Gần 400 hộ dân ven lòng hồ thủy điện Khe Bố mòn mỏi chờ bìa đỏ
Chỉ vì vướng mắc về kinh phí để chỉnh lý hồ sơ mà gần 400 hộ dân sống ven lòng hồ Thủy điện Khe Bố chờ đợi suốt nhiều năm nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vướng mắc vì kinh phí đo đạc
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống ven lòng hồ Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương), thường xuyên kiến nghị sớm được chỉnh lý lại hồ sơ quản lý đất để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng. Đây là những hộ có một phần diện tích đất bị ngập sau khi thủy điện này tích nước từ năm 2013.
“Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng có ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa được tiến hành xong”, bà Lô Thị Trà My - Chủ tịch UBND xã Xá Lượng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Thủy điện Khe Bố tích nước, ngoài những hộ phải di dời đến khu tái định cư do ngập toàn bộ, còn có 398 thửa đất của 398 hộ dân bị ảnh hưởng một phần diện tích, không phải di dời. Trong số này, xã Xá Lượng có 130 hộ, thị trấn Thạch Giám có 183 hộ, xã Tam Thái có 63 hộ và xã Yên Thắng có 22 hộ.
Sau nhiều kiến nghị của người dân, tháng 11/2020, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với một công ty tư vấn để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hồ sơ đơn vị tư vấn này thực hiện không được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt do quá trình tích nước, đường viền lòng hồ có sự thay đổi cần phải điều chỉnh. Vì vậy, công tác triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân mà đơn vị tư vấn thực hiện không đáp ứng được.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, để giải quyết vấn đề này, ngày 08/5/2024, chủ đầu tư đã có cuộc làm việc với UBND huyện Tương Dương, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện. Theo đó, chủ đầu tư đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện giúp đỡ thực hiện thí điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng. Đến nay, việc thí điểm đã hoàn thành. Đối với các hộ dân còn lại, chủ đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An đề nghị giúp đỡ lập phương án để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, theo quy định của UBND tỉnh thì chi phí hỗ trợ điều chỉnh hồ sơ quản lý đất đai không quá 300.000 đồng/hộ theo phương thức chủ đầu tư thanh toán cho cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Chủ đầu tư cũng đã thống nhất sẽ thực hiện toàn bộ công tác điều chỉnh hồ sơ quản lý đất đai cho các hộ dân và đã phê duyệt khoản tiền 882 triệu đồng.
Nhưng theo phương án Văn phòng Đăng ký đất đai lập, để hoàn thành cấp bìa đỏ cho các hộ dân thì giá trị thực hiện dự kiến là 1,2 tỷ đồng (tương đương với khoảng 2,4 triệu đồng/hộ) vượt rất nhiều so với quy định mà UBND tỉnh đưa ra. “Vì vậy, việc quyết định thực hiện hay không thực hiện vượt ngoài thẩm quyền của chủ đầu tư cũng như UBND huyện Tương Dương”, ông Hiến nói.
Tiếp tục kiến nghị bồi thường đất trên cốt ngập
Cũng liên quan đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản phản hồi về việc giải quyết vướng mắc bồi thường, hỗ trợ đất trên cốt ngập đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng ý bồi thường về đất đai nằm ngoài dự án (đất trên cốt ngập).
Trước đó, sau khi huyện Tương Dương có văn bản đề xuất, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần có văn bản đề nghị các bộ, ngành cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập.
“Mặc dù đất trên cốt ngập nằm ngoài dự án nhưng những hộ dân có đất lại phải di dời tái định cư theo chủ trương của dự án. Họ không thể ở lại cũng như quay lại để sản xuất trên phần đất này được. Vì vậy, phải thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường hoặc có chính sách nào đó để hỗ trợ người dân”, ông Nguyễn Phùng Hùng nói và cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến để xử lý đối với hạng mục đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp trên cốt ngập, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, đồng thời làm cơ sở để thực hiện công tác bù trừ chênh lệch nơi đi, nơi đến như các hộ thuộc diện dưới cốt ngập.
Sớm bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến
Gần 20 năm trước, để lấy đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, 4 xã của huyện Tương Dương đã bị xóa sổ, 2.910 hộ dân bản địa thuộc diện phải di dời. Trong đó, hầu hết được chính quyền bố trí đất, lập 2 xã mới ở huyện Thanh Chương là Ngọc Lâm và Thanh Sơn để chuyển các hộ dân về đây. Theo tìm hiểu của phóng viên, có 236 hộ sau đó có nguyện vọng được di dân tự do, nên đã được thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai. Còn hơn 2.000 hộ chuyển về khu tái định cư ở Ngọc Lâm và Thanh Sơn đến nay vẫn chưa được thực hiện công tác bồi thường giá trị chênh lệch về đất nơi đi và nơi đến.
Năm 2018, UBND huyện Tương Dương đã tiến hành hoàn thiện công tác rà soát số liệu về đất nơi đi tại khu vực lòng hồ (bao gồm cả đất trên cốt ngập và đất dưới cốt ngập) công khai xin ý kiến nhân dân tại khu tái định cư huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, sau đó vẫn chưa có phương án bồi thường, do tại các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương khi đó chưa có số liệu về đất đai nơi đến vì chưa hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân, nên chưa có số liệu tính bù trừ chênh lệch giá trị về đất nơi đi, nơi đến.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư thủy điện và UBND huyện Thanh Chương vì chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai tại các khu tái định cư để thực hiện bù trừ chênh lệch giá trị về đất nơi đi, nơi đến theo quy định của pháp luật.
Còn theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương, thì do chưa hoàn thành công tác rà soát, cân đối lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, mà trước đây đã chia cho các hộ và do sau khi rà soát có diện tích đất các hộ thực tế đang sử dụng sai, khác nhiều so với hồ sơ chia đất trước đây nên công tác chia đất phục vụ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa thực hiện được.
“Sau khi có số liệu về đất đai tại các khu tái định cư huyện Thanh Chương, UBND huyện Tương Dương sẽ phối hợp với huyện Thanh Chương và chủ đầu tư thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết.