Chuyện buồn ở những khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở

Hiến Tùng 18/03/2023 06:57

(Baonghean.vn) - Tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương có đến 2 dự án tái định cư khẩn cấp cho người dân bị sạt lở, nhưng sau 5 năm, cả hai đều chưa hoàn thành. Có dự án tiêu tốn hơn 11 tỷ đồng, nhưng chỉ còn 6 hộ dân có nhu cầu vào ở, vì những hộ khác đã tự đi tìm đất trong thời gian chờ đợi!

Nhiều năm nay, hình ảnh quen thuộc mỗi lần đặt chân tới xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) là những căn nhà kiên cố bị xé toạc bởi dòng nước lũ, chỉ còn trơ trọi phần móng và những bức tường rách nát. Kèm theo đó là những túp lều lụp xụp, do người dân bị mất nhà dựng tạm bên đường nhằm tá túc, chờ đến khu tái định cư.

Đã có 2 dự án tái định cư khẩn cấp được triển khai ở xã này, với thời gian thực hiện là 5 tháng. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, cả hai khu tái định cư vẫn chưa được hoàn thiện. Trong thời gian chờ đợi, đã có 8 người phải chết trong những túp lều như thế. Chưa có nhà, những đám tang đành phải tổ chức ngay bên đường và nhiều túp lều chật hẹp còn không đủ chỗ để đặt bàn thờ.

Những ngôi nhà bị dòng nước xé toạc vào năm 2018. Ảnh tư liệu

2 lần chọn điểm sạt lở để làm khu tái định cư

Cuối tháng 8/2018, sau đợt mưa lũ kỷ lục, Thủy điện Bản Vẽ buộc phải xả nước, khiến nhiều nhà dân phía hạ lưu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều ngôi nhà kiên cố bị dòng lũ xé toạc, trôi tuột xuống lòng sông. Người dân đành phải dựng những căn lều tạm, tá túc bên đường.

Tại xã Lượng Minh, có 31 hộ buộc phải di dời khẩn cấp sau đợt xả lũ này của thủy điện. Trong đó, 12 hộ ở bản Lạ, 12 hộ ở bản Minh Phương, 7 hộ ở bản Xốp Mạt và bản Côi. Gần 2 tháng sau, huyện Tương Dương phê duyệt dự án tái định cư để bố trí khẩn cấp cho những hộ dân này. Địa điểm được chọn làm khu tái định nằm trên địa bàn bản Xốp Mạt. Do ngại di chuyển xa, những hộ ở bản Côi đã xin tự tìm đất di vén gần nhà, 12 hộ ở bản Lạ cũng làm đơn xin đến một khu tái định cư khác gần hơn. Vì thế mà dự án này chỉ xây dựng hạ tầng, bố trí cho 17 hộ dân của 2 bản Minh Phương và Xốp Mạt.

Dự án tái định cư này có tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, trong đó, hơn 2 tỷ đồng phí san lấp mặt bằng, số còn lại dùng để xây dựng hạ tầng. Thời gian thực hiện dự án là 5 tháng. Tuy nhiên, không hiểu sao, khu vực được chọn làm tái định cư lại nằm trên một triền đồi khá dốc và có lịch sử từng bị sạt lở nghiêm trọng. Khu vực này vẫn được người dân địa phương gọi là Khe Cồng.

Khu tái định cư Khe Cồng hiện chỉ còn 6 hộ có nhu cầu và mới chỉ có 4 hộ vào ở. Ảnh: Tiến Hùng

Lãnh đạo xã Lượng Minh kể, hơn 10 năm trước, khu vực bản Xốp Mạt cũ xuất hiện những vết nứt sâu hoắm, sạt lở núi nghiêm trọng. Chính quyền địa phương buộc phải di dời toàn bản và trung tâm hành chính xã đến vị trí khác. Khu vực ban đầu được chọn di dời bản Xốp Mạt tới chính là Khe Cồng. Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng, chưa kịp di dời dân lên ở thì lại xuất hiện nhiều vết nứt, sạt lở. Vì thế, khu này đành phải bỏ hoang, dù đã được đầu tư hơn 2 tỷ đồng tiền san lấp.

Đến năm 2018, sau khi đã khảo sát hàng loạt địa điểm, huyện Tương Dương lại tiếp tục chọn địa điểm này làm khu tái định cư cho 17 hộ dân bản Minh Phương và Xốp Mạt. Tháng 12/2019, khi dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, chính quyền bắt đầu vận động người dân lên dựng nhà. Tuy nhiên, khi chỉ mới 1 hộ dựng nhà xong, khu tái định cư này lại tiếp tục sạt lở. Cụ thể, trên đỉnh taluy xuất hiện vết trượt dài gần 100m, chỗ nứt rộng nhất khoảng 0,5m, sâu khoảng 0,5 đến 1m; phần chân mái kè bằng đá hộc bảo vệ phía dưới taluy và mương thoát nước đã bị xê dịch so với vị trí ban đầu, gây vỡ và hư hỏng mương thoát nước dưới chân ta luy. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng người dân, chính quyền yêu cầu người dân tạm thời chưa xây dựng nhà, chờ kết quả theo dõi độ ổn định.

Nhưng mãi đến hơn 2 năm sau, khu vực này mới được thăm dò địa chất. Kết quả cho thấy, “an toàn cho người dân khi vào xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống”. Tuy nhiên, do phải chờ đợi quá lâu, 11 trong tổng số 17 hộ dân đã tự đi tìm đất để dựng nhà. Vì thế, chỉ còn 6 hộ có nhu cầu vào khu tái định cư. Đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, khu tái định cư này cũng chỉ mới có 2 hộ dân vào ở ổn định, 2 hộ khác đang dựng nhà tạm.

Ông La Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương cho biết, khi thực hiện dự án tái định cư cho 17 hộ dân thì huyện bỏ kinh phí thực hiện trước, nhưng sau đó nguồn vốn bố trí chậm nên dự án bị chậm tiến độ. Do bị sạt lở, dự án này đang được xin bổ sung kinh phí làm bờ kè hơn 2 tỷ đồng.

Như vậy, tính ra tổng số tiền đã đổ vào dự án tái định cư này là hơn 9,34 tỷ đồng, đến nay, tiếp tục đề xuất kinh phí thêm khoảng 2 tỷ đồng để sửa chữa là hơn 11 tỷ đồng. Một số tiền rất lớn, nhưng chỉ để phục vụ cho 6 hộ dân và hiện nay mới chỉ có 4 hộ vào ở. Ngoài ra, cũng chưa ai dám chắc sau khi bỏ thêm 2 tỷ đồng để làm kè xong, khu tái định cư này có sạt lở tiếp hay không?

Sạt lở tại khu tái định cư. Ảnh: Tiến Hùng

Mòn mỏi chờ đợi

Ở xã Lượng Minh, ngoài dự án tái định cư cho 17 hộ dân được xây dựng ở Khe Cồng, còn có dự án tái định cư cho 34 hộ xây dựng ở bản Lạ cũng có tiến độ chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, năm 2014, sau khi thủy điện Nậm Nơn đi vào hoạt động, có 34 hộ dân sinh sống ven lòng hồ nguy cơ cao bị sạt lở bất cứ lúc nào. “Người dân rất nhiều lần có ý kiến, chúng tôi phải trực tiếp đến làm việc với phía thủy điện nhưng họ cũng không có động thái gì. Mãi đến tháng 7/2018, khi nhiều nhà dân bắt đầu nứt nẻ, dần trôi tuột xuống lòng sông thì mới có kế hoạch đền bù và di dời cho 34 hộ”, ông Phúc kể.

Dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm có tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng. Vị trí xây dựng khu tái định cư là một ngọn đồi nằm sau trụ sở UBND xã Lượng Minh, thuộc địa phận bản Lạ. Trong lúc đang khảo sát vị trí địa lý thực hiện dự án thì vào cuối tháng 8/2018, 31 hộ dân nằm dưới hạ lưu Thủy điện Bản Vẽ bị ảnh hưởng nặng nề, một số nhà bị sạt lở, nước cuốn trôi… Trong đó, có 12 hộ ở bản Lạ. Chính vì thế, 12 hộ này xin được tái định cư đến khu này thay vì đến dự án tái định cư ở bản Xốp Mạt vì quá xa.

Sau khi xã Lượng Minh đề xuất, huyện Tương Dương đã cho phép điều chỉnh dự án, bổ sung thêm 12 lô đất, khiến khu tái định cư này từ 34 hộ lên 46 hộ. “Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh mới nhận thấy các lô đất quá chật. Có hộ chỉ được hơn 100m2, không đủ để dựng nhà sàn theo phong tục địa phương. Vì thế mà dự án một lần nữa phải điều chỉnh lại, đưa 12 hộ dân ở bản Lạ ra. Vì thế, 12 hộ này đến nay vẫn bơ vơ, không biết di dời đi đâu”, ông Vi Đình Phúc nói thêm.

Khu tái định cư cho 34 hộ dân ở bản Lạ hiện cũng chưa hoàn thành. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ghi nhận của phóng viên, sau 5 năm triển khai, đến nay dự án tái định cư khẩn cấp này vẫn chưa được hoàn thành. Dù vậy, vì không chờ đợi được thêm, một số hộ đã lên dựng nhà để ở. Ngoài ra, cũng vì chờ đợi quá lâu, có 14 hộ dân đã phải tự bỏ tiền để tìm vị trí, thuê máy móc san lấp mặt bằng để dựng nhà. Như vậy, khu tái định cư này chỉ còn 20 hộ dân có nhu cầu vào ở.

“Chúng tôi không thể chờ đợi được thêm nữa, đáng nhẽ phải được di dời từ hơn 10 năm trước rồi. Nhưng mãi đến năm 2018 mới có dự án, và đến giờ thì làm chưa xong”, chị Vi Thị Lương, một trong những hộ dân đã vào ở tại khu tái định cư bức xúc.

Căn nhà cũ của chị Lương nằm cạnh cầu treo bản Lạ, thuộc diện di dời do nằm dưới cốt ngập của lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn. Năm 2018, ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn. Cả gia đình đành phải dựng lều ở tạm bên đường. Khoản tiền 80 triệu đồng đền bù cũng đã tiêu hết.

Dù nhiều hạng mục ở khu tái định cư vẫn chưa xong, nhưng do chờ đợi quá lâu, một số hộ dân vẫn lên dựng nhà. Ảnh: Tiến Hùng

“Suốt 5 năm qua, có 8 người thuộc diện di dời của 2 dự án tái định cư đã phải chết trong các lều tạm trong lúc chờ đến nơi ở mới. Thật đau xót. Đám tang cũng chỉ tổ chức bên đường, đến nay, một số người chết vẫn chẳng có bàn thờ vì chưa được đến khu tái định cư”, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói.

Cũng theo ông Vi Đình Phúc, dự án tái định cư ở bản Lạ đã gần hoàn thành, nhưng đến nay lại phát sinh một vấn đề khác. Đó là quyền lợi của 14 hộ dân đã tự bỏ tiền đi tìm đất dựng nhà do chờ đợi quá lâu. “Họ đã bỏ hàng trăm triệu đồng để múc đất mới có được mặt bằng làm nhà. Bây giờ, dù không có nhu cầu lên khu tái định cư nữa, nhưng quyền lợi họ còn đó. Vì thế, chúng tôi nghĩ cũng nên cấp cho họ”, ông Phúc nói thêm.

Mới nhất

x
Chuyện buồn ở những khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO