Hiệu quả dồn điền đổi thửa ở Nam Xuân

25/01/2013 20:42

(Baonghean) - Theo tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, UBND huyện Nam Đàn đã chọn Nam Xuân - làm 1 trong 3 xã chỉ đạo điểm để từ đó nhân ra diện rộng. Qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện, đến thời điểm này xã Nam Xuân đã hoàn thành kế hoạch, vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra là 3 vùng/hộ...

Nam Xuân là xã có địa hình đất đai không bằng phẳng, có vùng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn; hệ thống đường giao thông thuỷ lợi nội đồng nhỏ hẹp, bố trí không phù hợp đã gây lãng phí nước tưới, cản trở việc đưa cơ giới vào sản xuất.

Trước năm 2000, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) theo chủ trương của Huyện ủy Nam Đàn, song đất đai vẫn còn manh mún, với tổng số thửa là 10.813, bình quân 8,1 thửa/hộ (thửa nhỏ nhất là 33m2, lớn nhất là 1.500m2). Khi thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần 1 năm 2003 theo Chỉ thị 02 của Tỉnh ủy, tổng số 342,23ha đất nông nghiệp giao cho 1.343 hộ sản xuất trên 6.379 thửa; bình quân mỗi hộ 4,7 thửa, một số hộ có tới 6 vùng canh tác... phân bố trên nhiều xứ đồng. Vì vậy, sản xuất thiếu tập trung, mất nhiều công lao động mà hiệu quả thu nhập không cao. Để giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán, tạo thuận lợi cơ giới hoá, giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã Nam Xuân đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác DĐĐT lần 2 theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 8/5/2012.



Đào đắp hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng ở xã Nam Xuân ( Nam Đàn).

Xác định dồn điền đổi thửa ruộng đất là việc khó khăn nhưng mang tính đột phá nên Nam Xuân đã huy động cả hệ thống chính trị từ xã xuống xóm cùng vào cuộc quyết liệt. Xã xây dựng kế hoạch, thành lập các ban chỉ đạo, ban tuyên truyền chuyển đổi ruộng đất từ cấp xã đến cấp xóm, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết tại các xóm. Mọi kế hoạch, cách thức thực hiện đều được đưa ra dân bàn bạc và tự thống nhất. Khi đã thông được tư tưởng, xã thống kê lại diện tích đất đã chia theo NĐ 64 và diện tích hiện trạng; cân đối khẩu chuyển đến chuyển đi để điều chỉnh đất lại cho các xóm. Các hộ được chia thửa qua hình thức ghép nhóm bốc thăm; hộ có 1.000m2 nhận 1 thửa, hộ có từ 1.000 - 2.000m2 nhận 2 thửa, trên 2.000m2 nhận 3 thửa; ưu tiên cho hộ nhận 1 thửa sản xuất được cả lúa và màu, hộ nhận 3 thửa sẽ có 1 thửa vùng sâu vùng xa, còn lại bốc thăm cuốn chiếu. Trong quá trình thực hiện DĐĐT, các xóm đều bám sát trình tự các bước, giữ đúng nguyên tắc đảm bảo dân chủ, công khai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp trước mắt và lâu dài nên nhân dân đều đồng tình, tự giác thực hiện...

Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân - ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết: “Thời gian đầu triển khai gặp không ít khó khăn, bởi ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng xa, ruộng gần dồn đổi, phân chia lại thế nào cho hợp lý, công bằng là điều không đơn giản. Người dân, nhất là các hộ đang sở hữu những thửa ruộng tốt phản đối quyết liệt, còn cán bộ xóm có tâm lý ngại vất vả, va chạm nên "lừng khừng" không muốn triển khai. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, mục tiêu và lợi ích của việc DĐĐT trên hệ thống loa truyền thanh, qua các cuộc họp Đảng, các đoàn thể. Đề án, phương án chuyển đổi ruộng đất được đưa về các xóm để người dân thảo luận dân chủ. Tại các cuộc họp ở các xóm, các đồng chí lãnh đạo xã phải trực tiếp xuống dự, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bằng cách làm đó, đến nay, xã đã hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 đúng với chỉ tiêu tỉnh đề ra là không quá 3 vùng/hộ ".

Sau khi thực hiện DĐĐT lần 2, diện tích đất nông nghiệp ở Nam Xuân được giao ổn định là 318,58ha với 2.968 thửa (thửa lớn nhất là 3.000m2, bé nhất là 500m2); bình quân mỗi hộ chỉ còn 2,1 thửa canh tác. Cùng với DĐĐT, xã huy động nhân dân hiến 32ha đất để xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Theo đó, các tuyến đường trục chính chạy trên đồng được mở rộng từ 3m lên 5m; đường bờ vùng rộng 4m, hai bên có mương tưới, mương tiêu rộng 1m... Đến nay, toàn xã đã thực hiện đào đắp với tổng khối lượng trên 80.000m3, với tổng kinh phí lên đến 1,6 tỷ đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, xã hỗ trợ 75 triệu đồng, còn lại là nhân dân tự nguyện đóng góp được tính theo đầu sào (260.000 đồng/sào) được thu trong 2 năm. Từ nguồn đất, nguồn tiền do dân đóng góp, Nam Xuân mở rộng được hàng chục km đường giao thông nội đồng, thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất; đã quy hoạch được 3 cánh đồng mẫu, gồm 1 vùng màu (30ha) và 2 vùng lúa hàng hóa (60 ha)... Không chỉ tạo cơ sở cho người nông dân yên tâm tập trung cải tạo ruộng đất, đầu tư thâm canh, tiết kiệm chi phí, mà thông qua việc chuyển đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch được một số vùng đất cao cưỡng, vùng sâu trũng trước đây người dân không nhận để giao cho các hộ có điều kiện xây dựng kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Vụ xuân 2013 là vụ đầu tiên bà con nông dân xã Nam Xuân tiến hành sản xuất trên thửa ruộng to hơn, với bờ vùng bờ thửa được quy hoạch rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Châu, ở xóm 4 chia sẻ: “Đã chứng kiến nhiều lần dồn đổi và nhận ruộng, nhưng chưa bao giờ chúng tôi phấn khởi như lần này. Bởi dồn điền đổi thửa lần này mỗi hộ chỉ còn canh tác trên 1 đến 2 thửa, hình thành được các cánh đồng lớn, dễ dàng đưa máy cày, máy gặt vào đồng ruộng để giảm bớt sức lao động cho người dân, tiện không gì bằng. Như gia đình tôi trước đây có 7 sào đất gồm cả ruộng lúa và đất màu, nhưng có tới 6 thửa nằm rải rác ở 4 xứ đồng, vào thời vụ sản xuất phải chạy đi chạy lại từ vùng này sang vùng khác rất vất vả. Bây giờ, cũng từng ấy đất nhưng rút lại chỉ có 1 thửa nên canh tác rất thuận lợi".

Thực hiện dồn điền đổi thửa ở xã Nam Xuân cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, tạo ra cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; bảo đảm quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, thâm canh tăng vụ tạo hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ngoài ra, sau khi hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, Nam Xuân đã có quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.


Ngọc Anh

Hiệu quả dồn điền đổi thửa ở Nam Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO