Kinh tế

Bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử ở huyện Yên Thành

Văn Trường 21/07/2024 08:43

Thời gian qua, huyện Yên Thành đã có bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả.

Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành về nội dung này.

PV: Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thời gian qua, huyện Yên Thành đã triển khai và đạt được những thành tích đáng ghi nhận, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?

van truong 1m23
Đồng chí Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến huyện Yên Thành. Ảnh: PV

Đồng chí Hoàng Danh Truyền: Thời gian qua, huyện Yên Thành luôn coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xem đây như là một một cuộc đổi mới trong cải cách hành chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngay sau khi Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 05/8/2022 của Tỉnh ủy Nghệ An về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai, huyện Yên Thành đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, đề ra 12 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ chính trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 26 nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.

van truong 4
Nhờ chuyển đổi số nên các thủ tục hành chính của người dân ở xã Đồng Thành rất thuận lợi và nhanh chóng. Ảnh: Văn Trường

Thường trực Huyện ủy, Ban chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tập trung huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số. Huyện Yên Thành đã ký thỏa thuận hợp tác với VNPT Yên Thành, theo đó đơn vị này đã cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin cùng các giải pháp chuyển đổi số gồm; dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành IOFFICE, chữ ký số, hồ sơ công chức điện tử, viên chức điện tử, hiện đang tiếp tục triển khai phòng họp số …

Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông của huyện Yên Thành đã phủ rộng đến tất cả các xã miền núi, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp, 100% các xã trên địa bàn huyện có sóng di động 4G.

Chính quyền số được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng dần theo hướng hiện đại và đồng bộ, các chỉ tiêu yêu cầu về sử dụng các hệ thống dùng chung của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và 39 xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện đồng bộ các quy trình bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả giải quyết hồ sơ, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt kết quả cao.

van truong 3
Hệ thống truyền tải mạng Internet băng thông rộng tại VNPT Yên Thành được kết nối đến các địa phương. Ảnh: Văn Trường

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành IOFFICE được triển khai ứng dụng trong các cơ quan, đơn vị, giúp công tác chỉ đạo điều hành của huyện được thực hiện thuận lợi. Hệ thống hội nghị trực tuyến với 41 điểm cầu, kết nối Huyện ủy, UBND huyện với 39 xã, thị trấn, phục vụ tốt các cuộc họp, hội nghị được kết nối liên thông với hệ thống trực tuyến của Trung ương và của tỉnh. Việc số hóa dữ liệu phục vụ cho các hệ thống dùng chung của tỉnh được cập nhật đầy đủ, chính xác và an toàn.

Các hoạt động phát triển kinh tế số và xã hội số bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển. Hệ thống chi nhánh ngân hàng và những doanh nghiệp tín dụng hợp pháp thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân sử dụng ví điện tử, thống kê 6 tháng đầu năm 2024 toàn huyện Yên Thành có 135.241 tài khoản, đạt tỷ lệ 84,68%.

Các cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện quét mã QR thanh toán bằng ví điện tử. Hoạt động xã hội số, công dân số được người dân tham gia và từng bước phát triển. Tại Trung tâm Y tế huyện và 39/39 trạm y tế đã thực hiện điểm khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, máy đọc mã QR đa chiều phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, VssID.

van truong mmwe
Tại các trục đường xóm của huyện Yên Thành đều được lắp đặt hệ thống camera an ninh. Ảnh: Văn Trường

100% trường học địa bàn huyện triển khai thực hiện sổ điểm điện từ, học bạ điện tử, 21 trường triển khai sổ liên lạc điện tử, nhiều trường học triển khai chữ ký số cho giáo viên và gửi giáo án qua hệ thống Vnedu. Đặc biệt, trong năm 2024 xã Long Thành đã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Yên Thành đã tiếp nhận 51.297 hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An, trong đó số hồ sơ được số hóa đầy đủ thành phần khi tiếp nhận là 51.041 hồ sơ chiếm tỷ lệ 99,5%; Số hồ sơ đã giải quyết là 50.653, trong đó số hồ sơ có số hóa kết quả là 50.006 chiếm tỷ lệ 98,72%.

PV: Trong thời gian tới, để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hoạt động hiệu quả hơn nữa, nhiệm vụ cần đặt ra là gì, thưa đồng chí?

van truong 2
Nơi tiếp nhận và trả kết quả tại huyện Yên Thành đều được tự động hóa. Ảnh: Văn Trường

Đồng chí Hoàng Danh Truyền: Để chuyển đổi số hướng đến toàn diện và bền vững, huyện Yên Thành tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như:

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức tập huấn cơ bản về chuyển đổi số. Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ từ chuyển đổi số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, trang thiết bị công nghệ thông tin; hạ tầng mạng LAN; mạng internet tốc độ cao. Rà soát bổ sung quy hoạch các trạm phát sóng mạng di động đảm bảo cung cấp dịch vụ Internet 3G, 4G đảm bảo phát triển 5G trên địa bàn. Triển khai thực hiện ngầm hóa và chỉnh trang cáp mạng viễn thông.

van truong mưer
Đoàn thanh niên thị trấn Yên Thành hướng dẫn bà con tiểu thương kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Văn Trường

Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm ổn định, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã để phục vụ chính quyền số. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và các tổ công nghệ số cộng đồng, bố trí lực lượng Đoàn thanh niên và giáo viên làm nòng cốt trong các tổ công nghệ số ở cơ sở.

Áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Tiếp tục khai thác và vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý điều hành: Hệ thống Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản điều hành, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, thư điện tử, chữ ký số, hội nghị truyền hình trực tuyến…

Đẩy mạnh và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; triển khai các giải pháp thực hiện nhằm tăng số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến.

van truong 1
Huyện Yên Thành ngày càng khởi sắc một phần nhờ công tác chuyển đổi số. Ảnh: Văn Trường

Phát triển kinh tế số, cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, giúp cho hộ gia đình ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Đẩy mạnh phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G; khuyến khích doanh nghiệp triển khai nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử. Triển khai thí điểm mô hình “Thôn thông minh”, “Xã thông minh” tại một số địa phương trên địa bàn huyện./.

Mới nhất
x
Bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử ở huyện Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO