Đất thiêng nơi hạ nguồn Lam giang

Công Kiên 30/10/2018 14:42

(Baonghean.vn) - Khoảng 10 - 15 phút chạy xe, chúng ta có thể tạm rời xa thành phố Vinh với nhịp sống ồn ào, sôi động để được đắm mình giữa khung cảnh bao la, thoáng đãng với những dãy núi trải dài tít tắp, dòng sông uốn lượn và làng mạc yên bình. Nơi ấy còn được gọi là vùng đất thiêng.

Lên núi ngắm phong cảnh

Từ hồi mới vào nghề báo, một thầy giáo ở miền quê trung du nhắn nhủ với tôi rằng: “Nếu có nhiều thời giờ, anh hãy đến vùng Lam Thành – Triều Khẩu, nơi hạ nguồn sông Lam để chiêm ngưỡng cảnh vật, sẽ giúp anh có thêm một cái nhìn mới về quê hương trong mạch nguồn dòng chảy lịch sử - văn hóa”.

X
Phong cảnh vùng hạ nguồn sông Lam nhìn từ núi Lam Thành. Ảnh: Sách Nguyễn

Nghe lời thầy dặn, vào những ngày cuối tuần có chút thời gian rảnh rỗi, tôi lại chạy xe hướng ra tuyến đường ven sông Lam. Đến đây, những lo lắng, ưu phiền dường như được trút bỏ, còn lại một niềm thư thái và cảm giác yên bình.

Dọc tuyến đường ven sông Lam, vùng hạ nguồn thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên, đi thật chậm chúng ta sẽ cảm nhận được nét văn hiến của vùng quê rất đỗi yên bình này. Nét văn hiến được toát lên từ những di tích, một đoạn đường chưa đến 7 km có chừng vài chục di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, có những di tích nổi tiếng khắp như đền Hoàng Mười, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê và núi Lam Thành…

Di tích lịch sử núi Lam Thành (Hưng Nguyên).
Di tích lịch sử núi Lam Thành (Hưng Nguyên). Ảnh: Sách Nguyễn

Với sự hiện hữu của những di tích hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm là dấu ấn của mạch nguồn văn hóa, là sự trường tồn của những ngôi làng nơi hạ nguồn Lam giang. Chưa kể những mái đình cổ kính cùng nhà thờ họ rêu phong mái ngói, và mỗi tên làng, tên núi vẫn còn in đậm những câu chuyện và chứng tích xa xưa, là di sản tinh thần của muôn đời con cháu.

Đến vùng Lam Thành – Triều Khẩu (nay là các xã Hưng Lam, Hưng Phú và Hưng Khánh), tôi thường leo lên núi Lam Thành – ngọn núi nổi tiếng vì từng là thành lũy của giặc Minh xâm lược. Cũng là điểm hội quân và giành chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn gần 600 năm trước, mở đường cho cuộc tiến quân giải phóng thành Đông Đô của Lê Lợi và các tướng sỹ.

Mỗi lần lên núi, tôi thường đứng rất lâu để ngắm cảnh vật gần xa, trước tiên là con đường quanh co, uốn lượn bên tả ngạn dòng Lam và làng mạc xanh tươi, trù phú. Con đường chạy trên mặt đê Tả Lam (còn gọi đê 42), xuất phát từ huyện Nam Đàn, qua Hưng Nguyên đến Bến Thủy. Ngày nay được nối tiếp xuống tận Cửa Hội, nơi dòng sông hòa vào biển lớn.

Phong cảnh vùng hạ nguồn sông Lam nhìn từ núi Lam Thành. Ảnh: Công Kiên
Phong cảnh vùng hạ nguồn sông Lam nhìn từ núi Lam Thành. Ảnh: Sách Nguyễn

Ngay tuyến đê ấy cũng là một kỳ tích của con người xứ Nghệ trong cuộc trị thủy, bởi bao nhiêu thế hệ đã đổ công sức kè và giữ để chặn dòng nước lũ, để cuộc sống mãi được yên bình. Cũng có những thôn xóm nằm ngoài đê, hàng năm thường bị nước lũ tràn về khiến cuộc sống có phần đảo lộn. Nhưng từ đời này qua đời khác, người dân luôn sẵn sàng tâm thể đón chờ những ngày nước nổi.

Lên núi Lam Thành, tôi được thỏa thích buông tầm nhìn ra xa – nơi có dãy núi xa mờ và mặt sông như chiếc gương in nền trời xanh thẳm. Thi thoảng, những con thuyền ngược xuôi điểm tô cho bức tranh thủy mặc thêm bóng dáng của cuộc sống, gợi lên mối giao hòa giữa cảnh vật và lòng người..

Xuống núi chạm miền thiêng

Khi xuống núi, tôi lại lần bước xuống hai ngôi đền cổ kính thuộc hàng bậc nhất trong vùng – đền Thanh Liệt và đền Vua Lê. Đền Thanh Liệt (Hưng Lam) ở khu vực ngoài đê, tọa lạc trên dải bãi bồi ven sông, phía trước là lạch nước lớn. Ngôi đền hiện vẫn giữ được nét kiến trúc cổ, khuôn viên rợp bóng cây cổ thụ, tất cả gợi lên nét thiêng của không gian làng quê.

Nét cổ kính đền Thanh Liệt, xã Hưng Lam (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Theo bia dẫn tích, đền Thanh Liệt được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ các vị phúc thần có công hộ quốc, bảo dân. Các vị thần được thờ ở đây hầu hết đều gắn liền với cuộc sống nơi miền sông nước như: Thủy Phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế, Thủy Quốc Động Bình Quân, Hà Bá Thủy Quân Long Vương Chúa tể, Thủy Tinh phu nhân (Mẫu Thủy), Long Vương Chúa Tể Thủy tộc, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thôn, Nguyễn Biểu…

Từ đền Thanh Liệt, xuôi về Hưng Khánh thắp nén hương trước linh vị các Vua Lê, tôi có cảm giác như văng vẳng tiếng quân reo xung trận của gần 600 năm trước. Hưng Khánh xưa được gọi là Triều Khẩu, là nơi Bình Định Vương Lê Lợi chọn làm đại bản doanh tập kết lương thảo, luyện tập và chiêu mộ binh sỹ để bao vây giặc Minh ở thành Nghệ An (dựng trên núi Lam Thành).

Người dân Triều Khẩu một lòng ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn, vừa góp gạo nuôi quân, vừa hăng hái gia nhập, cùng chung quyết tâm đánh đuổi quân thù. Nhờ đó, góp phần tăng thêm sức mạnh, đẩy giặc Minh đến cảnh khốn cùng phải kéo nhau ra hàng, thành Nghệ An thất thủ. Về sau, Vua Lê Thánh Tông đã cho lập đền thờ Lê Thái Tổ (Lê Lợi) ở vùng Triều Khẩu, đặt tên là đền Vua Lê.

Đến đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1740), linh vị Vua Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông được rước về thờ ở đền Vua Lê, vậy là ngôi đền trên đất thiêng Triều Khẩu là nơi thờ linh vị của ba vị Vua Lê anh minh, có công lớn trong linh sử dân tộc.

Bãi lau bên triền sông Lam thuộc xã Nam Cường (Nam Đàn). Ảnh tư liệu
Bãi lau bên triền sông Lam thuộc xã Nam Cường (Nam Đàn). Ảnh tư liệu

Vẫn còn thời gian, tôi tiếp tục ngược đê Tả Lam, rồi qua cầu Yên Xuân (Hưng Xuân) sang đất Nam Cường (Nam Đàn). Nơi đây, bên triền sông mùa này bãi lau hoa hoa trắng xóa, cái màu trắng trinh nguyên ấy đã níu kéo bao người rời phố thị đến tận hưởng những giây phút bình yên.

Mới nhất

x
Đất thiêng nơi hạ nguồn Lam giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO