Cùng nông dân xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường
(Baonghean.vn) - Chiều 21/3, tại huyện Nam Đàn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Một số kết quả bước đầu
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại tỉnh Nghệ An với sự tham gia của 11 xã của 3 đơn vị cấp huyện, gồm: Đô Lương, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa.
Dự án đã đào tạo 30 giảng viên nguồn và tổ chức được 26 lớp tập huấn cho 780 hội viên nông dân về các phương pháp xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường trên địa bàn các huyện tham gia dự án, gồm 5 kỹ thuật (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế).
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật đã vận động 540 hội viên nông dân thực hiện các kỹ thuật của Dự án, thành lập được 11 nhóm “Những người gìn giữ tương lai xanh”.
Trên địa bàn huyện Nam Đàn có 10 giảng viên nguồn TOT là cán bộ Hội Nông dân huyện, xã được tham gia lớp đào tạo của dự án. Huyện tổ chức được 11 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 330 học viên, thành lập được 4 nhóm gìn giữ tương lai xanh với 180 thành viên tham gia, xây dựng và nhân rộng hơn 200 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải trên địa bàn.
Những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của cán bộ Hội Nông dân huyện Nam Đàn và các xã trên địa bàn huyện trong công tác tuyên truyền, vận động hộ nông dân áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại gia đình.
Tại hội nghị, các hội viên nông dân huyện Nam Đàn được tham quan mô hình xử lý rác thải tại một số gia đình; giới thiệu tổng quan về Dự án; các kỹ thuật xử lý rác thải (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng; xử lý gốc rạ tại ruộng; nuôi sâu can xi, nuôi giun quế).
Qua các hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng đó, từng bước hạn chế lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, phế phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Trực tiếp tham quan tại các mô hình, trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ghi nhận và biểu dương những người nông dân điển hình tiên tiến, rất tâm huyết, nhiệt tình, sẵn sàng áp dụng và giới thiệu mọi người đến tham quan mô hình tại hộ gia đình, chia sẻ kết quả tích cực của việc áp dụng phương pháp và tuyên truyền, vận động mọi người áp dụng phương pháp này, góp phần lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn phong trào “Cùng nhau xử lý rác thải hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai”.
Sự nỗ lực của mỗi cá nhân, đóng góp một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện và các xã tham gia dự án tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thành lập thêm các nhóm “Gìn giữ tương lai xanh” để ngày càng có nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện áp dụng các phương pháp xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường, giúp nâng cao kinh tế cho hộ gia đình, bảo vệ môi trường, góp phần hình thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
"Đây là những việc làm cụ thể của hội viên nông dân góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới ở địa phương" - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh.