Giáo viên vùng cao Nghệ An lội bùn vào bản 'gọi' học trò đến lớp

Đào Thọ 15/09/2021 14:47

(Baonghean.vn) -Tại nhiều địa phương của huyện Kỳ Sơn không thể thực hiện dạy học trực tuyến, trong khi đó chưa tập trung được học sinh, nên phần lớn các trường bậc THCS đã phải phân giáo viên đến từng điểm bản để vận động học sinh đến lớp.

Cầm đôi dép tổ ong dính đầy bùn đất trên tay, người đẫm mồ hôi trong bộ quần áo mưa dày cộm nhưng thầy giáo Trịnh Xuân Đạo, giáo viên trường PTDTBT THCS Bắc Lý vẫn cố bám theo đồng nghiệp trên con dốc dài trơn trượt để vào được bản Kẻo Nam, một bản diện khó khăn nhất của xã Bắc Lý và của cả huyện Kỳ Sơn tính đến thời điểm này.

Giáo viên trường PTDTBT THCS Bắc Lý vào điểm bản dạy học. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo

Qua khỏi con dốc, 4 thầy cô giáo ngồi bệt bên vệ đường nghỉ ngơi. Nhìn lại con dốc dính đầy bùn đỏ, đầy những rãnh trâu ai nấy đều lắc đầu thở dài ngao ngán.

Bùn dính chặt, giáo viên phải tháo dép cầm tay để vào bản. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo

Thầy Trịnh Xuân Đạo chia sẻ: Từ lúc bước vào năm học mới đến nay, đây là tuần thứ 2 họ phân nhau đi các bản để dạy học sinh. Bình thường, học sinh ở các bản này sẽ tập trung học và ăn ở ngay tại trường theo chế độ bán trú. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên đến thời điểm này vẫn chưa thể dạy học tập trung được.

Với phương châm “dừng đến trường không dừng học”, nhà trường đã phân ra một số điểm bản, bố trí thời khóa biểu hợp lí để giáo viên đến dạy. Điểm bản Kẻo Nam với Kẻo Phà Tú được chọn làm thành một nơi để học sinh về học.

Để xe lại bên vệ đường tiếp tục vào bản vận động học sinh. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo
Để xe lại bên vệ đường tiếp tục vào bản vận động học sinh. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo

Từ trường PTDTBT THCS Bắc Lý vào đến bản Kẻo Phà Tú dài 12 km chủ yếu là đường đất trơn trượt. Còn từ Kẻo Phà Tú vào đến Kẻo Nam lại gian nan vất vả hơn nữa. Chỉ có 8 km thôi nhưng hầu như phải cuốc bộ bởi dốc cao và đầy bùn đất trơn trượt sau những cơn mưa như xối của núi rừng miền Tây. Hành trang họ mang theo chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo còn lại chủ yếu là sách vở để phát cho học sinh giúp các em có dụng cụ học tập. Nơi dạy học cũng phải mượn các điểm trường của bậc Mầm non do bậc học này học sinh chưa phải đến trường.

Sáng thứ 2 đầu tuần, sau khi điểm danh lại sĩ số học sinh, thấy các em ở bản Kẻo Nam còn vắng rất nhiều, những giáo viên hội ý với nhau phải vào tận bản để vận động học sinh đến trường. Người mang áo mưa, người chuẩn bị đôi ủng cầm tay lên xe vào bản. Cung đường 6 km đầu tiên, 4 giáo viên phải cùng nhau vừa đi vừa giúp nhau đẩy xe.

“Lúc mới đi, chúng tôi cũng chưa hình dung ra đường lại khó thế này. Biết thế để xe ở ngoài đi bộ có khi còn nhanh hơn, chứ bây giờ đi được một quãng mà đất dính chặt 2 lốp, đẩy cũng không xong mà ngồi lên cũng không đi được” - thầy giáo Vũ Văn Phong chia sẻ.

Giáo viên bậc THCS Bắc Lý phải mượn tạm điểm trường mầm non để dạy học. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo
Giáo viên bậc THCS Bắc Lý phải mượn tạm điểm trường mầm non để dạy học. Ảnh: Trịnh Xuân Đạo

Sau 6 km ấy, họ đành bàn nhau để lại xe bên vệ đường rồi đi bộ vào bản. Những chiếc dép tổ ong, những đôi ủng dính đầy bùn đất khiến 4 người phải vất vả lắm mới nhấc chân lên bước tiếp được. “Phải vào tận nơi vận động để các em ra học chứ không mất buổi nào sẽ thiệt thòi cho các em buổi ấy. Hi vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để các em còn kiếm thêm cái chữ” - thầy Trịnh Xuân Đạo chia sẻ.

Còn tại xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn), học sinh bậc THCS cũng chưa thể tập trung đến trường học tập. Nhà trường đã phải phân ra thành 3 điểm bản để giáo viên đến tận nơi dạy học. Đang là mùa mưa nên giáo viên muốn xuống bản Nậm Khiên cũng rất vất vả. Cô Nguyễn Thị Tình cho hay: “Từ trước đến nay, bậc THCS chỉ dạy ở một điểm trường trung tâm của xã nhưng bây giờ phải chạy từ bản này sang bản khác để dạy. Xong Nậm Khiên lại lên Nậm Càn rồi vào Thăm Hín. Trời nắng thì các cô còn đi được chứ trời mưa mà xuống Nậm Khiên rồi lại lên, dù chỉ hơn 5 km nhưng cũng phải mất gần cả tiếng đồng hồ”.

Một tiết học ở điểm bản của học sinh THCS Nậm Càn. Ảnh: Đào Thọ
Một tiết học ở điểm bản của học sinh THCS Nậm Càn. Ảnh: Đào Thọ

Cũng tại địa bàn này, theo các giáo viên cho biết thì thời điểm nghỉ hè, có một số học sinh đã theo cha mẹ vào miền Nam để giúp việc. Đến lúc dịch Covid-19 bùng phát, dù đã đến thời gian tựu trường nhưng nhiều em vẫn chưa về được. “Tôi chủ nhiệm lớp 7, trong lớp hiện còn có 3 học sinh đang bị mắc kẹt tại tỉnh Bình Phước. Nhà trường cũng đã liên hệ với gia đình và hướng dẫn họ đăng ký với chính quyền xã để cho con em về kịp thời gian học” - cô Lê Thị Thương cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Hoàng Văn Thái - Phó hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Nậm Càn cho biết: “Hiện tại nhà trường đã bước vào dạy học chương trình mới, trước mắt theo hình thức phân giáo viên đến từng điểm bản. Tuy phương án này rất vất vả cho giáo viên nhưng quyết không để học sinh bị mất thời gian học. Số còn lại đang bị mắc kẹt tại các tỉnh phía Nam, khi học sinh về hết thời hạn cách ly chúng tôi sẽ phân giáo viên bù đắp chương trình cho các em”.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Kỳ Sơn vẫn thực hiện phương án dạy học trực tuyến đối với các trường thuận lợi ở thị trấn Mường Xén còn ở các địa phương còn lại vẫn thực hiện theo hình thức phân giáo viên đến từng bản để dạy học.

Mới nhất

x
Giáo viên vùng cao Nghệ An lội bùn vào bản 'gọi' học trò đến lớp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO