Doanh nghiệp “hiến kế” cho thành phố Vinh phát triển
(Baonghean) -Thành phố Vinh vừa tổ chức Hội nghị gặp mặt hơn 1.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư trên địa bàn nhằm lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như định hướng đầu tư trong thời gian tới. Hoạt động này được cộng đồng doanh nghiêp đánh giá cao.;
Thêm nhiều cơ hội đầu tư
Thành phố Vinh hiện có trên 7.000 doanh nghiệp (trong đó có 5.700 doanh nghiệp do thành phố quản lý) và hơn 22.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.
Tuy nhiên trước đây chưa bao giờ giới doanh nghiệp có được cuộc trao đổi, làm việc với toàn thể lãnh đạo thành phố.
Việc lãnh đạo thành phố tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp có thể xem là một trong những bước đột phá của thành phố Vinh trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Những giai đoạn vừa qua, thành phố Vinh luôn được Trung ương, tỉnh quan tâm các chính sách và nguồn lực để phát triển. Các công trình như đường 72m nối ngã ba Quán Bàu (nay là ngã 5 Quán Bàu) lên Hưng Nguyên và sẽ nối với Cửa Lò là trục hành lang Đông Tây lớn nhất của thành phố , không chỉ tạo ra hạ tầng khang trang, giao thông thuận tiện đi lại từ Nam Đàn, Hưng Nguyên xuống Vinh, Cửa Lò và còn tạo ra một quỹ đất rộng lớn hai bên đường là cơ hội đầu tư mới trong tương lai cho các doanh nghiệp.
Thành phố là đầu mối giao thông quốc gia với hệ thống các bến xe, ga đường sắt, sân bay, cảng biển đi đến trong nước và quốc tế. Các dự án: Nâng cấp mở rộng sân bay Vinh; Bến xe Bắc Vinh, Bến xe Nam Vinh; Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; Cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông nội thành gắn với chỉnh trang đô thị, quy hoạch thành phố đến 2030... đã tạo đà phát triển kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới. Những điều kiện tốt về hạ tầng đó cùng với những định hướng đầu tư mới đã được lãnh đạo thành phố thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp.
- Lãnh đạo thành phố Vinh thăm quan sản phẩm mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong và thăm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại xã Nghi Liên; trrao thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt nghĩa vụ Nhà nước. Ảnh: Lâm Tùng; tư liệu |
Ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho rằng, tiếp theo hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An thắng lợi vừa qua thì việc thành phố Vinh tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn rất được chờ mong, bởi có nhiều dự án đầu tư đăng ký vào thành phố sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ.
Cũng theo ông Trần Anh Sơn: Những định hướng của thành phố, những nỗ lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, mở rộng nhiều tuyến đường cùng những vận hội mới gắn với đường sắt cao tốc qua Vinh, đường sắt cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn,... sẽ là những gợi mở cho các dự án mới, nhất là khi thành phố Vinh đang được quy hoạch bài bản, có tầm nhìn trong tương lai.
“Mong thành phố Vinh thực hiện được 4 chữ “thông minh, đáng sống”, có được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp và cán bộ, công chức phải phục vụ người dân và doanh nghiệp thì thành phố sẽ phát triển” – ông Trần Anh Sơn phát biểu.
Tại hội nghị gặp mặt, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, vì một thành phố trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, các doanh nghiệp đã góp ý, đề xuất và gợi mở những hướng đi mới cho thành phố Vinh.
Lãnh đạo thành phố Vinh tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp taịì hôịnghị. Ảnh: Lâm Tùng |
Giám đốc Công ty May Minh Anh cho biết, hiện nay đơn vị đang đầu tư nhiều nhà máy may nên nhu cầu về lao động rất lớn, bởi vậy mong thành phố quan tâm lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là lao động dệt may.
Đại diện doanh nghiệp Gà Thượng Hải cho biết, lần đầu được đi dự hội nghị và cảm nhận thành phố chuẩn bị rất chu đáo, các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp cũng gợi mở nhiều vấn đề trong quản lý, lãnh đạo...
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Bên cạnh những ý kiến tâm huyết trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ... nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng có những gợi mở về phát triển du lịch thành phố.
Ông Nguyễn Đức Hiền - Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung của Tập đoàn Mường Thanh cho rằng, hiện nay Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư vào thành phố Vinh 5 khách sạn, 1 trung tâm giải trí VRC và nhận thấy du khách về với Vinh khá đông, tuy nhiên thành phố chưa có những điểm lưu trú, giữ chân khách.
"Thành phố Vinh cần bảo tồn và phát huy các làng nghề như mây tre đan, các làng hoa, làng rau đẹp, Vinh hiện có làng nghề nhưng chưa hấp dẫn. Cần khai thác tiềm năng du lịch ven sông Lam, Dân ca ví, giặm, kế nối các đơn vi lữ hành, các sự kiện văn hóa" - ông Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hiền cũng nêu ý kiến hiện nay các thành phố không cấm xe du dịch 16 chỗ chở du khách vào thành phố và Vinh cũng nên làm vậy để du khách vào được thành phố tham quan thuận lợi...
Diện mạo Thành phố Vinh ngày càng trở nên khang trang. Ảnh: Tư liệu |
Ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp, sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định môi trường đầu tư hiện nay từ tỉnh đến cơ sở đang rất thuận lợi, thành phố Vinh cũng vậy, nhiều cơ hội đang mở ra rất lớn và mong các doanh nghiệp đoàn kết, liên doanh, liên kết để tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị cạnh tranh.
Thành phố Vinh tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đầu tàu, trung tâm vùng, tiếp tục có các giải pháp tốt hơn về quy hoạch, là thành phố đổi mới, sáng tạo, làm sao để Vinh là thành phố khởi nghiệp, phát huy tốt hơn nguồn lực trong thành phố.
Đồng chí Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND thành phố Vinh khi lĩnh hội tất cả các ý kiến đóng góp, coi đó là những “hiến kế” bổ ích bổ sung vào các giải pháp phát triển thành phố trong thời gian tới. Đồng thời cam kết đồng hành tốt hơn, quyết liệt cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
Là thành phố đô thị loại 1, đầu mối kinh tế, chính trị của tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh đang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều cơ hội mới cho các doanh nhân, doanh nghiệp. Những dự án trọng điểm như đường 72m nối Vinh – Hưng Nguyên; Đại lộ Vinh – Cửa Lò; Nâng cấp, mở rộng Sân bay Vinh; các dự án bến xe ngoại thành; Dự án phát triển đô thị Vinh bằng nguồn vốn ODA; Cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông nội thành gắn với chỉnh trang đô thị, quy hoạch thành Vinh đến năm 2030... đã và đang được triển khai sẽ trở thành điểm nhấn mới trong việc phát triển đô thị Vinh.
Đồ họa: Hồng Toại |
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội thành phố vẫn duy trì tốc độ phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,67%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2018, ngành dịch vụ chiếm 66,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,07%; nông – lâm - ngư nghiệp chiếm 1,32%). Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 84,5 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 2.489 tỷ đồng.