Đề nghị chuyển chế độ 'bồi dưỡng' thành 'phụ cấp' ở mức cao hơn cho cán bộ khối, xóm
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những kiến nghị mà nhiều cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc trăn trở truyền tải để các đại biểu Quốc hội tỉnh nắm bắt và có ý kiến với các cơ quan liên quan, nhằm sớm có chính sách hợp lý, thỏa đáng hơn trước những đóng góp, vai trò của cán bộ ở cơ sở.
Sáng 4/10, các đại biểu Quốc hội khóa XV gồm các bà: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Hoàng Thị Thu Hiền - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc trước Kỳ họp thứ 4.
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy |
Tại hội nghị, cử tri xã Nghi Trường đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội khóa XV trong hoạt động; đồng thời cũng nêu lên những kiến nghị, băn khoăn từ thực tiễn.
Ông Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là vừa qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Nghệ An báo cáo thời gian, nội dung dự kiến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến các bậc cử tri. Ảnh: Thành Duy |
Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay tại địa phương có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, không canh tác, ông cho rằng cần có những chính sách đủ mạnh để nền nông nghiệp có thể thích ứng trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt về hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung này, từ thực tiễn kiến thức về pháp luật của người dân còn chưa đẩy đủ, toàn diện, thậm chí viết một lá đơn còn gặp khó khăn, cử tri xã Nghi Trường đề nghị có giải pháp để trợ giúp pháp lý cho bà con nông dân như thành lập các tổ công tác về triển khai theo định kỳ hàng quý hoặc bố trí sách về các bộ luật tại thư viện xã, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Minh cũng nêu trăn trở khi chính sách đền bù cho đất nông nghiệp để chuyển đổi thành đất dự án còn quá thấp, trong khi sau đó các dự án, nhất là dự án đất ở được triển khai thì giá trị được nâng lên, bán giá cao. Ông đề nghị cần xem xét xét có chính sách phù hợp.
Cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Còn ông Nguyễn Anh Xuân đánh giá cao những đạo luật được Quốc hội ban hành, ngày càng đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Cùng với đó, vị cử tri đề nghị, Quốc hội cần khẩn trương ban hành chính sách cải cách tiền lương; đây là vấn đề hết sức bức thiết hiện nay.
Cử tri Lê Viết Trung đánh giá cao công tác lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp trong bối cảnh khó khăn vừa qua, nhờ đó nền kinh tế đất nước phục hồi và có bước phát triển cao trong 9 tháng đầu năm nay.
Ông Trung cũng thể hiện sự đồng tình cao khi công tác kiểm soát quyền lực được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã có những kết quả cụ thể. Rất kỳ vọng vấn đề này để xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, cử tri Lê Viết Trung đề nghị cần tiếp tục tăng cường kiểm soát quyền lực hơn nữa. “Phải mổ xẻ thế nào là kiểm soát quyền lực; phải quy định rõ từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, cấp xã”, ông nói.
Cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Đặc biệt, tại Hội nghị, nhiều cử tri bày tỏ trăn trở trước những khó khăn của cán bộ thôn, xóm, nhất là sau khi thực hiện sáp nhập. Nêu vấn đề, hiện nay đã thực hiện quy hoạch cán bộ từ cấp Trung ương đến cấp xã, cử tri Lê Viết Trung cho rằng cũng cần thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ ở thôn, xóm.
Theo ông, mặc dù đây không phải là một cấp hành chính song hệ thống chính trị ở xóm là nơi trực tiếp nhất để triển khai chủ trương, chính sách, phát huy dân chủ ở cơ sở như một trụ cột của tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức.
Cử tri xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Ông Trung cũng đề nghị nên thay cách gọi hiện nay là “bồi dưỡng” cho cán bộ thôn, xóm bằng “phụ cấp" và cần sớm nghiên cứu để ban hành chế độ phụ cấp hợp lý hơn, trong bối cảnh sáp nhập xóm thì diện tích, số hộ đều tăng lên. Đây cũng là vấn đề mà nhiều cử tri trăn trở truyền tải kiến nghị để các đại biểu Quốc hội tỉnh nắm bắt và có ý kiến với các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, cử tri cũng nêu lên nhiều ý kiến liên quan đến thực hiện các chế độ chính sách, nâng cao hệ thống lưới điện tại địa phương, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu thuế xây dựng nhà ở tư nhân…
Bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tiếp thu, trả lời các ý kiến của cử tri. Ảnh: Thành Duy |
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tiếp thu, trả lời các kiến nghị của cử tri.
Theo đó, đối với các vấn đề liên quan đến hậu sáp nhập khối, xóm, bản, vị đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An cho biết: Với phương châm Quốc hội hành động, đổi mới, nắm bắt sát tâm tư, nguyện vọng của người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của cử tri trên cả nước về vấn đề này và có văn bản đề nghị Chính phủ đánh giá lại toàn bộ ưu điểm, hạn chế, tồn tại sau sáp nhập khối, xóm, bản; cũng như chế độ chính sách cho cán bộ khối, xóm, bản.
Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy |
Cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri về tăng cường công tác giám sát, kiểm soát quyền lực; có giải pháp để các bộ luật đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả sản xuất để nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế…, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đã nêu lên một số chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề này; đồng thời tiếp thu chuyển tải lên các cơ quan liên quan.