Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Phan Đình Đồng (1911-2001)

Bùi Ngọc Tam 06/11/2024 12:20

Phan Đình Đồng sinh ngày 10/10/1911, bí danh là Lân, Tấn, quê quán: Làng Lương Giai (nay thuộc xã Nam Tân, Nam Đàn, Nghệ An).

Phan Đình Đồng là con trai đầu của ông Phan Đình Du, một nhà nho làm nghề dạy học (mất năm 1953) và bà Nguyễn Thị Lý, làm ruộng và buôn bán hàng xén (mất năm 1948). Gia đình có truyền thống nhân ái, hay giúp đỡ người đói khổ, đã định cư lâu đời ở làng Lương Giai.

Làng Lương Giai nguyên là một làng vạn chài ở ven sông Lam chuyển lên đất liền, thời xưa ruộng đất có ít, tô tức nhiều, lại thêm sưu cao thuế nặng, phu đài tạp dịch liên miên nên đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Thậm chí, nhiều người không có mảnh vải lành lặn che thân. Hồi còn bé, Phan Đình Đồng thường được chứng kiến cảnh Tây đoan sục sạo vào làng bắt rượu “lậu”. Hễ phát hiện ra nhà nào có rượu là chúng bắt đi tù và còn bị tịch biên tài sản! Trong khi đó rượu Ty, rượu phông-ten của Pháp được tự do mua bán và chúng còn ép các địa phương phải mua loại rượu ấy.

Chân dung đồng chí Phan Đình Đồng (1911-2001)
Chân dung đồng chí Phan Đình Đồng (1911-2001).

Được thấy nhiều cảnh áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến đối với bà con họ hàng, làng xóm, Phan Đình Đồng sớm có ý thức ngầm phản kháng xã hội bất công. Quê anh nằm trong vùng đất Nam Đàn “địa linh nhân kiệt”, một nơi có cảnh quan hùng vĩ mà người xưa đã từng ca ngợi:

Thụ nhập Đụn Sơn bài kiếm bích
Phạm quy Lam Phố động tinh kỳ
Tạm dịch: Cây bày núi Đụn như giáo dựng
Buồm về Lam phố tựa cờ dăng.

(Thơ Hoàng Phan Thái-một chí sỹ ái quốc huyện Nghi Lộc)

Nam Đàn là đất văn vật, có nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng như: Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Giải nguyên Phan Bội Châu, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… Xưa kia, thời Mai Thúc Loan (722-726), thành Vạn An ở Sa Nam đã từng là Quốc đô của nước An Nam, sau khi Mai Hắc Đế cùng nghĩa quân đã đánh đuổi được giặc Đường ra khỏi bờ cõi nước ta.

Thành Vạn An chỉ cách vùng quê Phan Đình Đồng một dải chiều rộng sông Lam. Thời ấy, nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt của nghĩa quân Mai Thúc Loan đánh giặc Đường đã diễn ra hai bờ sông Lam, từ Vạn Rú (Khánh Sơn) đến núi Voi (Nam Tân, quê anh).

Trong phong trào Văn Thân, Nam Đàn và Thanh Chương là địa bàn hoạt động quan trọng của nghĩa quân Trần Tấn- Đặng Như Mai, với khởi nghĩa Giáp Tuất 1874.

Lúc còn là học trò Trường Tiểu học Pháp - Việt Nam Đàn, Phan Đình Đồng đã có ít nhiều hiểu biết về quê hương mình và đã biết tự hào với truyền thống của ông cha. Năm 1925, khi cụ Phan Bội Châu từ Trung Hoa về nước và được ân xá do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân cả nước, Phan Đình Đồng mới 14 tuổi nhưng đã hiểu được uy tín to lớn của cụ đối với dân tộc. Lúc Cụ rẽ về thăm nhà ở Đan Nhiễm, Nam Đàn (trên đường vào Huế), Phan Đình Đồng may mắn được theo cha vào thăm Cụ. Cuộc gặp gỡ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng anh.

Năm 1926-1927, Phan Đình Đồng lại được dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và được đọc nhiều bài điếu văn, trong đó thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân. Chính những bài văn điếu đó cùng những thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, của Đông Kinh Nghĩa Thục và những sách báo tiến bộ khác đã thức tỉnh, nâng cao lòng yêu nước của chàng trai trẻ Phan Đình Đồng. Anh đã cùng các bạn đọc Lê Công Cánh, Nguyễn Xuân lập một nhóm đọc sách báo.

Hai bài thơ được nhóm đọc sách báo ngâm ngợi là Sống và Chết

Sống

Sống dại, sinh chi, đứng chật đời
Sống xem Âu, Mỹ, hổ chăng ơi!
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng được
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống mà nô lệ đừng nên sống
Sống dại, sinh chi, đứng chật đời.

Chết

Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần
Chết bởi Đông Chu hồi thất quốc
Chết vì Tây Hán lúc tam phân
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương, phách quá thần
Chết cụ Tây Hồ, danh chẳng chết
Chết mà vì nước, chết vì dân.

(Theo Hồi ký của Phan Đình Đồng “Trong khám tù vị thành niên” NXB Thanh Niên 1965,tr106,107.)

Vào tuổi 16, lúc đang học trường Pháp - Việt, Nam Đàn Phan Đình Đồng thường bàn bạc với các bạn về ước vọng xuất dương, nhưng chưa tìm được hướng đi và đường dây liên lạc. Ít lâu sau, Lê Công Cánh từ giã Phan Đình Đồng và nhóm đọc báo, theo Phan Huỳnh (Phan Huỳnh là con trai đầu của cụ Phan Bội Châu) vào làm thư ký cho Phan Bội Châu, Cuối năm 1929, Cánh trở về, kể nhiều chuyện lý thú ở cố đô Huế và về “Ông già Bến Ngự”.

Bức hình Phan Bội Châu bên Bến Ngự (Huế). Ảnh: Tư liệu
Bức hình Phan Bội Châu bên Bến Ngự (Huế). Ảnh: Tư liệu

Mùa hè đến, kỳ thi Pơrime cũng sắp tới, cha mẹ Phan Đình Đồng cũng mong đợi có ngày con trai thi đậu và ra làm một viên chức nhà nước, cuộc sống cả gia đình sẽ khấm khá hơn. Nhưng do hoài bão của tuổi trẻ thúc đầy, Phan Đình Đồng đã bỏ học, bỏ thi, trốn gia đình lên tàu vào Huế, tìm đến Phan Bội Châu và xin làm thư ký cho Cụ. Ban đầu được tiếp hàng ngày với một vĩ nhân thời đại. Phan Đình Đồng rất sung sướng và hãnh diện. Nhưng rồi cuộc sống lại xoay sang hướng khác. Phan Đình Đồng kể lại: “Đầu năm 1930 , khi tôi đang ở Huế thì được tin ở quê nhà, phong trào cách mạng đang nổi dậy. Truyền đơn, cờ đỏ xuất hiện nhiều nơi. Trong khí đó, tôi vẫn ngày ngày ở dưới thuyền với cụ Phan, học thêm chữ Hán. Một hôm, tôi vừa bước xuống con thuyền cắm trên bến Ngự thì cụ Phan nét mặt vui vẻ, bảo tôi lấy giấy bút ghi lại bài thơ cụ vừa nghĩ xong, với đầu đề là “Thuyền đêm tức cảnh”:

Một lá thuyền lơ lửng
Năm canh nguyệt ủ ê
Gà gáy mơ hồ sáng
Quyên kêu sắp sửa hè
Mưa lùa xe ngựa chạy
Gió thổi nón tơi về
Ông này quá vô sự
Ba chén ngáy khè khè.

Chép xong tôi ngồi đọc lại. Trong lúc ngâm nga, đột nhiên tôi thấy buồn và suy nghĩ. Bài thơ có ý trách người như tôi còn thờ ơ, chưa quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Tôi bắt đầu thấy chán nản cuộc sống trầm lặng, ngày ngày quanh quẩn dưới thuyền, ngâm mấy câu: “…Ai ngô bào, túy mộng trung…”. Tôi mong mỏi được đến với cách mạng, được hoạt động. Giữa lúc đó tôi nhận được thư của anh Cánh. Anh cho biết gia đình tôi đang rất lo lắng về tôi nên trở về. Tôi thu xếp công việc, từ biệt cụ Phan về Nghệ An…”

Khi Phan Đình Đồng từ Huế về (4/1930), phong trào đấu tranh của công nông trong tỉnh và trong huyện Nam Đàn đang phát triển rất mạnh. Anh đã cùng bạn Lê Công Cánh tới thăm Đặng Chánh Kỷ, một nhà giáo tiến bộ. Đặng Chánh Kỷ khuyên anh nên tìm cách liên lạc với cách mạng, không nên trở vào Huế làm thư ký cho cụ Phan nữa. Được Nguyễn Sỹ Diệu cho đọc tờ báo Lao Khổ lưu hành bí mật, Phan Đình Đồng hiểu thêm được nhiều điều hệ trọng mà lâu nay anh chưa được biết. Anh liên hệ với Nguyễn Đình Diên, Vương Thúc Xuân và được các anh đó tuyên truyền giác ngộ, giao cho việc rải truyền đơn để chuẩn bị Quốc tế lao động 1/5/1930. Việc rải truyền đơn lúc bấy giờ rất nguy hiểm, nhưng Phan Đình Đồng đã không quản ngại đêm tối, trời mưa, mạo hiểm dán cả truyền đơn lên cánh cổng huyện đường Nam Đàn. Sáng hôm sau trở lại những nơi đã dán, thấy truyền đơn vẫn còn đó và có nhiều người tò mò xúm lại đọc, phấn khởi quá, anh đọc to cho mọi người nghe.

Sau đó anh được Đoàn thể giao cho làm công tác ấn loát (in ấn tài liệu). Công việc đó thường phải làm trong buồng kín, gặp hôm trời nóng nực, oi bức rất khó chịu. Có khi phải vây lá cót, đậy cái nống lên trên và thắp ngọn nến để ấn loát. Dụng cụ in ấn rất thô sơ: Bàn in là một mâm thạch nấu lên, để nguội, bản mẫu viết bằng mực tím pha đặc, chữ viết ngược lại, viết xong áp lên mặt thạch. Mỗi bản mẫu có thể in được bốn mươi đến năm mươi tờ. Với phương tiện thủ công như vậy, mà những tài liệu tuyên truyền của Đảng (có khi cả một tập sách như “Nhật ký chìm tàu” của XYZ- Nguyễn Ái Quốc) đã được các chị giao liên bí mật chuyển tới các chi bộ cơ sở.

Làm công tác ấn loát một thời gian, Phan Đình Đồng lại được Đoàn thể cử về làm công tác tuyên truyền ngay trong làng quê anh. Trước hết anh tuyên truyền trong nhóm đọc sách báo, rồi như vết dầu loang, mở rộng dần ra các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, giáo viên, học sinh…

Ngày 1/8/1930, Phan Đình Đồng được kết nạp vào Đảng cộng Sản Việt Nam (cùng 4 đồng chí khác). Sau đó Phan Đình Đồng được cử làm Bí thư chi bộ Thanh Đàm (Nam Tân). Vào thời điểm tháng 8/1930, cao trào cách mạng ở cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dâng lên rất mạnh, nhất là hai Huyện Thanh Chương và Nam Đàn. Phan Đình Đồng cùng chi bộ phải làm việc ngày đêm, vừa tổ chức lực lượng tự vệ, xây dựng đoàn thể, vừa lo đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch. Những ngày cuối tháng 8, công việc càng dồn dập để chuẩn bị cho cuộc biểu tình quy mô lớn của toàn huyện.

Tranh vẽ nhân dân Nam Đàn vây phá Huyện đường ngày 30/8/1930. Tranh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Tranh vẽ nhân dân Nam Đàn vây phá Huyện đường ngày 30/8/1930. Tranh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Sáng ngày 30/8/1930 Phan Đình Đồng đã hòa mình vào biển người của cả 4 tổng trong huyện với khoảng 3000 nông dân kéo về thị trấn Sa Nam. Đoàn biểu tình dàn hàng ngang, có tự vệ đi kèm với vũ khí thô sơ là gậy gộc, giáo mác. Tên tri huyện định phóng xe đạp về tỉnh báo nhưng bị tự vệ đỏ chắn lại. Trong khi đó quần chúng ồ ạt tràn vào huyện đường, đốt hồ sơ lưu trữ, phá nhà giam giải thoát tù nhân, đập phá đại lý rượu ty của Pháp. Đại biểu của đoàn biểu tình đưa yêu sách của dân cho Lê Khắc Tưởng, buộc y phải chấp nhận và ký vào bản yêu sách của quần chúng, trong đó có lời hứa: “Nam Đàn tri huyện huyện quan, tự tư dĩ hậu, bất đắc nhũng nhiễu nhân dân” (tri huyện Nam Đàn từ nay về sau không nhũng nhiễu nhân dân nữa).

Sau hai cuộc biểu tình lịch sử ngày 30/8 và ngày 1/9/1930, Nam Đàn cùng với Thanh Chương hình thành các Xã Bộ nông (chính quyền Xô Viết thôn xã) và sau đó, chính quyền Xô Viết được thiết lập ở các thôn xã trong các huyện khác ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Được rèn luyện trong thực tế đấu tranh sôi nổi ở quê hương mình, từ một thanh niên yêu nước, Phan Đình Đồng trở thành Đảng viên cộng sản, Bí thư chi bộ và đến 9/1930 trở thành Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (Theo Sơ thảo lịch sử Đảng bộ Nam Đàn” tập 1 NXB Nghệ Tĩnh 1990,tr58).

Cuối tháng 9/1930 Phan Đình Đồng được cấp trên điều động bổ sung vào Ban tuyên truyền cổ động (Tuyên huấn) của Tỉnh ủy. Đến tháng 10/1930, trong cuộc Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An tại làng Đồng Xuân (tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, nay thuộc xã Xuân Trường huyện Thanh Chương), Phan Đình Đồng đã được bầu là 1 trong 7 ủy viên Tỉnh ủy khóa thứ nhất. Đồng chí được phân công phụ trách công tác xây dựng Đảng và phong trào quần chúng ở Yên Thành, Diễn Châu.

Lúc bấy giờ (đầu năm 1931), thực dân Pháp và Nam triều đã tiến hành khủng bố trắng gắt gao, nhưng tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng vẫn phát triển. Là một tỉnh ủy viên trẻ tuổi, có học thức, công tác hăng hái, nhiệt tình, đạo đức tốt, Phan Đình Đồng được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Thanh niên Cộng sản đoàn tỉnh Nghệ An. Đó là vinh dự rất lớn lao và trách nhiệm rất nặng nề trong thời điểm địch đang khủng bố dữ dội.

Sau khi Ban cán sự Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản, đội ngũ trẻ tuổi trong tỉnh đã hăng hái gia nhập Đoàn, đông nhất là Nam Đàn, nơi Bí thư Tỉnh đoàn Phan Đình Đồng trực tiếp chỉ đạo phong trào. Theo thống kê mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ghi trong “Thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương” ngày 20/4/1931 thì số đoàn viên TNCS Đoàn ở Nam Đàn đạt kỷ lục với 641 đoàn viên, rồi đến Thanh Chương 78 đoàn viên. Anh Sơn 35 đoàn viên (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 NXB Chính trị Quốc gia 1995).

Việc kết nạp đoàn viên lúc đó được tiến hành rất thận trọng, chặt chẽ. Những thanh niên chưa ở trong Đảng hoặc chưa tham gia tổ chức cách mạng nào càng được thử thách nhiều trước khi kết nạp. Lễ kết nạp cũng phải bí mật, chi bộ chia làm nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ có 5,6 đoàn viên. Đoàn viên ở tổ nào chỉ biết rõ những đồng chí cùng tổ với nhau, ít khi biết những đoàn viên trong tổ khác.

Đoàn thanh niên còn có trách nhiệm tổ chức vận động thiếu nhi vào đoàn thể Đồng tử quân. Chính Phan Đình Đồng, Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Nghệ An đã kể lại: “…Mươi em nhỏ tuổi không quá 15, chiều chiều xếp thành hàng ngũ, vai vác roi mây đi tuần hành quanh làng, hát những bài ca cách mạng. Những cuộc tuần hành ấy làm cho khí thế cách mạng ngày càng sôi sục. Các em còn giúp người lớn cả những việc canh gác và giữ gìn an ninh trật tự. Có lính đi ngoài đường thì lập tức cả làng đều biết. Cán bộ có đủ thì giờ cất giấu tài liệu và lẩn tránh, còn nhân dân thì cũng kịp chuẩn bị đối phó. Nhờ vậy mà nhiều cán bộ thoát khỏi bàn tay giặc và vẫn giữ được phong trào. Công lao đó thuộc về các em Đồng tử quân. Bọn kỳ hào chẳng ưa gì những người “Tiểu cộng sản” đó. Trong những cuộc khủng bố sau này, nhiều em Đồng tử quân đã bị bắt, bị đánh đập. Tổ chức “Thiếu niên Tiền Phong” và “Nhi đồng cứu vong” sau này đã tiếp tục truyền thống yêu nước của Đồng tử quân hồi đó. Trong trang sử vẻ vang của Đoàn không thể không nhắc đến tổ chức cách mạng của các em trong thời kỳ này…”( Hồi ký của Phan Đình Đồng, Sđd, tr 120)

Thời điểm mà Phan Đình Đồng giữ chức Bí thư đoàn Thanh niên Cộng sản Nghệ An, thực dân Pháp và bọn tay sai khủng bố trắng rất dã man tàn bạo. Có những hố chôn người tập thể (như ở Ngũ Phúc, Võ Liệt, Thanh Chương). Các chiến sỹ cộng sản từ Xứ ủy đến các chi bộ bị bắt bớ, bị tù hàng ngàn người. Tháng 6/1931, lúc còn công tác ở vùng Nhạn Tháp (thuộc xã Hồng Long hiện nay) Phan Đình Đồng bị sa lưới địch. Mấy tên lính trói tay phạm nhân rồi giải về đồn Xuân La. Bọn chúng đang truy tìm dấu vết của một vụ ám sát 2 tên: Chánh tổng Thiệp và lý trưởng Đông ở làng Lương Giai, Nam Đàn. Vì vậy, chúng tra tấn đồng chí rất tàn ác. Chúng trói giật cánh khuỷnh tay, buộc dây treo lên xà nhà, thỉnh thoảng lại hạ xuống nện một trận nhừ tử và hỏi: “Súng và bàn in mày để ở đâu?”. Phan Đình Đồng một mực không khai và giấu tên thật, tự xưng tên mình là An. Tên đội liền sai lính đào một cái hố, rồi kéo phạm nhân ra miệng hố, dí súng lục vào người dọa bắn, nếu không khai. Đồng chí vẫn kiên gan, không khai một điều gì. Bọn lính lại lôi đồng chí về trói vào một cây tre chôn vào giữa sân đồn.

Ba ngày trôi qua, tuy có dáng vóc nhỏ bé nhưng Phan Đình Đồng vẫn còn tỉnh táo sau những trận tra tấn không gớm tay của bọn ác ôn. Ngày thứ tư, tên tri huyện Nam Đàn tới đồn và phát hiện ra tên thật của phạm nhân là Đồng chứ không phải là An. Thế là chúng giải đồng chí về Sở mật thám Vinh. Tại đây, chúng còn độc ác hơn, khi đã đánh đập chán tay lại còn bắt nhịn đói đến 9 ngày. May sao có một số anh em công nhân bị tù, mỗi bữa bớt một phần cơm, bí mật đem đến cho Phan Đình Đồng ăn cầm hơi. Đến ngày thứ 10, chúng mới cho ăn một bữa cơm tù, vì sợ phạm nhân chết đói. Cuối cùng chúng nhốt đồng chí vào nhà lao Vinh. Được anh em trong tù cử làm xếp lao, đồng chí đã lo tổ chức cuộc sống trong tù, phân công người quét dọn, sắp xếp gọn ghẽ nơi ăn chốn ở, săn sóc bạn tù đau ốm… Có những cuộc “làm reo” đấu tranh trong tù, bị tên đề lao khủng bố, anh em trong tù đã vây kín Phan Đình Đồng, đỡ đòn cho đồng chí. Có lần, tên mật thám Ôtavi quật cả chùm chìa khóa to đùng vào mặt đồng chí làm cho máu chảy ròng ròng, chảy cả vào miệng…

Giam ở tỉnh một thời gian, chúng lại giải phạm nhân về huyện Nam Đàn để thẩm vấn về một vụ ám sát. Hồi đó, trong bước thoái trào cách mạng, hiện tượng manh động tự phát xảy ra nhiều, đặc biệt là hiện tượng ám sát thủ tiêu những tên hào lý, quan lại, tây đồn, tây đoan… Những vụ manh động đó rất bất lợi, vì nó tạo cớ cho địch tăng cường khủng bố khiếp hơn.

Một điều rất đau lòng đối với Phan Đình Đồng là khi về nhà lao huyện, đồng chí phải chứng kiến cái chết rất thương tâm của người bạn thân thiết là Lê Công Cánh. Cánh chỉ còn xương bọc da nhưng vẫn phải bổ củi. Mệt quá anh đang ngồi thở thì tên mật thám phang một thanh củi to vào người anh. Chiều hôm đó, anh tắt thở.

Cuối năm 1931, Tòa án Nam triều Nghệ An kết án Phan Đình Đồng 9 năm tù giam. Năm ấy, đồng chí mới 20 tuổi. Một nỗi buồn tràn ngập tâm hồn, vì biết rằng tuổi thanh xuân sẽ trôi trong nhà tù gớm ghiếc …

Nhưng những tin tức bên ngoài lọt vào, cho biết nhiều nơi trong tỉnh vẫn có cờ đỏ, truyền đơn xuất hiện, làm cho đồng chí như bừng tỉnh. Đồng chí tự nhủ: “ Thế là Đảng vẫn còn. Chín năm nữa, mình vẫn chưa đến 30 tuổi. Đời vẫn còn dài lắm, còn có thể làm được nhiều việc” (Hồi ký của Phan Đình Đồng, Sđd,tr124).

Đêm 31/12/1931, Phan Đình Đồng bị đưa đi phát vãng ở nhà ngục Kon Tum. Chuyến đi ấy, riêng Nghệ An có 20 tù chính trị trong đó có Hồ Tùng Mậu. Có nhiều cậu còn rất trẻ, mới 17,18 tuổi.

Đến nhà ngục Kon Tum hôm trước, hôm sau, anh em tù mới đã bị lùa đi làm đường. Phan Đình Đồng cùng anh em tù mới đã tranh thủ thông báo tình hình phong trào bên ngoài cho số tù cũ lâu nay bị mù tịt tin tức. Tại nhà lao này, Phan Đình Đồng đã tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc trong tù. Tuy các cuộc đấu tranh có đạt được thắng lợi bước đầu, nhưng công việc lao động khổ sai vẫn hết sức cực nhọc, nặng nề.

Nhà ngục Kon Tum. Ảnh trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.
Nhà ngục Kon Tum. Ảnh trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

Mặc dù cảnh sống trong tù rất khổ sở, Phan Đình Đồng vẫn giữ vững tinh thần, ý chí của chiến sĩ cộng sản. Đồng chí đã tích cực giúp đỡ nhiều bạn tù học chữ quốc ngữ, tham gia nhóm làm thơ, và là một trong những thành viên lãnh đạo đấu tranh trong tù.

Sang đầu năm 1933, Phan Đình Đồng bị chuyển sang nhà đày Buôn Ma Thuột cùng với Hồ Tùng Mậu và các đồng chí khác. Tại đây, Phan Đình Đồng tham gia Ban huấn luyện của chi bộ nhà lao cùng với Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh… Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng nổi tiếng là “địa ngục trần gian” với chế độ giam cầm, hành hạ kiểu thời Trung cổ. Nhưng các chiến sỹ cộng sản vẫn tổ chức cuộc sống tinh thần rất phong phú. Trong tù vẫn có lớp học tiếng Pháp do Phan Đăng Lưu vừa học thêm vừa dạy lại, có lớp học chữ Hán do Hồ Tùng Mậu hướng dẫn. Đặc biệt còn có những buổi biểu diễn văn nghệ rất lý thú. Tham gia vào những sinh hoạt lành mạnh, bổ ích đó, Phan Đình Đồng như thấy mình được tăng thêm nghị lực để vượt qua những thử thách ghê gớm trong tù.

Đầu năm 1936, Phan Đình Đồng được Phan Đăng Lưu vận động để giới thiệu với tên xếp lao cho vào làm việc ở bàn giấy. Đó là lúc đồng chí Phan Đăng Lưu sắp được trả tự do. Vì lâu nay đồng chí làm việc ở bàn giấy nên định giao lại chìa khóa bí mật cho Phan Đình Đồng nắm được những chuyện kín của bọn cai quản nhà ngục. Nhưng, khi Phan Đăng Lưu gặp nhà ngục để giới thiệu, tên xếp lao lại không dùng Phan Đình Đồng vào làm việc ở bàn giấy mà chuyển sang ở nhà thương…

Đến tháng 6/1936, Phan Đình Đồng được ra tù trong dịp Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền.

Năm 1940, Phan Đình Đồng có bắt được liên lạc với vài đồng chí (như Nguyễn Thị Mậu và đồng chí Chín), nhưng sau đó họ lại bị địch bắt. Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, Phan Đình Đồng liên lạc được với Nguyễn Duy Lợi, Trần Văn Cung, Nguyễn Xuân Linh. Lịch sử Đảng bộ Nam Đàn đã ghi: “Ngày 15/5/1945, các đồng chí Nguyễn Xuân Linh ở Xuân La (Xuân Lâm), Phan Đình Đồng ở Thanh Đàm (Nam Đàn), là những đảng viên đã từng giữ chức vụ quan trọng trong cao trào cách mạng 1930-1931 đã liên kết với các chính trị phạm của hai tỉnh đang cư trú ở Vinh, lập ra Ban vận động Việt minh liên Tỉnh Nghệ-Tĩnh nhằm tập hợp lực lượng thống nhất hành động, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Nhận nhiệm vụ của Ban vận động Việt Minh liên tỉnh, đồng chí Phan Đình Đồng trở về Nam Đàn xây dựng cơ sở Việt Minh ở huyện (Lịch sử Đảng bộ ĐCSVN huyện Nam Đàn…NXB Nghệ Tĩnh 1990).

Chỉ trong một thời gian ngắn, Phan Đình Đồng đã tập hợp các đảng viên lão thành, cựu chính trị phạm để tuyên truyền ảnh hưởng của Việt Minh và xây dựng cơ sở ở thôn xã. Khoảng tháng 6/1945, cơ sở Việt Minh đều được hình thành ở hầu khắp các vùng trong huyện.

Sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện (13/8/1945), khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh, Phan Đình Đồng đã chỉ đạo Việt Minh huyện tổ chức hội nghị cán bộ toàn huyện tại đình Lương Giai (Nam Tân), cử ra Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban cách mạng lâm thời. Ngày 16/8/1945 (Lịch sử Đảng bộ ĐCSVN huyện Nam Đàn…NXB Nghệ Tĩnh 1990). Việt Minh xã Thanh Thủy lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thắng lợi. Đây là xã khởi nghĩa thành công sớm nhất trong tỉnh. Thành tích đó có phần đóng góp to lớn Phan Đình Đồng.

Sáng 23/8/1945, hàng chục ngàn quần chúng biểu tình, trống dong cờ mở kéo vào huyện lỵ tại thị trấn Sa Nam giành chính quyền thắng lợi. Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện được thành lập do ông Vương Tử Huề làm Chủ tịch. Hơn một tháng sau, ông Huề từ chức, Phan Đình Đồng được làm Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời được cử ra trong ngày khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đình Đồng, Chủ nhiệm Việt Minh huyện được cử giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Nam Đàn.

Trong thời điểm đó, chính quyền non trẻ của ta đang phải đối phó với nhiều thử thách như giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Cuối tháng 9/1945, một vạn quân Tưởng do Sư trưởng Khâu Bỉnh Thường chỉ huy đã từ Hà Nội kéo vào Nghệ An (để giải giáp quân Nhật theo lệnh của phe Đồng minh). Một đơn vị quân Tưởng đã lên đóng tại Nam Đàn. Chủ tịch Phan Đình Đồng đã kịp thời bố trí việc tuyên truyền giải thích trong quần chúng, nắm sát những hoạt động của quân Tưởng. Do đó, ở địa phương Nam Đàn đã không để xảy ra vụ việc gì đáng tiếc.

Từ tháng 8/1946 đến hết năm 1949, Phan Đình Đồng là Ủy viên Huyện ủy Nam Đàn, Trưởng phòng Thông tin huyện. Từ năm 1950 đến 1952, đồng chí được tỉnh điều động lên công tác ở Phòng Thông tin Thanh Chương và Phòng Thông tin Anh Sơn, với cương vị là cán bộ thông tin của Tỉnh.

Vốn là cán bộ ấn loát của Đảng từ năm 1930, khi làm công tác thông tin trong kháng chiến chống Pháp. Phan Đình Đồng đã có sáng kiến chế tạo ra mực in li-tô và tổ chức in li-tô trong điều kiện thiếu phương tiện in ấn. Đồng chí được tờ Tin tức đầu tiên trong tỉnh, giúp Ty tuyên truyền và các phòng tuyên truyền tổ chức li-tô.

Nhờ những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1950-1952, đồng chí đã được Tỉnh tuyên dương và cấp giấy Ghi công trong Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt tỉnh Nghệ An (1951); được cơ quan Ty tuyên truyền Nghệ An tuyên dương và bầu là Chiến sỹ thi đua. Năm 1953, đồng chí được cấp trên điều động đi công tác “phát động quần chúng đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức” ở xã Hợp Châu (Nghi Lộc). Năm 1954, đồng chí công tác trong Đoàn dân công Nghệ An phục vụ Chiến cục đông xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, tham gia hướng dẫn lớp đào tạo cán bộ giao thông do Liên khu IV tổ chức.

Sau ngày hòa bình lập lại (7/1954), Phan Đình Đồng lại làm công tác tuyên truyền của tỉnh, trong Ban cán sự Tỵ tuyên truyền và đã tích cực tham gia công tác chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào Thiên chúa giáo di cư vào Nam.

Từ 1956 đến 1959, đồng chí vẫn làm công tác Tuyên huấn ở tỉnh. Sau khi được bồi dưỡng văn hóa ở Trường phổ thông lao động Nghệ An, đồng chí được cử làm Phó ban Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (1961) cho đến lúc nghỉ hưu (1965). Thời gian công tác ở Tỉnh ủy, đồng chí đã có thành tích đáng kể trong quá trình hình thành Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (thành lập 1963) và đóng góp đáng kể trong công tác sưu tầm, dịch thuật (từ tiếng Pháp) nhiều tài liệu quan trọng.

Về địa phương, đồng chí đã phát huy bản chất người chiến sĩ lão thành cách mạng, tham gia nhiều công tác xã hội, sinh hoạt Đảng đều đặn, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Là một người tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 19 tuổi, đã từng là ủy viên Tỉnh ủy khóa đầu tiên, đã từng giữ chức vụ cao như Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng đầu tiên của huyện Nam Đàn, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, Phan Đình Đồng luôn luôn có thái độ khiêm tốn, hòa nhã, tôn trọng mọi người, từ già đến trẻ, có cuộc sống thanh đạm, giản dị, cần kiệm và mẫu mực trong mọi hoạt động xã hội. Đồng chí là tấm gương cộng sản sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập.

Đồng chí Phan Đình Đồng đã từ trần ngày 25/4/2001, hưởng thọ 90 tuổi. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/phan-dinh-dong-1911-2001
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/phan-dinh-dong-1911-2001
Đồng chí Phan Đình Đồng (1911-2001)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh