Chuẩn nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều
(Baonghean) - Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, trong 5 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, tạo đồng thuận và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
5 năm về trước, hai vợ chồng gia đình gia đình đảng viên trẻ Vi Văn Việt Việt là hộ nghèo nhất, nhì bản Chàm. Trăn trở trước đói nghèo, lại thêm nỗi băn khoăn vì hai vợ chồng đều là đảng viên, nhẽ nào lại chịu lùi bước, thua cuộc; mặt khác, trong các cuộc họp chi bộ bàn kế đột phá, thoát nghèo, vợ chồng anh càng có thêm quyết tâm để vực dậy kinh tế gia đình.
Vợ chồng anh vay vốn ngân hàng chính sách để mua cặp bò sinh sản, đầu tư đào ao thả cá… Kinh tế gia đình dần vững vàng lên. Năm 2014, vợ chồng đảng viên trẻ Vi Văn Việt viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Hiện nay, bản Chàm chỉ còn 34 hộ nghèo trong tổng số 79 hộ, trung bình mỗi năm có 2 – 3 hộ thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh Thành Duy |
Đồng chí Lương Thị Thi, Bí thư Chi bộ bản Chàm lý giải: “Mấu chốt khởi sắc là nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng thuận của cấp ủy và các đoàn thể trong vận động nhân dân xây dựng mô hình kinh tế. Chi bộ đã ra nghị quyết về lãnh đạo công tác giảm nghèo để tập trung chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời tích cực vận động các hộ nghèo thay đổi nhận thức, chủ động và quyết tâm trong phát triển chăn nuôi, trồng rừng ...”
Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện 30a Quế Phong ghi dấu ấn với bước ngoặt lớn trong công tác giảm nghèo. Với giải pháp trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, toàn huyện thành lập 20 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 162 mô hình kinh tế trang trại đầu tư xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: chanh leo, nuôi vịt bầu... Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 59% năm 2010, nay xuống còn 34,36%.
Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Giai đoạn 2010 - 2015, Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; gắn trách nhiệm cho các cấp các ngành và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đầu tàu trong phát triển mô hình kinh tế. Từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”.
Nông dân Kỳ Sơn chăm sóc cây bo bo trồng dưới tán rừng. Ảnh Nguyễn Hải |
Còn tại Anh Sơn, giai đoạn 2010 -2015, công tác giảm nghèo được BCH Đảng bộ huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt với tư tưởng: phát triển kinh tế là khâu đột phá, công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Huyện đã ban hành các cơ chế, lồng ghép các chương trình để xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp có hiệu quả cao như thâm canh, tăng vụ, áp dụng KHKT vào sản xuất ngô từ 2 vụ lên 3 vụ/năm, năng suất đạt trên 80 tạ/ha ở xã Tường Sơn; trồng câu rễ hương ở Cao Sơn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm…
Đồng chí Đặng Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: “Thu nhập bình quân đầu năm 2015 ước đạt gần 23 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,7% xuống dự kiến 8,96% năm 2015”.
Thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế năng động của tỉnh cùng với tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, toàn tỉnh đã huy động được hơn 14.194 tỷ đồng cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Do đó, đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 22,89% nhưng đến cuối năm 2014. t
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 10,28%, dự kiến đến cuối năm 2015 giảm xuống còn khoảng 7,5%. Bình quân trong 5 năm (2011 - 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; tốc độ giảm nghèo đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (từ 2,5 – 3% năm). Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) giảm từ 6-7%/năm.
Mô hình trồng rau sạch ở bản Phòng, xã Thạch Giám, Tương Dương giúp bà con thoát nghèo nhanh, bền vững. Ảnh Thành Duy |
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân cả nước, số hộ cận nghèo còn trên 11,4%, tập trung tỷ lệ lớn ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển. Đây thực sự là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 -2020 là giảm bình quân 2 - 3%/năm, vùng miền núi từ 3 - 4% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 -2020).
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể ”Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020”. Nghĩa là, giai đoạn này, việc xác định hộ nghèo không chỉ đơn thuần căn cứ vào thu nhập mà còn có cả các tiêu chí tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Phát triển chăn nuôi giống lợn đen đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Tương Dương thoát nghèo. Ảnh Sỹ Minh |
Đồng chí Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ –TB&XH cho biết: “Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân; phải khơi dậy ý chí chủ động, tự lực, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm và phân loại nhóm hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt chương trình dạy nghề; khuyến nông, lâm, ngư nghiệp; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo và cán bộ chủ chốt ở các xã nghèo; tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo như Chương trình 30a, Chương trình 135 và các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo. Có như vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo mới hiệu quả và bền vững.“
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN