dựng phương pháp phòng chống.
Đặc biệt, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động tất cả tổ chức chính trị - xã hội, và những người có H trực tiếp tham gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm tiến tới thanh toán đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Hiện nay, mục tiêu 90 - 90 - 90 của huyện Diễn Châu đã hoàn thành. Gần như trong những năm qua số người lây nhiễm qua đường tình dục giảm hẳn, tình hình nhiễm H mới đang có xu hướng giảm”.
Đoàn diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh tư liệu |
Ông Nguyễn Văn Thứ - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Diễn Châu trao đổi: “Để đảm bảo quyền lợi, cũng như các điều kiện khám, chữa bệnh thuận lợi cho bệnh nhân HIV, Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV, phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.
Đồng thời tích cực triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại cơ sở khám, chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị. Số bệnh nhân HIV trên địa bàn huyện qua kiểm tra giám sát thì đã được ngành BHXH cấp thẻ và chuyển về cho đối tượng một cách đầy đủ kịp thời.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nhi tại phòng khám dành cho những người có HIV/AIDS. Ảnh tư liệu |
Qua hơn 9 tháng triển khai, Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu đã tiếp nhận cấp thuốc và khám điều trị cho 2.063 lượt bệnh nhân HIV/AIDS. Với việc điều trị ARV thông qua quỹ BHYT là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý. Đây cũng chính là giải pháp lâu dài, bền vững trong cuộc chiến không ngừng với đại dịch AIDS.