Đi tìm nguyên nhân Bến xe Nam Vinh đã hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động

Tiến Đông 27/10/2023 09:58

(Baonghean.vn) -Dù đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cách đây nửa năm, tuy nhiên đến thời điểm này, Bến xe Nam Vinh nằm cạnh Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh, thuộc địa phận xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của vấn đề này đã dần hé mở.

Phân luồng giao thông

Những năm gần đây, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố Vinh, việc quy hoạch bến xe và phân luồng các tuyến xe khách nội, ngoại tỉnh đã được tiến hành. Trong đó, thực hiện Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 về việc Ban hành quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An, một số bến xe không còn phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn đã được di dời. Trong đó, Bến xe Vinh trước đây đóng trên đường Lê Lợi đã được di dời ra phía Bắc tại xã Nghi Kim vào năm 2018.

Đến ngày 30/4/2023, hoạt động vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh cũng đã dừng lại. Toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định (bao gồm các tuyến ngoại tỉnh và nội tỉnh) khai thác tại Bến xe chợ Vinh được điều chuyển về hoạt động tại các bến xe nằm ở vùng ven thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, trong đó có Bến xe Nam Vinh.

Tuy nhiên, dù Bến xe Nam Vinh đã hoàn thành giai đoạn 1 nửa năm nay, nhưng do chưa hoàn thành việc đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh nên bến xe này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

BNA_NV1.jpg
Hiện nay, giai đoạn 1 của Bến xe Nam Vinh đã hoàn thành, chỉ chờ được đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh là có thể công bố hoạt động. Ảnh: TĐ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án xây dựng Bến xe Nam Vinh do Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An làm chủ đầu tư. Theo thông tin về dự án trên trang chủ của đơn vị này thì Bến xe Nam Vinh được xây dựng với quy mô là bến xe loại 1, có diện tích xây dựng bến là 100.000 m2, công suất 500 chuyến xe xuất bến mỗi ngày và 15.000 lượt người đi xe; tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện được giới thiệu là từ tháng 5/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2011. Nhưng sau một thời gian dài, mãi đến năm 2020, Bến xe Nam Vinh được tiến hành xây dựng với diện tích 46.200m2. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng bến xe có diện tích 19.000m2 với tổng mức đầu tư 32 tỉ đồng. Đến tháng 3/2023, bến xe này đã hoàn thành các hạng mục, dự kiến sẵn sàng hoạt động ngay khi vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh buộc phải dừng lại.

BNA_NV4.jpg
Cổng chính của Bến xe Nam Vinh đang được che chắn lại bằng tôn. Ảnh: TĐ

Có mặt tại Bến xe Nam Vinh, chúng tôi nhận thấy, bến xe này nằm trên một khu vực hình “móng ngựa” được con sông Rào Máng uốn quanh bao bọc và Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh cắt qua. Hiện tại, công trình cơ bản đã được hoàn thiện với tòa nhà chính, hệ thống bãi xe, tường rào và cổng khang trang. Dù vậy, cổng chính đang được bịt kín bằng tôn vì bến xe này chưa được công bố hoạt động.

Đảm bảo an toàn sau khi đấu nối

Đi sâu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, theo quy định của pháp luật, để Bến xe Nam Vinh có thể hoạt động được, bắt buộc phía chủ đầu tư phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép đấu nối đường ra, vào bến với các đường khác. Trong trường hợp này, do đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh nên bắt buộc phải tuân thủ các Thông tư, Nghị định của Bộ Giao thông vận tải và của Chính phủ. Việc quyết định cho phép đấu nối này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

BNA_NV6.jpg
Ngay trước cổng bến xe là Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh. Ảnh: TĐ

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Thông tư 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông Vận tải thì: “Đối với các tuyến quốc lộ không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến quốc lộ, cụ thể như sau: đối với đường cấp III không nhỏ hơn 1.500 mét, đối với đường cấp IV trở xuống không nhỏ hơn 1.000 mét”. Theo quy định này cũng như các quy hoạch trước đó, vị trí đấu nối ra, vào của Bến xe Nam Vinh với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh dự kiến sẽ đặt tại các điểm Km22+250 và Km20+600.

Tuy nhiên, do khoảng cách giữa bến xe đến điểm đấu nối theo quy hoạch là quá xa, chưa kể lại vướng sông Rào Máng, nếu làm đường gom để đi vào và ra tại 2 địa điểm nói trên thì chi phí sẽ rất lớn.

Vì vậy mà từ đầu năm 2023, sau khi bến xe cơ bản hoàn thành, trên cơ sở các tờ trình của chủ đầu tư, của Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải được đấu nối dự án Bến xe Nam Vinh vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh tại Km22+900 (phải tuyến).

BNA_NV5.jpg
Do có con sông Rào Máng bao quanh nên nếu làm đường gom để đi vào và ra tại các điểm theo quy hoạch sẽ khiến chi phí đội lên rất lớn. Ảnh: TĐ

Dù vậy, phía Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu làm rõ tính khả thi của phương án xây dựng đường gom đến điểm đấu nối đã được phê duyệt liền kề cùng phía. Chính vì thế mà ngày 31/8/2023, UBND tỉnh đã có văn bản số 7393/UBND-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải làm rõ một số nội dung liên quan đến việc đấu nối.

Trong đó, nêu căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ để áp dụng cho vị trí đấu nối nêu trên, do phương án xây dựng đường gom bị vướng mắc bởi địa hình khó khăn (tại Km23+250 và Km22+412 là sông Rào Máng), UBND tỉnh Nghệ An đề nghị cho phép đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh ngay tại Km22+900 (phải tuyến).

BNA_NV7.jpg
Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh đi qua trước Bến xe Nam Vinh có lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn mỗi ngày. Ảnh: TĐ

Sau khi nhận được ý kiến và giải trình của UBND tỉnh Nghệ An, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải xem xét đề nghị nói trên với điều kiện: Phải giải phóng mặt bằng để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn chờ rẽ trái và các yêu cầu kỹ thuật khác của nút giao theo quy định; phải lấy ý kiến thống nhất của Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Nghệ An về trật tự giao thông; đồng thời phải tuân thủ quy định xây dựng các vị trí đón, trả khách...

Ngày 10/10/2023, trong Công văn 11379/BGTVT-KCHT trả lời về việc đấu nối nói trên gửi UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An về các yếu tố vận tải, kết nối, tổ chức và an toàn giao thông khi dự án Bến xe Nam Vinh hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, khi các bến xe khách đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên tuyến ra vào nút giao sẽ tăng lên, đồng thời sẽ phát sinh các nội dung về tổ chức giao thông để hạn chế xung đột giữa dòng phương tiện ra, vào và với người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao và trên đoạn tuyến qua khu vực bến xe. Do đó, cần thiết đánh giá phương án đảm bảo an toàn giao thông khi phát sinh đấu nối bến xe vào quốc lộ.

BNA_BV2.jpg
Văn bản của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An. Ảnh: TĐ

Được biết, từ hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Công văn 11379 ngày 18/10/2023, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cũng đã có Công văn 3940/SGTVT-KHKCHT gửi Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, đề nghị cho ý kiến về tổ chức giao thông, việc đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao và trên đoạn tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực bến xe sau khi hình thành nút giao.

Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng đề nghị các cơ quan này nêu rõ có thống nhất hay không việc bổ sung vị trí đấu nối Bến xe Nam Vinh vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh tại Km22+900 (phải tuyến) và trình bày lý do gửi về Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan (hồ sơ thiết kế và phương án tổ chức giao thông tại phạm vi nút giao, trong đó thuyết minh và bản vẽ thể hiện rõ các tác động, xung đột giao thông khi nút giao hình thành...).

BNA_NV3.jpg
Bến xe Nam Vinh đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế các phương tiện vận tải tham gia giao thông trong khu vực nội thị thành phố Vinh. Ảnh: TĐ

Có thể thấy rằng, dự án Bến xe Nam Vinh là dự án rất quan trọng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm áp lực của các phương tiện vận chuyển ngày càng phát triển tại các bến xe như: Bến xe Bắc Vinh, Bến xe chợ Vinh…; đảm bảo khả năng kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạn chế các phương tiện vận tải tham gia giao thông trong khu vực nội thành Vinh và tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải từ khu vực phía Nam về thành phố Vinh.

Dù vậy, việc xem xét một cách thấu đáo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi ra vào bến xe tại điểm đấu nối là điều rất cần thiết khi Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, nhiều xe tải chở hàng, xe container thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này.

Vì vậy, doanh nghiệp khi thực hiện dự án này cũng cần phải nỗ lực, có trách nhiệm, tích cực hơn trong việc phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, kịp thời giải trình cho các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải để việc đấu nối sớm được thực hiện, đảm bảo các mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

Mới nhất

x
Đi tìm nguyên nhân Bến xe Nam Vinh đã hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO