Bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với sinh kế của người dân

01/01/2018 10:04

(Baonghean) - Trong năm 2017, Ban quản lý dự án FCPF2 tỉnh Nghệ An phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hoạt động khá hiệu quả, là tiền đề để Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam - giai đoạn 2.

Mục tiêu chung của dự án là tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát của chương trình hành động Quốc gia về REDD+, đó là “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính của rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thành công Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo hướng tới phát triển bền vững.

Kiểm lâm tuần tra rừng ở Con Cuông. Ảnh: Văn Trường
Kiểm lâm tuần tra rừng ở Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Dự án có 4 hợp phần; gồm: Hợp phần 1 “Nghiên cứu, phân tích và tăng cường năng lực để triển khai REDD+ hiệu quả cấp Trung ương và cấp tỉnh”. Hợp phần 2 “Xây dựng các chính sách và hỗ trợ kỹ thuật về đổi mới các công ty lâm nghiệp Nhà nước (SFC), các Ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng cung cấp dịch vụ REDD+; Thu hút khu vực tư nhân tham gia và hỗ trợ tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT)”. Hợp phần 3 “Hỗ trợ xây dựng đánh giá môi trường và xã hội chiến lược (SESA), các phương án chiến lược REDD+ cấp quốc gia và cấp vùng, tham vấn và sự tham gia của các bên liên quan”. Hợp phần 4 “Quản lý, giám sát và đánh giá dự án”.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho Ban chỉ đạo, Văn phòng REDD+, một số cơ quan có liên quan ở Trung ương và 6 tỉnh thuộc Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ nhằm sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam. Tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm và góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức và năng lực kỹ thuật đảm bảo việc quản lý điều phối và vận hành hiệu quả các chương trình, dự án về REDD+.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam - giai đoạn 2 ” (gọi tắt là dự án FCPF2). Nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp - FCPF). Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ Dự án: Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam. Cơ quan thực hiện Dự án: Ban quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến thời gian thực hiện Dự án: 36 tháng kể từ ngày phê duyệt (5/2016). Địa điểm thực hiện: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế. (Tại mỗi tỉnh, thành lập một ban quản lý dự án trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT). Tổng kinh phí: 5.702.000 USD. Trong đó: Viện trợ không hoàn lại: 5.000.000 USD. Kinh phí đối ứng Trung ương: 70.545 USD. Kinh phí đối ứng 06 tỉnh là: 531.455 USD.

Giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng tại các nước đang phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế đang là vấn đề chung của toàn cầu nên thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là các địa phương có nhiều diện tích đất rừng như tỉnh Nghệ An. Hoạt động của dự án trong thời gian qua khá thuận lợi. Được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của Ban quản lý dự án Trung ương, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ban, ngành liên quan.

Tuy nhiên, REDD+ là một nội dung mới đối với tỉnh Nghệ An nên công tác tuyên truyền và nắm bắt, triển khai các nội dung cũng gặp một số khó khăn nhất định. Kế hoạch của dự án năm 2017 Ban QLDA Trung ương giao cho các tỉnh chậm (tháng 8/2017) nên có ít thời gian để chuẩn bị và triển khai các hoạt động. Các thủ tục tài chính của dự án chưa được tập huấn cụ thể, do đó một số hồ sơ thủ tục thanh toán các hoạt động chưa đồng bộ.

Bằng nhiều nỗ lực, năm 2017 dự án vẫn hoạt động khá hiệu quả. Thực hiện Công văn số 1607/QĐ-BNN-TC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện năm 2017, dự án FCPF - giai đoạn 2 (dự án REDD+ giai đoạn 2); mặc dù thời gian cho công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện ngắn, cán bộ chuyên trách dự án tỉnh ít (02 người), song Ban quản lý dự án FCPF2 tỉnh Nghệ An đã thực hiện các hoạt động như: Hoàn thành công tác tuyên truyền về Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) tỉnh Nghệ An gắn với công tác bảo vệ phát triển rừng tại 8 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong; số lượng người tham gia bình quân 53 người/cuộc.

Đã hoàn thành 1 cuộc hội thảo kỹ thuật tuyên truyền REDD+ và tham vấn các giải pháp ngoài ngành lâm nghiệp liên quan đến Chương trình giảm phát thải. Hoàn thành lớp tập huấn TOT về Kỹ thuật thực hiện giám sát rừng bằng máy tính bảng tại Chi cục Kiểm lâm và 2 lớp mở rộng tại huyện Quỳ Châu và Tương Dương.

Tưới cây giống ở Công ty lâm nghiệp Đô Lương. Ảnh: Văn Trường
Tưới cây giống ở Công ty lâm nghiệp Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Tổ chức 1 lớp tập huấn về Kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn năng suất cao, khôi phục tu bổ rừng tự nhiên cho các chủ rừng trong vùng quy hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Xây dựng khung cập nhật Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) cấp tỉnh theo Chương trình hành động REDD+ quốc gia sửa đổi theo Quyết định 419/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 799/QĐ-TTg) về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý rừng bền vững đến năm 2030.

Nhìn chung, các hoạt động được thực hiện đầy đủ nội dung và đạt kết quả tốt. Số lượng người tham gia đúng thành phần theo yêu cầu của từng hoạt động của dự án. Thông qua các hoạt động đã triển khai, các đại biểu cơ bản đã hiểu về REDD+ và các hoạt động liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong năm 2018, dự án tiếp tục thực hiện các nội dung: Tuyên truyền rộng rãi về REDD+ và Chương trình giảm phát thải đến các huyện, xã vùng dự án thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài phát thanh, truyền hình, các phóng sự, các cuộc hội nghị, hội thảo, pano, áp phích…;

Tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện REDD+ cho cán bộ quản lý các cấp trong ngành lâm nghiệp thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn, đào tạo...; Hỗ trợ xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến cơ chế chia sẻ lợi ích từ chi trả dịch vụ giảm phát thải và quan tâm đến vấn đề sinh kế cho người dân sống dựa vào nghề rừng. Thực hiện kế hoạch và các hoạt động do Dự án TW và văn phòng REDD+ Việt Nam triển khai.

Với sự tích cực tham gia của các cấp, ngành, các địa phương và nhân dân dự án sẽ hoàn thành mục tiêu. Khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện các chương trình, dự án về REDD+, góp phần hữu hiệu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Ngày 26/12/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam- giai đoạn 2. Hội thảo đã đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo cập nhật kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh; Đánh giá kết quả hành động REDD+ và dự án FCPF2 và kế hoạch năm 2018. Theo đó trong năm 2018, dự án tiếp tục công tác tuyên truyền rộng rãi về REDD+ và chương trình giảm phát thải đến các huyện, xã vùng dự án thông qua các phương tiện truyền thông, hội nghị, hội thảo, pano, áp phích. Tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện REDD+ cho cán bộ quản lý các cấp trong ngành lâm nghiệp thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn, đào tạo... Hỗ trợ xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế chia sẻ lợi ích từ chi trả dịch vụ giảm phát thải và quan tâm đến vấn đề sinh kế cho người dân sống dựa vào nghề rừng.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với sinh kế của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO