Giải pháp cấp bách để phục hồi và phát triển rừng ở Kỳ Sơn

Trần Quốc Thành 07/12/2023 09:35

(Baonghean.vn) - Theo các chuyên gia, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) còn nghèo, về nguyên nhân khách quan, do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiên tai, cơ sở hạ tầng nhiều nơi còn thiếu...  Về chủ quan, có nguyên nhân quan trọng: Chưa phát huy tiềm năng kinh tế rừng.

Thực trạng khó khăn

Kỳ Sơn giáp 5 huyện thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay của nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, với đường biên giới dài 192 km; có độ cao trung bình so với mực nước biển lớn nhất tỉnh, với đỉnh Puxailaileng cao 2.711m - là ngọn núi cao nhất của Nghệ An và cả dãy Bắc Trường Sơn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có nhiều đỉnh núi cao khác như Pu Soong (2.365m), Pu Tông (2.345m), Pu Long (2.176m)… Có thể ví, huyện Kỳ Sơn là “nóc nhà của Nghệ An”. Dân số của huyện khoảng hơn 80.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc Khơ Mú, Mông, Thái chiếm 95,9%.

bna_ Thị Trấn - Kỳ Sơn. Ảnh TL báo Nghệ An.JPG
Thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn

Trong những năm vừa qua, với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, sự góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp… và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc ở Kỳ Sơn, huyện đã có những bước phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, huyện Kỳ Sơn vẫn đang thuộc nhóm các huyện nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 51% (trong đó, có nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 70% như Mường Típ, Mường Ải,…).

Nguyên nhân đáng bàn hôm nay để Kỳ Sơn thoát nghèo, đó là huyện phát huy được lợi thế so sánh, đặc biệt là đất lâm nghiệp.

bna_mây 1.jpg
Những cánh rừng bạt ngàn tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Huyện Kỳ Sơn có tổng diện tích 2.094,84 km2, chiếm 12,64% diện tích cả tỉnh Nghệ An. Theo hiện trạng sử dụng đất năm 2020 (số liệu tại Quyết định 383 ngày 29/9/2022 về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Kỳ Sơn đến năm 2030), diện tích đất nông nghiệp là 203.288,29 ha, chiếm 97,14%. Trong đó, đất trồng lúa, trồng cây hàng năm, cây lâu năm có diện tích 5.480,71 ha, chiếm 2,62% (diện tích trồng lúa: 1.603,36 ha, trong đó, diện tích trồng lúa nước chỉ có 216,2 ha).

Diện tích đất lâm nghiệp của Kỳ Sơn là 197.792,71 ha, chiếm 94,52% (trong đó, diện tích rừng phòng hộ: 116.801,54 ha, diện tích rừng sản xuất: 80.991,17 ha, trong đó, rừng sản xuất là rừng tự nhiên chiếm 60.043,23 ha).

Từ những số liệu trên, chúng ta có thể thấy lợi thế lớn nhất của huyện Kỳ Sơn là phát triển rừng và kinh tế rừng.

Tuy nhiên, mặc dù rất cố gắng trong công tác bảo vệ rừng, nhưng hậu quả của rất nhiều năm đốt rừng làm rẫy của người dân làm cho huyện Kỳ Sơn mất rừng với tỷ lệ che phủ rừng hiện nay chỉ có 51,9%. Đây là tỷ lệ rất thấp ở một huyện miền núi cao nhất tỉnh, đồi núi có độ dốc lớn (so với các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu đều có tỷ lệ che phủ rừng trên 75%).

Chính vì điều này mà hàng năm huyện Kỳ Sơn xảy ra các trận lũ quét, lũ ống gây thiệt hại tiền của của nhân dân và phá hủy cơ sở hạ tầng vốn đã yếu kém của huyện. Hơn nữa, việc mất rừng dẫn đến mất các nguồn nước, đất đai bị xói mòn, sạt lở,…

bna_Căn nhà bà La Thị Mai, bản Hòa Sơn vẫn còn ngổn ngang, không thể tiếp tục ở lại. Ảnh Quang An.jpg
Người dân huyện Kỳ Sơn mất nhà sau trận lũ lịch sử tháng 10/2022. Ảnh: Quang An

Việc canh tác trên đất dốc của người dân lại gặp khó khăn khi đất màu bị trôi và đất ngày càng xấu đi, nước thiếu, năng suất cây trồng càng giảm. Không có thu nhập thay thế, người dân lại tìm vùng rừng mới để đốt làm rẫy. Vòng luẩn quẩn này sẽ cứ tiếp tục nếu không có cách tiếp cận mới để giải quyết. Trong khi đó, gần như 100% rừng ở huyện Kỳ Sơn phải là rừng phòng hộ, là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái…

Với trên 97% diện tích là đất lâm nghiệp, định hướng phát triển chủ yếu của huyện Kỳ Sơn phải là tập trung phát triển kinh tế rừng. Với định hướng phát triển này, nó không chỉ sẽ giúp cho tỉnh, huyện Kỳ Sơn giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt, hạn hán mà còn giúp cho huyện phát huy được lợi thế, tạo cho dân một sinh kế phù hợp với tri thức bản địa và không gian văn hóa truyền thống. Hơn nữa, với điều kiện như huyện Kỳ Sơn, đây là hướng đi để tận dụng cơ hội bán tín chỉ carbon cũng như dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Giải pháp

Để triển khai được định hướng đó, cần một thời gian dài, tuy nhiên, thời gian trước mắt, thiết nghĩ, cần thực hiện một số vấn đề sau:

Trước hết, tập trung bảo vệ diện tích rừng phòng hộ hiện có của huyện. Với lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng như hiện nay, cần triển khai mạnh mẽ việc giao cho cộng đồng hợp tác quản lý rừng. Đặc biệt, cần vận dụng phát huy tri thức bản địa của các dân tộc trong bảo vệ rừng (nhất là các hương ước, tập tục truyền thống). Cần hướng dẫn, tập huấn cho dân hiểu và làm tốt công tác thu hoạch, khai thác gỗ, các sản phẩm phi gỗ cũng như tổ chức các hoạt động du lịch,… theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017.

Rừng pơ mu, sa my tuyệt đẹp ở xã tây Sơn, huyện Kỳ Sơn. Anh tư liệu thành cường.jpg
Rừng pơ mu, sa mu tuyệt đẹp ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Thứ hai, đối với diện tích đất rừng còn lại trên cơ sở phân tích điều kiện lập địa (bao gồm điều kiện địa hình, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu) để xây dựng kế hoạch phục hồi rừng cụ thể cho từng vùng, từng xã. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học lâm nghiệp, điều kiện lập địa tốt của diện tích này chiếm khoảng 15,9% (tương đương khoảng 15.000 ha), điều kiện lập địa trung bình chiếm khoảng 29% (tương đương 20.000 ha) và số còn lại là điều kiện kém.

Từ đây, các nhà khoa học lâm nghiệp khuyến cáo: đối với diện tích điều kiện lập địa tốt thì tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ để rừng tự phục hồi nhằm giảm chi phí; đối với vùng điều kiện lập địa trung bình thì tổ chức kết hợp cả khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi với trồng dặm thêm cây mới để tăng độ dày. Đối với vùng điều kiện lập địa kém thì tổ chức trồng lại mới hoàn toàn.

Thứ ba, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh tập trung ưu tiên cho huyện Kỳ Sơn được hưởng lợi đầu tiên về Chương trình bán tín chỉ carbon theo Dự án thuộc Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào tháng 10/2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD.

Từ kinh phí này cùng với các kinh phí từ các chương trình khác, có thể sử dụng để cấp kinh phí (trả công) cho dân khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi, trồng và chăm sóc rừng từ nay cho đến năm 2030, đặc biệt, ưu tiên cho đối tượng hộ dân nghèo và cận nghèo. Để tận dụng được cơ hội này, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kỳ Sơn đẩy nhanh lộ trình giao đất, giao rừng, xúc tiến các hoạt động chuẩn bị các thủ tục đáp ứng được yêu cầu của Thỏa thuận bán tín chỉ cacbon.

Thứ tư, đối với vùng đất rừng trồng mới, bên cạnh các đối tượng cây rừng gỗ lớn bản địa (pơ mu, sa mu…) cần lưu ý sử dụng một số đối tượng cây bản địa đa dụng (có thể khai thác quả, lá,...) như cây dổi, dẻ, trẩu xoan, mắc khẻn, táo mèo, thông đỏ… đồng thời, quan tâm phát triển một số đối tượng cây phù hợp với tiểu vùng ôn đới của huyện Kỳ Sơn như lê, đào, táo, hồng,...

Thứ năm, có lộ trình tăng năng suất (sử dụng phân chậm tan) và giảm dần (thậm chí chuyển đổi hoàn toàn) diện tích trồng lúa rẫy. Với năng suất bình quân khoảng 1 tấn/ha (khoảng 10 triệu đồng/ha/năm) thì sẽ có nhiều phương án để có thể chuyển đổi cơ cấu hay hỗ trợ để người dân chuyên tâm trồng và chăm sóc bảo vệ rừng.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển dược liệu tập trung và dưới tán rừng để phát huy thế mạnh tiểu vùng khí hậu và địa hình cao của huyện Kỳ Sơn trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp chế biến dược. Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu và phát huy tri thức bản địa về dược liệu và các bài thuốc gia truyền.

Thứ bảy, có lộ trình phát triển du lịch xanh trên địa bàn huyện; kết nối với các huyện Con Cuông, Nam Đàn, TP.Vinh - TX. Cửa Lò và Xiêng Khoảng - Luôngphrabang (Lào).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Anh thanh le.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Thứ tám, HĐND, UBND tỉnh nên dành cho huyện Kỳ Sơn một cơ chế, chính sách vượt trội, khác biệt để huyện Kỳ Sơn vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế đất rừng. Trong đó, cần có chính sách khác biệt để dân nghèo, cận nghèo của huyện Kỳ Sơn sống được nhờ trồng, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng từ chính công sức của họ thay vì không muốn, không dám nhận rừng, đất rừng như hiện nay.

Trước mắt, đầu tư, trả công cho người dân phục hồi, trồng rừng trên đất rừng sản xuất như cơ chế đối với rừng phòng hộ từ nay đến năm 2030. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho huyện thu hút các doanh nghiệp trồng, chế biến dược liệu, lâm sản, du lịch đầu tư về huyện. Đặc biệt là thu hút các dự án ODA về phục hồi, phát triển rừng, nhất là hỗ trợ thủ tục tín chỉ cacbon cũng như về phát triển sinh kế cho người dân.

bna_kỳ sơn.jpg
Du lịch xanh tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu BNA

Quy hoạch tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 14/9/2023, xác định: Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Trong đó, xác định duy trì ổn định độ che phủ rừng ở mức 58%.

Việc phục hồi, phát triển rừng huyện Kỳ Sơn không chỉ giúp cho huyện phát huy lợi thế, phát triển kinh tế rừng, khắc phục hậu quả mất rừng, giảm thiểu thiên tai, mà còn giúp cho các huyện vùng trung du, vùng núi thấp có điều kiện chuyển đổi gần 90.000 ha đất rừng sang đất mục đích khác để mang lại hiệu quả sử dụng đất cao hơn mà vẫn duy trì được tỷ lệ che phủ rừng. Đây chính là cơ sở, luận cứ để cả tỉnh chung sức giúp Kỳ Sơn.

Mới nhất

x
Giải pháp cấp bách để phục hồi và phát triển rừng ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO