Đồng chí Đỗ Văn Chiến cùng đoàn đại biểu dâng hương tưởng niệm Vua Mai
(Baonghean.vn) - Sáng 11/10 (nhằm ngày 16/9 năm Nhân Dần) trong chương trình công tác tại Nghệ An, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ và mộ Vua Mai, thuộc núi Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhân Lễ giỗ của Đức Vua.
Đền thờ Vua Mai tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Cùng dự có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đoàn đại biểu về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Vua Mai. Ảnh: Thành Duy |
Vua Mai hay còn gọi là Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan - vị anh hùng dân tộc có công khởi xướng và lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Năm 713, Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa ở Hoan Châu.
Từ mảnh đất này, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi, đồng thời, có sự liên kết với các nước trong khu vực như Lâm Ấp, Chân Lạp… Nghĩa quân đã chiếm được thành Tống Bình, giải phóng một vùng rộng lớn, lập ra nhà nước Vạn An độc lập trong 10 năm (713 - 722).
Năm 722, trong cuộc chiến bảo vệ kinh đô Vạn An, Vua Mai đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Đụn. Sau khi Vua Mai băng hà, con trai thứ ba là Mai Thúc Huy, tức là Mai Thiếu Đế lên kế vị và tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, sau đó không lâu bị nhà Đường đàn áp.
Lăng mộ Vua Mai thuộc thuộc núi Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Đồng chí Đỗ Văn Chiến dâng hương trước mộ Vua Mai. Ảnh: Thành Duy |
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý dâng hương trước mộ Vua Mai. Ảnh: Thành Duy |
Để tưởng nhớ công lao của Vua Mai, nhân dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ. Các triều đại phong kiến nước ta đều có sắc phong truy tôn mỹ hiệu cho Mai Hắc Đế và liệt vào hàng quốc tế. Trải qua 13 thế kỷ tồn tại, lăng mộ của Vua Mai luôn được nhân dân giữ gìn chu đáo.
Mộ và đền thờ Mai Hắc Đế được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 12/1/1996. Hàng năm tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ trọng là Lễ hội Vua Mai từ ngày 13 - 16/1 âm lịch và Lễ giỗ Vua Mai ngày 16/9 âm lịch.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến dâng hoa tưởng niệm Vua Mai. Ảnh: Thành Duy |
Trước anh linh Vua Mai, đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đoàn đại biểu thành kính dâng lễ, dâng hoa, dâng hương; nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những công lao to lớn của Hoàng đế Mai Thúc Loan.