Keo đến kỳ thu hoạch vẫn không thể khai thác vì vướng rừng đặc dụng
(Baonghean.vn) - Mặc dù đã được giao đất để trồng rừng sản xuất từ cách đây gần 15 năm, thế nhưng đến nay rừng keo của 34 hộ dân tại xóm 9, xã Nam Thanh (Nam Đàn) vẫn không được khai thác do bị vướng vào diện tích rừng đặc dụng.
Rừng đến kỳ thu hoạch nhưng không thể khai thác
Khu vực rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được phép khai thác là của 34 hộ dân xóm 9, xã Nam Thanh thuộc khu vực Đá Hàn - Khe Su, nằm trên dãy núi Đại Huệ. Năm 2007 người dân địa phương đã được UBND xã Nam Thanh giao đất trên thực địa để trồng rừng sản xuất. Kể từ đó đến nay họ liên tục trồng keo, đã thu hoạch chu kỳ thứ nhất, đến chu kỳ thứ 2 này thì không được khai thác.
Ông Bùi Hữu Hiếu - xóm trưởng xóm 9 (Nam Thanh) cho biết: Khu vực rừng trồng của người dân xóm 9 trước đây được Nhà nước giao để trồng rừng, phát triển kinh tế. 34 hộ dân được giao đất trồng rừng thì mỗi hộ có diện tích khoảng 3 ha. Sau khi nhận dất, người dân đã trồng rừng theo đúng quy định. Năm 2014 - 2015, đã khai thác lứa keo đầu tiên, nay đã đến kỳ thu hoạch lứa keo thứ 2, người dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị được khai thác nhưng đến nay vẫn chưa được cho phép.
Riêng gia đình ông Hiếu được giao hơn 3 ha đất, bỏ vốn đầu tư trồng rừng nhiều năm nay, hiện nay cây trồng cũng đã được 6-7 tuổi, đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác khiến cho bao nhiêu vốn liếng đang bị mắc kẹt trên rừng.
Do bị quy hoạch vào rừng đặc dụng nên dù đã đến kỳ khai thác nhưng cây keo của người dân xóm 9, Nam Thanh (Nam Đàn) vẫn không được thu hoạch. Ảnh: Tiến Đông |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2007, thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ, UBND huyện Nam Đàn đã thành lập Ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp, riêng tại xã Nam Thanh, chính quyền địa phương đã tiến hành giao đất cho 376 hộ gia đình với tổng diện tích 448 ha, trong đó có 34 hộ với diện tích hơn 40 ha tại vùng Đá Hàn - Khe Su, xóm 10B (nay là xóm 9).
Sau khi được giao đất, các hộ dân đã tiến hành canh tác, trồng rừng và đã trải qua 1 chu kỳ trồng cây, hiện nay đã bước vào chu kỳ khai thác thứ 2 nhưng không được phép tiến hành vì phần diện tích các hộ được giao này đang nằm trong khu vực BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý.
Hiện nay rừng sản xuất của người dân đã được quy hoạch vào rừng đặc dụng do BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý. Ảnh: Tiến Đông |
Ông Nguyễn Chí Hướng - cán bộ địa chính xã Nam Thanh cho biết: Trước đây diện tích đất rừng mà người dân xóm 9 đang sản xuất chưa thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, mãi đến năm 2014 theo quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 thì phần diện tích đất này mới được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng và được giao cho BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý với 35,88 ha. Sau khi kiểm tra, đo đạc lại thì còn một số diện tích nằm ngoài quy hoạch rừng đặc dụng, hiện xã đang làm các thủ tục bóc tách phần này để cho người dân có thể khai thác.
Sớm có giải pháp xử lý
Việc quy hoạch rừng đặc dụng vào diện tích rừng đã sản xuất của người dân xóm 9, xã Nam Thanh đã được người dân kiến nghị cách đây nhiều năm. Trong đó, vào năm 2018, UBND huyện Nam Đàn đã tổ chức nhiều cuộc họp để xử lý việc xác định ranh giới đất rừng đối với 34 hộ dân tại xóm 9, Nam Thanh. Sau khi đo vẽ, xác minh ranh giới (có 31 hộ đo, 2 hộ đã giao đất cho quốc phòng, 1 hộ không giao), đã xác định được diện tích đất chồng lấn là 41,13 ha, trong đó có 35,88 ha thuộc diện tích Nhà nước giao cho Lâm trường Đại Huệ trước đây, nay là BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý nhưng chưa được cấp Giấy CNQSDĐ; 2,42 ha vừa thuộc đất BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý vừa thuộc UBND xã Nam Thanh quản lý và 2,83 ha đất do UBND xã Nam Thanh quản lý.
Khu vực Đá Đen nằm trên dãy Đại Huệ được người dân phủ xanh bằng rừng keo trong nhiều năm nay. Ảnh: Tiến Đông |
Ông Võ Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, đến thời điểm này, xã đã phối hợp với các phòng, ban liên quan của UBND huyện Nam Đàn và lực lượng Kiểm lâm, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn, tiến hành đo đạc, bóc tách được các diện tích không liên quan, có thể giao cho người dân sử dụng, khai thác. Riêng diện tích rừng mà người dân đã trồng cây nhưng nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, xã cũng đã làm tờ trình xin phép cho người dân được khai thác số keo đã đến kỳ thu hoạch, nhưng do chưa xác định rõ đối tượng chủ rừng cũng như tình trạng quy hoạch cụ thể đối với từng lô rừng đăng ký khai thác. Đồng thời chưa giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp trên địa bàn, từ đó xác lập tư cách chủ rừng cụ thể đối với từng hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn nên Sở NN&PTNT chưa đồng ý cho phép khai thác.
Hiện nay, những vướng mắc liên quan đến quy hoạch rừng đặc dụng với rừng sản xuất của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chính vì thế mà người dân vẫn chưa được khai thác keo dù đã đến chu kỳ thu hoạch. Ảnh: Tiến Đông |