Cùng xây đắp 'quê chung' Tân Kỳ

Quang An 18/04/2023 14:53

(Baonghean.vn) - Mảnh đất Tân Kỳ là nơi hội tụ của biết bao người con đất Việt. Trải qua 60 năm đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương, giờ đây mỗi người con Tân Kỳ rất đỗi tự hào trước sự đổi thay trên các lĩnh vực; cùng đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.

Đất lành chim đậu

Vùng đất Tân Kỳ xưa nay vẫn được truyền tai với cái tên trìu mến - “quê của muôn quê”. Cách gọi này bắt nguồn từ thành phần dân cư trên địa bàn huyện đến từ nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S thời kỳ sơ tán trong chiến tranh.

Theo khảo sát, toàn huyện Tân Kỳ có người dân của hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước định cư, sinh sống, đã tạo nên nền văn hoá đa dạng của nhiều vùng miền. Điều đặc biệt, tất cả những cư dân ấy, dù khác biệt về giọng nói, tập quán, đều coi Tân Kỳ là quê hương thứ hai, nơi cưu mang và cho họ cuộc sống mới.

Những tuyến đường rực rỡ cờ hoa mừng ngày Thành lập huyện Tân Kỳ. Ảnh: Q.A

Tân An, vùng đất được xem là Tân Kỳ thu nhỏ khi có người dân từ 38 tỉnh, thành trở về định cư, lập nghiệp. Đặt chân trên địa bàn xóm Thanh Bình, vùng đất sáp nhập giữa 3 xóm Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu những ngày này, cờ hoa đã được căng rợp trời, những con đường nông thôn mới khang trang, sạch sẽ, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên giữa những ngọn đồi xanh.

Ông Bùi Văn Long, xóm trưởng xóm Thanh Bình tự hào: Xóm được hình thành khi sáp nhập 3 xóm với tổng số trên 250 hộ dân. Xuất phát từ phong trào xây dựng NTM, hơn 4km đường nội xóm đã được người dân hiến đất, chung tay đóng góp ngày công hoàn thiện thành những con đường bê tông rộng rãi. Phong trào thi đua, làm ăn giỏi được người dân liên tục phát huy, từ xóm khó khăn giai đoạn đầu, bây giờ số hộ có kinh tế ổn định đã chiếm 2/3, trong xóm hiện chỉ còn 7 hộ nghèo. Đặc biệt, tất cả các phong trào đóng góp xây dựng quê hương đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Người dân xã Tân An, huyện Tân Kỳ chung tay xây dựng các công trình NTM. Ảnh: Q.A

Ông Bùi Đình Nam, người con xứ Quảng sinh sống trên mảnh đất Tân An nhớ lại: Gia đình tôi ở Tam Kỳ, Quảng Nam, tôi theo bố định cư ở xã Tân An từ năm 1982 đến nay. Tôi luôn coi Tân Kỳ là quê hương thứ 2 của mình. Nơi đây đã cho tôi cuộc sống, gia đình, công việc... Ở đây, được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để sinh sống, phát triển kinh tế; các lĩnh vực giáo dục, y tế… được địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho người dân khám, chữa bệnh, con em đến trường học thuận lợi. Đến bây giờ chúng tôi rất tự hào khi được đóng góp một phần công sức trong công cuộc xây dựng quê hương Tân Kỳ ngày càng phát triển.

Ông Cao Tiến Thìn – Chủ tịch UBND xã Tân An hồ hởi: Ở thế kỷ trước, từ phong trào đi xây dựng nông trang tại Tân Kỳ, có những thanh niên từ các huyện đồng bằng xứ Nghệ lên đây để xây dựng kinh tế mới… Từ đó Tân An là nơi định cư và sinh sống của những con người từ nhiều vùng quê khác nhau. Vì vậy bao đời nay, các tên xóm trên địa bàn xã gắn liền với quê hương gốc của bà con. Không chỉ vậy, ở Tân An cũng là nơi quy tụ người dân ở các tỉnh rất xa như Long An, Quảng Nam, Hà Giang… về đây lập nghiệp. Dù không phải là người cùng quê, nhưng tất cả cư dân ở đây đều đoàn kết, chung sức xây dựng xã Tân An ngày càng giàu mạnh. Người dân Tân An tự hào là một trong những địa phương về đích NTM sớm nhất trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Người dân xã Tân An đồng lòng xây dựng đường NTM. Ảnh: Q.A

Hiện nay, thành phần dân cư ở Tân Kỳ chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, trong đó dân tộc Kinh chiếm 82%. Chứng kiến quê hương Tân Kỳ ngày càng đổi mới, ông Lô Văn Huỳnh, đồng bào Thái tại xã Nghĩa Dũng chia sẻ: “Ông cha chúng tôi là người Thanh Hoá, sau đó vào Tân Kỳ định cư từ thế kỷ trước. Tôi sinh ra trên mảnh đất Tân Kỳ, lớn lên cùng những người dân bản địa nơi đây nên luôn coi nhau như người trong nhà. Tôi cũng thường xuyên răn dạy con cháu đóng góp công sức để xây dựng quê hương Tân Kỳ ngày càng đổi mới…”. Những bài học của ông Huỳnh được những lớp sau trân quý, ở địa phương, ông cũng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chăm lo đời sống người dân

Những ngày tháng 4 lịch sử, đi trên các con đường, khu dân cư, ngõ xóm trên địa bàn huyện Tân Kỳ, đâu cũng rợp bóng cờ hoa. Những con đường được chỉnh trang, nâng cấp, lung linh khi lên đèn, các xóm làng như khoác lên bộ áo mới.

Huyện Tân Kỳ tập trung chỉnh trang kỷ niệm 60 năm thành lập. Ảnh: Q.A

Nhiều năm qua, phong trào đóng góp, dựng xây quê hương được lớp lớp người dân Tân Kỳ đồng tâm hưởng ứng. Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường được bà con đồng thuận một cách sâu rộng. Anh Hà Huy Thảo, đồng bào Thái ở xã Nghĩa Dũng chia sẻ: Kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn, tuy nhiên, khi có chủ trương làm đường thôn xóm, gia đình tôi đã sẵn sàng hiến đất để những con đường bê tông sớm được thi công, bởi chúng tôi là người được thụ hưởng chứ không phải ai khác.

Phong trào hiến đất mở đường trên địa bàn Tân Kỳ được khơi dậy rộng khắp. Có thể kể đến như tại xã Tân Phú, 50 hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 260m2 đất và phá dỡ 862m bờ rào kiên cố để làm đường. Tại thị trấn Tân Kỳ, 20 hộ dân ở khối 3 đã đồng ý hiến hơn 300m2 đất làm đường nội thị... Hàng trăm hộ dân ở các xã vùng trong như: Hương Sơn, Phú Sơn, Tân Hương, Tân An, Tiên Kỳ, Đồng Văn… hiến đất và tài sản trên đất để có được những con đường rộng mở, cứng hóa.

Con đường xóm Đồng Kho Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng mới được xây dựng đầu năm 2023 do người dân hiến đất mở đường. Ảnh: Q.A

Một trong điểm nổi bật của Tân Kỳ là lĩnh vực giáo dục, y tế, không ngừng được nâng cao. Điều dễ nhận thấy, từ các xã vùng trong đến vùng ngoài, hệ thống trường học các cấp, trạm y tế xã, được đầu tư kiên cố hóa, thiết bị dạy học và khám chữa bệnh ngày càng hiện đại.

Ông Hoàng Đình Sơn - Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tân Kỳ tự hào: Những năm gần đây, giáo dục huyện nhà luôn là điểm sáng của ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh, nổi bật là 7 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Toàn huyện hiện có 57/66 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng.

Diện mạo nông thôn từng ngày khởi sắc, hàng loạt nhà ở của dân được xây dựng khang trang… Đó là minh chứng để khẳng định đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên, hộ khá giàu ngày càng nhiều. Theo số liệu của Phòng Lao động – TB&XH cho thấy, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 7,69%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 9,08%. Để công tác xóa nghèo hiệu quả, nhiều năm qua, huyện Tân Kỳ đã có những giải pháp, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu lao động; thu hút đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho lao động.

Công nghệ khám điều trị bệnh tại huyện Tân Kỳ ngày càng được đầu tư. Ảnh: Q.A

Song song với đời sống vật chất, thì đời sống tinh thần của người dân được nâng lên một bước. Có thể nói, hiếm có một vùng quê nào có phong trào thể dục, thể thao mạnh mẽ như Tân Kỳ. Minh chứng, thời điểm diễn ra giải bóng chuyền nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện, người dân 22 xã, thị trấn trên địa bàn nô nức đổ về trung tâm huyện để xem các đội tranh tài. Suốt trong nhiều ngày liền, hàng vạn người đến cổ vũ, sân vận động không còn một chỗ trống. Hàng năm, Tân Kỳ đều tham gia giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng cúp báo Nghệ An, đã 2 lần liên tiếp giành vô địch.

Đông đảo người dân Tân Kỳ nô nức đi xem các trận bóng chuyền kỷ niệm 60 năm thành lập huyện. Ảnh: Cẩm Tú
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban Tổ chức Giải bóng đá TN - NĐ cúp Báo Nghệ An trao Cúp vô địch cho đội Nhi đồng Tân Kỳ năm 2022. Ảnh tư liệu BNA

60 năm, một chặng đường lịch sử, những thành tựu mà cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Tân Kỳ đạt được, là một trong những mốc son tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Tân Kỳ. Thành quả đó là nền tảng vững chắc để mỗi thế hệ mai sau trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Mới nhất
x
Cùng xây đắp 'quê chung' Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO