Đến lượt chợ Phong Toàn tại thành phố Vinh 'kêu' về giá thuê đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Không riêng chợ Cọi bị áp giá thuê đất quá cao và bất hợp lý, như Báo Nghệ An đã phản ánh trong bài“Chợ Cọi thành Vinh nguy cơ “tan” vì thuế thuê đất bất hợp lý!” vào ngày 17/8/2023. Mới đây, chợ Phong Toàn ở phường Hà Huy Tập, cũng lên tiếng về tình hình tương tự.

Xây chợ để chuyển đổi việc làm cho xã viên bị thu hồi đất

Chợ Phong Toàn thuộc quản lý của Hợp tác xã Phong Toàn, nằm trên địa bàn phường Hà Huy Tập (TP.Vinh). Cách đây khoảng 20 năm, vào ngày 19/7/2004, UBND TP.Vinh ban hành Quyết định số 2587/2004/QĐ-UBND về việc giao cho UBND phường Hà Huy Tập làm chủ đầu tư quy hoạch chợ mới. Đến ngày 13/9/2004, UBND TP.Vinh tiếp tục có Công văn số 1185/CV.UB đồng ý cho triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản năm 2005, trong đó có hạng mục xây dựng chợ mới Hà Huy Tập.

Căn cứ vào các quyết định, công văn của UBND TP. Vinh, trong khoảng 5 năm, từ năm 2004 đến cuối năm 2008, UBND phường Hà Huy Tập đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước quanh chợ với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và ngân sách phường. Khu vực quy hoạch xây dựng chợ mới được xác định nằm ở góc đường Lý Tự Trọng và đường quy hoạch (nay là đường Nguyễn Năng Tĩnh), với diện tích ban đầu là 5.000m2.

BNA_Chợ Phong Toàn cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự chợ Cọi khi phải chịu mức giá thuê cao gấp nhiều lần so với các chợ cùng cấp khác ở thành phố. Tiến Đông.jpg
Chợ Phong Toàn nằm trên địa bàn phường Hà Huy Tập, thuộc quản lý của Hợp tác xã Phong Toàn. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, do đặc điểm nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ huy động từ các hộ kinh doanh trong chợ (chủ yếu là xã viên Hợp tác xã Phong Toàn), ngoài yếu tố phát triển kinh tế, còn có tính xã hội, căn bản là chuyển đổi việc làm cho bà con xã viên bị thu hồi đất để quy hoạch và phát triển đô thị. Chính vì thế, vào đầu năm 2009, UBND phường Hà Huy Tập đã có tờ trình gửi UBND TP.Vinh bàn giao chủ đầu tư sang cho Hợp tác xã Phong Toàn để phù hợp với công tác huy động vốn đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Ngày 16/3/2009, UBND TP. Vinh đã đồng ý với chủ trương này.

Sau khi tiếp quản việc xây dựng chợ, Hợp tác xã Phong Toàn đã huy động nguồn vốn từ các hộ tiểu thương (còn gọi là cổ đông), đến năm 2009 thì bắt đầu khởi công xây dựng và năm 2012 thì chính thức đưa vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng. Chợ Phong Toàn sau khi hoàn thành có tổng diện tích 6.678,2m2; trong đó, có 1 đình chính 2 tầng kiên cố, các đình phụ kinh doanh rau, quả, thịt cá và hệ thống các ki-ốt xung quanh mặt đường Lý Tự Trọng, đường Nguyễn Năng Tĩnh và các mặt đường quy hoạch phía Tây, Nam của chợ, với tổng số 400 ki-ốt, vị trí kinh doanh, tương đương 3.157,96m2.

BNA_Nhiều gian hàng tại tầng 1 của chợ Phong Toàn bị bỏ trống vì không có ai thuê. Ảnh- Tiến Đông.jpg
Nhiều gian hàng tại tầng 1 của đình chính chợ Phong Toàn bị bỏ trống vì không có ai thuê. Ảnh: Tiến Đông

Trong khoảng thời gian từ khi xây dựng và đưa vào hoạt động đến trước năm 2022, Hợp tác xã Phong Toàn không thu tiền thuê đất từ các hộ tiểu thương, mà chỉ thu các khoản thuế, phí vệ sinh môi trường… để nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước. Đến năm 2020, Hợp tác xã Phong Toàn đã làm hồ sơ thuê đất gửi lên UBND tỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo công tác quản lý tài nguyên đất đai. Cuối năm 2021, sau một thời gian tham vấn ý kiến của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đã có Quyết định số 635/QĐ-UBND cho Hợp tác xã Phong Toàn thuê 6.678,2m2 đất tại phường Hà Huy Tập với thời hạn 50 năm.

Ngày 14/4/2022, Hợp đồng thuê đất giữa Hợp tác xã Phong Toàn với UBND tỉnh chính thức được ký kết, với mức giá thuê là 179.412 đồng/m2. Khi hợp đồng thuê đất vừa được ký kết chưa lâu, ngày 21/4/2022, Chi cục Thuế TP.Vinh đã gửi cho Hợp tác xã Phong Toàn thông báo nộp tiền thuê đất với tổng số tiền phải nộp là gần 1,2 tỷ đồng/năm.

Thu không đủ để nộp thuế

Bà Trần Thị Hương – Giám đốc Hợp tác xã Phong Toàn cho biết: Ngay sau khi nhận được Thông báo thuế, Ban Quản lý Hợp tác xã thực sự lo lắng, bởi dù đã huy động hết mức cũng chỉ nộp được khoảng 650 triệu đồng; đa số tiểu thương không đồng tình với mức giá thuê đất quá cao đang áp dụng cho chợ Phong Toàn. Trên thực tế, chỉ có các ki-ốt mặt đường Lý Tự Trọng và mặt đường Nguyễn Năng Tĩnh thì có thể thu được giá cao, nhưng cũng không được vượt quá quy định về hạng mức chợ mà thành phố Vinh đề ra.

BNA_Toàn bộ khu vực tầng 2 của đình chính với 89 ki ốt đều không có ai thuê. Ảnh Tiến Đông.jpg
Toàn bộ khu vực tầng 2 của đình chính với 89 ki- ốt đều không có ai thuê. Ảnh: Tiến Đông

Cũng theo bà Hương, mặc dù chợ Phong Toàn xây dựng 400 ki-ốt, quầy hàng kinh doanh, nhưng trên thực tế, ngay từ thời điểm đi vào hoạt động cũng chỉ đạt được 25-30% và có xu hướng ngày càng giảm. Từ năm 2013 đến nay, toàn bộ đình chính tầng 2, bố trí 89 quầy kinh doanh đều không hoạt động. Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19, xu hướng kinh doanh, buôn bán của người dân thay đổi, hoạt động của chợ Phong Toàn ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Tính tổng cộng toàn chợ, hiện chỉ có 100/400 ki-ốt là còn hoạt động.

Sau khi thu được số tiền khoảng 650 triệu đồng để nộp cho cơ quan thuế trong năm 2022, hiện tại, Hợp tác xã Phong Toàn chưa thu thêm được đồng nào để nộp tiếp cho số tiền còn thiếu của năm 2022 và của cả năm 2023; do còn nợ thuế, nên hiện tại đã bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản và tính tiền lãi chậm nộp 0,03%/ngày.

Bà Hương cũng cho biết thêm, mục tiêu của việc xây dựng chợ Phong Toàn ban đầu là để chuyển đổi việc làm cho người dân khi đất nông nghiệp của họ đã bị thu hồi hết. Thế nhưng, với cách tính tiền thuê đất như hiện nay thì đang dần đẩy người dân, các hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

BNA_Bên trong chợ Phong Toàn rất đìu hiu. Ảnh Tiến Đông.jpg
Bên trong chợ Phong Toàn rất đìu hiu. Ảnh: Tiến Đông

Hàng hóa bán không được, xung quanh thì bị siêu thị, các shop quần áo, siêu thị mini cạnh tranh, trong khi đó, có nhiều thứ phải lo, như an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, môi trường. Nếu mức giá thuê như thế này thì chắc chắn Hợp tác xã sẽ không thể hoàn thành.

Bà Trần Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã Phong Toàn

Trước những bất cập về giá thuê đất, Hợp tác xã Phong Toàn cũng đã từng kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép nộp thuế đất theo thực tế diện tích sử dụng của các ki-ốt, quầy hàng; đề nghị được điều chỉnh giá thuê đất theo đặc thù hợp tác xã kinh doanh chợ để tính tiền thuê đất (nguồn gốc đất là đất sản xuất nông nghiệp do Hợp tác xã quản lý); đồng thời, kiến nghị được nộp thuế đất theo diện tích quy hoạch thiết kế xây dựng đã được phê duyệt là 3.157,9m2, trên tổng số 6.678,2m2. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến nghị của Hợp tác xã Phong Toàn vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Điều đáng nói là cũng như Hợp tác xã Hưng Lộc (đơn vị quản lý chợ Cọi tại xã Hưng Lộc), Hợp tác xã Phong Toàn cũng thắc mắc, so sánh giá thuê đất đang áp dụng đối với các hợp tác xã trên địa bàn TP. Vinh. Nếu như Hợp tác xã Hưng Lộc phải chịu đơn giá thuê là 187.140 đồng/m2, và Hợp tác xã Phong Toàn đang phải chịu đơn giá thuê là 179.412 đồng/m2 (cả 2 đều không được giảm tiền thuê đất), trong khi đó, chợ Đại học Vinh do Hợp tác xã Bến Thủy quản lý có diện tích 4.318,8m2, được hưởng giá thuê là 78.121 đồng/m2, đồng thời, còn được giảm 50% tiền thuê đất; Hợp tác xã Đại Huệ, đơn vị quản lý tòa nhà Đại Huệ Plaza ngay đầu đường Nguyễn Phong Sắc (khu vực vòng xoay Hải quan), với diện tích 4.009,7m2, được hưởng đơn giá thuê đất là 104.518 đồng/m2, và cũng được giảm 50% tiền thuê đất.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập cho biết, từ trước đến nay phường luôn đồng hành với Hợp tác xã Phong Toàn, tuy nhiên, do đây là đơn vị hạch toán độc lập, nên vai trò của phường cũng chỉ là quản lý công tác hành chính, đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Sau khi nhận được thông tin về giá thuê đất, phường cũng đã có kiến nghị giải quyết hỗ trợ, đồng thời, hướng dẫn Hợp tác xã làm các tờ trình gửi phường, thành phố để có thể kiến nghị lên cấp cao hơn có chính sách hỗ trợ. Thậm chí, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh và thành phố, phường cũng đã có kiến nghị, tuy nhiên, cũng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng so với những kiến nghị của Hợp tác xã đã nêu ra.

Sự tồn tại của các chợ dân sinh như chợ Phong Toàn, chợ Cọi trên địa bàn thành phố Vinh đang phù hợp quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế và những thắc mắc về giá thuê đất của các hợp tác xã quản lý các chợ dân sinh này là chính đáng. Trước những kiến nghị của các đơn vị quản lý các chợ dân sinh này cho thấy, cần rà soát toàn bộ giá thuê đất của các chợ, hợp tác xã trên địa bàn thành phố để có hướng xử lý đảm bảo tính công bằng, nhu cầu dân sinh.

tin mới

Khó khăn chồng chất khi chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A

Khó khăn chồng chất khi chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A

(Baonghean.vn) - Sau khi Chính phủ bổ sung 1.275 tỷ đồng cho Nghệ An giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, UBND tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo, và đôn đốc các địa phương gấp rút triển khai. Tuy vậy, việc thực hiện đến nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vai trò tổ liên ngành trong giải quyết đơn thư, tranh chấp ở Quỳ Hợp

Vai trò tổ liên ngành trong giải quyết đơn thư, tranh chấp ở Quỳ Hợp

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở ban hành các quy chế phối hợp, tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã được thành lập, đi vào hoạt động. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh, bước đầu cho thấy hiệu quả.