Đồng hành giúp người dân nâng cao thu nhập

28/07/2017 16:37

(Baonghean) - Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, để duy trì và nâng cao các tiêu chí, các cấp, ngành của thị xã Thái Hòa đã vào cuộc mạnh mẽ, cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi để người dân phát triển kinh tế, đã hỗ trợ được 13 hộ chăn nuôi bò sữa, 11 hộ trồng cam, hơn 40 hộ trồng bưởi hồng.

Bước sang năm thứ 3 về đích nông thôn mới, một trong những nội dung, định hướng chính của thị xã Thái Hòa là dồn sức phát triển kinh tế, qua đó tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Ông Ngô Xuân Đồng - Phó trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Thái Hòa cho biết: “Xác định mục tiêu hướng tới là nâng cao thu nhập cho người dân, Thái Hòa đã có nhiều chính sách mới ra đời dựa trên việc xác định thế mạnh của từng địa phương để áp dụng đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Đơn cử, chúng tôi có thuận lợi là mô hình liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm từ con bò sữa, nên đã triển khai chính sách hỗ trợ 1 năm lãi suất trung hạn cho các hộ gia đình vay vốn ngân hàng phát triển chăn nuôi bò sữa, tương đương hỗ trợ số tiền 6 triệu đồng/1 con bò sữa. Cách làm này bước đầu đang phát huy tính hiệu quả tại các xã triển khai, nhiều hộ đang có nguyện vọng vay thêm vốn để mở rộng quy mô”.

Mô hình trồng cam ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa). Ảnh: Phú Bình
Mô hình trồng cam ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa). Ảnh: Phú Bình

Tiêu biểu trong số những hộ chăn nuôi như vậy có gia đình ông Dương Hoàng Đức ở xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu. Khi mới nắm bắt chủ trương hỗ trợ của UBND thị xã, ông cùng gia đình muốn đăng ký triển khai mô hình nhưng còn do dự vì thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi. Như “đọc vị” được nỗi lo lắng, trăn trở ấy của ông, thị xã đã chỉ đạo trích kinh phí mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa cho những nông dân có nhu cầu.

Học xong, lại được hỗ trợ phần lãi suất vốn vay năm đầu, ông Đức cùng một số gia đình khác trong xóm cùng đứng ra vay vốn ngân hàng, mua bò giống từ doanh nghiệp Vinamilk. Quá trình triển khai mô hình, nhờ sự liên kết, kết nối chặt chẽ giữa chính quyền thị xã với phía doanh nghiệp, nên nếu người chăn nuôi gặp khó về kỹ thuật thì sẽ được doanh nghiệp cử cán bộ xuống tận nơi giúp đỡ.

Chia sẻ về hiệu quả của cách làm này, ông Đức cho biết: “Chuyển biến rõ nét nhất thể hiện ở con số thu nhập ròng của người nông dân như chúng tôi, nuôi 5 - 6 con bò thì sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 5 triệu đồng/tuần là không hề nhỏ so với mặt bằng chung hiện nay tại các địa phương. Gia đình tôi đang có ý định vay thêm vốn, tận dụng triệt để chính sách hỗ trợ thanh toán lãi suất vay trung hạn năm đầu của thị xã, để nhân quy mô hiện nay lên nhiều lần hơn nữa, kéo theo đó là cải thiện nguồn thu nhập”.

Thị xã Thái Hòa cũng đã đặc biệt lưu tâm đến phát triển lĩnh vực trồng trọt, nhất là các loại cây ăn quả, cây có múi. Như nhằm duy trì và mở rộng thương hiệu bưởi hồng Quang Tiến - đặc sản nức tiếng của địa phương, các phường, xã có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho giống cây này sinh trưởng và phát triển như xã Nghĩa Tiến, phường Quang Tiến, Long Sơn,… sẽ được đưa vào diện thị xã hỗ trợ 100% chi phí cây giống, tương đương hỗ trợ 10-15 triệu đồng/ha, tùy thuộc vào kích cỡ của cây giống ban đầu.

Nuôi bò sữa cho thu nhập cao tại xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa). Ảnh: Phú Bình
Nuôi bò sữa cho thu nhập cao tại xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa). Ảnh: Phú Bình

Chính sách trên nhận được sự hoan nghênh của nhân dân, bởi vừa giúp bà con giảm chi phí ban đầu bỏ ra để làm kinh tế nông nghiệp, vừa nâng tầm ý nghĩa, góp sức giữ cho thương hiệu bưởi nổi danh không bị mai một dần theo năm tháng. Hay như với cây cam, phổ biến tại các phường Quang Phong, xã Nghĩa Hòa, Đông Hiếu,…các hộ dân một khi hoàn tất trồng 1 ha cam đảm bảo quy trình kỹ thuật, được Ban chỉ đạo Xây dựng phát triển mô hình kinh tế và nông nghiệp thị xã nghiệm thu đạt thì sẽ được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha.

Thuộc diện thụ hưởng gói chính sách này, bà Đặng Thị Ngọc Hoài - chủ trang trại cây ăn quả có quy mô 10 ha tại xã Nghĩa Hòa cho biết: “Người nông dân được lợi rất nhiều từ sự hỗ trợ, sâu sát của thị xã, không chỉ riêng về mặt vật chất như chi phí giống, phân bón,... mà còn kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam. Gần đây, nỗ lực bắt kịp xu thế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trang trại của gia đình đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cam, được thị xã cho cơ chế hỗ trợ 62,5 triệu đồng/ha...”.

Nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người nông dân, UBND thị xã Thái Hòa đã hợp đồng với doanh nghiệp Vinamilk, quy hoạch diện tích đất 150 ha tại các xã Nghĩa Hòa, Đông Hiếu và phường Long Sơn để trồng cây ngô, phục vụ làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho trại bò sữa. Cùng đó, để tập hợp, phát huy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, lãnh đạo thị xã chú trọng việc vận động, tập trung các mô hình kinh tế để thành lập, tham gia hợp tác xã, từ đó chung sức xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của thị xã và nguồn tự lực của cơ sở.

Những chính sách, cơ chế hỗ trợ đã và đang phát huy tính hiệu quả cao, một phần không nhỏ là bởi chúng được thai nghén ý tưởng gắn với việc phân tích thế mạnh và khó khăn của từng địa phương, từng lĩnh vực kinh tế. Đó thực sự là cách tiếp cận mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nên học tập kinh nghiệm từ thị xã Thái Hòa./.

Phú Bình

TIN LIÊN QUAN

Đồng hành giúp người dân nâng cao thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO