Cần sớm xử lý dứt điểm ô nhiễm ở cống Rào Đừng
(Baonghean) - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở cống Rào Đừng, xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Nguồn nước ô nhiễm
Nằm ngay cạnh cống Rào Đừng chỉ vài trăm mét, một số diện nuôi tôm của các hộ dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc những năm nay gặp nhiều phen lao đao vì tôm chết bất thường. Mới đây, gần 0,5 ha diện tích nuôi tôm của gia đình ông Vương Đức Hòe ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) vừa thả được 20 ngày đã bị chết.
Nhìn tôm chết, ông Hòe không khỏi xót xa. Thường thì hàng ngày ông đều có mặt ở hồ tôm, bật máy sục oxy nhưng mấy ngày nay tôm vẫn chết nổi trắng, vớt không xuể. Với kinh nghiệm nuôi tôm gần 10 năm nay, ông Hòe cho biết, mấy năm gần đây năm nào cũng có hiện tượng tôm chết bất thường như vậy.
Diện tích nuôi tôm ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc) ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm. Trong ảnh: Cán bộ xã Nghi Thái kiểm tra tôm của gia đình ông Vương Đức Hòe ở xóm Thái Bình bị chết bất thường. Ảnh: Thanh Lê |
“Các hộ dân nuôi tôm ở khu vực này vừa thả tôm từ ngày 17/3/2020, đến nay tôm có hiện tượng chết bất thường do ô nhiễm từ nguồn nước. Trước mắt người dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ hóa chất để xử lý các hồ có tôm bị chết, bởi nếu xả nước ở các hồ tôm này ra ngoài sẽ tiếp tục làm ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm nguồn nước từ thành phố Vinh chảy về cống Rào Đừng”.
Thái Bình là xóm có diện tích sản xuất bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước thải từ cống Rào Đừng nhiều nhất trong số các xóm bị ảnh hưởng trong xã Nghi Thái. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây đã xảy ra mấy năm nay. Do ô nhiễm nguồn nước nên diện tích nuôi tôm của 36 hộ dân ở 4 xóm Thái Hưng, Thái Học, Thái Bình và Thái Cát, xã Nghi Thái mấy năm gần đây bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ tôm chết, 29 ha diện tích trồng lúa nước của người dân xóm Thái Bình còn bị ảnh hưởng chết, héo, úa vàng do ô nhiễm từ nguồn nước. Thậm chí, nhiều người lội nước làm ruộng lúa cũng xuất hiện những nốt mẩn ngứa ở tay, chân.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thái (Nghi Lộc) Nguyễn Văn Lục cho biết: Nguyên nhân nước ở cống Rào Đừng bị ô nhiễm chúng tôi cho rằng xuất phát từ 2 nguồn phát thải. Thứ nhất là nguồn nước thải sinh hoạt của thành phố Vinh theo kênh dẫn đổ trực tiếp về; thứ hai là nước thải từ Nhà máy xử lý nước thải của thành phố Vinh (đặt tại xã Hưng Hòa) xả ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ cống Rào Đừng ảnh hưởng đến diện tích nuôi tôm, trồng lúa của cả xã. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đây là vấn đề bức xúc được cử tri xã nhà phản ánh nhiều lần nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Ô nhiễm nguồn nước làm diện tích lúa ở xã Nghi Thái bị ảnh hưởng. Ảnh: Thanh Lê |
“Chính quyền địa phương và nhân dân trong xã mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc quyết liệt, tìm giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đảm bảo cuộc sống, sản xuất cho bà con”.
Theo đại biểu HĐND tỉnh Đinh Thị An Phong (đơn vị bầu cử tại huyện Nghi Lộc): Việc xử lý nước thải ở cống Rào Đừng xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, cử tri kiến nghị nhiều lần, kéo dài ở nhiều kỳ họp. UBND tỉnh đã có giải trình nhưng cử tri chưa đồng tình bởi giải trình còn chung chung. Đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp lâu dài tới đời sống nhân dân, song tình hình trên thực tế mới chỉ khắc phục được khoảng 40% tình trạng ô nhiễm. Thực tế này đang làm cho khoảng 100 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Nghi Thái và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, các ngành chức năng cần phải tăng cường giám sát và có giải pháp xử lý dứt điểm cho người dân.
Làm rõ trách nhiệm cấp, ngành liên quan
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại cống Rào Đừng cũng như nguồn nước tại một số khu vực lân cận đúng thực tế và đã tái diễn từ nhiều năm qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt cho biết: Sông Rào Đừng là nơi tiếp nhận nước của khu vực phía Bắc TP Vinh (theo lưu vực kênh Bắc) và khu vực phía Đông huyện Nghi Lộc (xã Nghi Thái). Vì vậy, đây là nơi xả của nước thải theo lưu vực kênh Bắc và của Nhà máy Xử lý nước thải tập trung TP Vinh ở xã Hưng Hòa…
Nguồn nước cống Rào Đừng ô nhiễm. Ảnh: Thanh Lê |
“Nước ở khu vực Kênh Bắc, theo nguyên tắc và một số nơi tập trung về tuyến kênh này theo quy trình đã được đưa về tại trạm xử lý nước thải tại xã Hưng Hòa rồi mới cho ra môi trường. Song, việc xử lý này chưa đạt được 100% nên xảy ra hiện tượng như cử tri phản ánh. Trách nhiệm thuộc về 2 địa phương là TP Vinh và huyện Nghi Lộc. Với trách nhiệm của ngành, từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã kiểm tra và cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo 2 địa phương này, song việc xử lý đang gặp khó khăn nên chưa triệt để”
Trước bức xúc của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND TP Vinh và huyện Nghi Lộc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm. Kết quả, đối với Nhà máy Xử lý nước thải tập trung TP Vinh ở xã Hưng Hòa: Nhà máy đã được Bộ TN&MT cấp giấy xả nước thải vào nguồn nước và việc quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải được thực hiện theo đúng quy định…
Ngoài ra, UBND TP Vinh cũng đã chỉ đạo lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động ở nhà máy trước khi thải nước sau xử lý ra sông Rào Đừng. Dữ liệu được kết nối, cập nhật liên tục về Sở TN&MT. Trong trường hợp có sự cố ở nhà máy, nước thải xử lý không đáp ứng yêu cầu thì hệ thống sẽ cảnh báo đến các cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường được biết và chỉ đạo khắc phục.
Kênh Bắc (TP. Vinh). Ảnh tư liệu |
Còn đối với nước thải từ lưu vực Kênh Bắc, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP Vinh thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc. Theo đó, nước thải từ 2 bên bờ kênh được thu gom, bơm về nhà máy để xử lý, không thải trực tiếp ra Kênh Bắc và sông Đào Rừng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình vận hành thử nghiệm, hệ thống đường ống gặp sự cố nên nước thải chưa bơm về nhà máy để xử lý mà vẫn còn có hiện tượng chảy ra Kênh Bắc, hồ điều hòa, sau đó ra sông Rào Đừng…
“UBND tỉnh đã yêu cầu UBND TP Vinh chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục sự cố, bàn giao tuyến đường ống và trạm bơm nước thải cho Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý, vận hành theo thiết kế được duyệt. Sau khi hoàn thành việc khắc phục, vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được giải quyết”.