Chủ tịch UBND tỉnh: Phát triển huyện Tương Dương dựa trên 2 yếu tố sinh thái và sinh kế bền vững
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, phương hướng phát triển của Tương Dương thời gian tới cần tập trung cho mục tiêu bền vững, dựa trên 2 yếu tố: sinh thái bền vững, sinh kế bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm và làm việc tại huyện Tương Dương
(Baonghean.vn) - Sáng 25/5, trong chương trình công tác tại huyện Tương Dương, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đi tham quan các mô hình kinh tế, kiểm tra dự án tái định cư trên địa bàn.
Chiều 25/5, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành với lãnh đạo huyện Tương Dương. Ảnh: Phạm Bằng |
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CAO NHẤT TRONG 4 HUYỆN 30A
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn cho biết, năm 2021, cùng với các địa phương khác, Tương Dương cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt được những kết quả tích cực.
Kinh tế phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2021 tăng 10,8%, đứng đầu so với 4 huyện 30a. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 38,3 tỷ đồng, đạt 188,6% dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30,4 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng |
Sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổng sản lượng lương thực đạt 17.564,4 tấn, đạt 102,4% kế hoạch, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Toàn huyện có 284 mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả. Năm 2021, toàn huyện có 7 sản phẩm đặc trưng của địa phương đạt sản phẩm OCOP với thứ hạng 3 sao. Toàn huyện có 429 lồng cá nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 530 tấn/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư với tổng vốn hơn 90 tỷ đồng, giải ngân đạt 76,4% kế hoạch vốn (trong đó giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí theo tiêu chí tính điểm đạt 100%). Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi, an sinh xã hội triển khai có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương báo cáo thêm các khó khăn và nêu các kiến nghị, đề xuất. Ảnh: Phạm Bằng |
5 tháng đầu năm 2022, huyện gieo trồng được hơn 5.059 ha, trồng mới được gần 174 ha rừng tập trung, thành lập mới 2 hợp tác xã. Huyện tập trung giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tại 4 xã: Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình và Xá Lượng và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đưa xã Lưu Kiền về đích NTM trong năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,1% kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 5 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm lưu động tại 6 xã và qua đó giải quyết việc làm mới cho 4.248 lao động, đạt 303,4% kế hoạch.
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã đi thăm các mô hình kinh tế tại xã Tam Quang. Ảnh: Phạm Bằng |
Huyện Tương Dương phấn đấu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5-6%; Thu ngân sách đạt 30.045 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 34-35 triệu đồng; Tổng sản lượng lương thực đạt 18.380 tấn; Sản lượng nuôi, đánh bắt thủy sản đạt 550 tấn; Trồng rừng tập trung là 800 ha; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực của huyện Tương Dương; nêu lên các khó khăn, vướng mắc mà huyện đang gặp phải. Đồng thời, gợi mở nhiều vấn đề giúp huyện giải quyết được một số khó khăn để hoàn thành và đạt mức cao hơn mục tiêu phát triển.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN TƯƠNG DƯƠNG BỀN VỮNG
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, mặc dù là huyện khó khăn nhưng trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của huyện Tương Dương đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Thể hiện là tốc độ tăng trưởng đạt cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra.
Huyện đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế để phát huy thế mạnh của địa phương. Bước đầu đã làm tốt việc xây dựng các tour tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm. Công tác quốc phòng, an ninh, nhất là ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới và công tác đối ngoại với nước bạn Lào.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng |
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đối với Tương Dương thì cần nhìn nhận dưới góc độ cần tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững trên các yếu tố: sinh thái bền vững, sinh kế bền vững. Để đạt được 2 yếu tố trên, huyện phải quan tâm giữ vững an ninh trên địa bàn, chăm lo công tác an sinh xã hội, từ đó đảm bảo an dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, nhất là những người đứng đầu cần phải đoàn kết, nỗ lực thực hiện vì sự phát triển của huyện. Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển.
Trong đó, rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nếu không phù hợp thì có thể điều chỉnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu này. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Mặt khác, tiếp tục rà soát lại các quy hoạch phù hợp với đặc thù và với sự phát triển của huyện vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài.
Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tương Dương dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng |
Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, người đứng đầu UBND tỉnh đề nghị huyện cần phát triển nhân rộng các mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Quan tâm phát triển kinh tế rừng, có cơ chế chính sách để kinh tế rừng có đóng góp vào kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân, gắn với nông nghiệp, chăn nuôi,... theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm sạch.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Phát triển kinh tế du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa - lịch sử tại các hang động.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện tiếp tục thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra động lực phát triển cho huyện. Huyện cần quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn để phát huy tác dụng các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thực hiện chính sách phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định; tránh hiện tượng trục lợi, làm méo mó chính sách, gây thất thoát, lãng phí và bất bình trong nhân dân. Chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đảm bảo giải ngân 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng |
Đánh giá Tương Dương là địa bàn chịu sự tác động lớn của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện chủ động làm tốt công tác phòng chống thiên tai, làm tốt công tác dự báo, thông báo kịp thời đến tận người dân, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tiếp tục rà soát và giải quyết các tồn đọng trong công tác bồi thường GPMB các dự án thủy điện trên địa bàn.
Mặt khác, huyện cũng cần quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tiếp tục tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để học sinh đến trường đầy đủ; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, hôn nhân cận huyết thống; chú trọng nâng cao vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Là địa bàn có 80.000 dân, ở phân tán, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu Tương Dương quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững. Nâng cao nhận thức cho người dân có khát vọng tự vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng |
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cấp cơ sở để phục vụ mục tiêu phát triển của huyện.
Huyện cũng cần tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, đảm bảo sự ổn định trên địa bàn. Tăng cường phối hợp và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị truyền thống với các huyện biên giới của nước bạn Lào để cùng phát triển.