Kinh tế

Keo giống ở Tân Kỳ ế ẩm

Văn Trường

Hiện nay, có khá nhiều cơ sở sản xuất cây keo giống ở huyện Tân Kỳ đang lâm vào cảnh ế ẩm, khó tiêu thụ.

bna_van-truong-3-a5a3667ce3e5e2941996d3f35184a63c(1).jpg
Vùng "vựa" keo giống xã Tân Hương (Tân Kỳ) hiện đang còn tồn khá nhiều diện tích keo giống chưa bán được. Ảnh: Văn Trường

Đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Tân Hương (Tân Kỳ) những ngày này thấy hai bên đường người dân sản xuất cây keo giống khá nhiều. Tuy nhiên, thời điểm này đầu ra cho cây keo giống rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Như Quang ở xóm 6, xã Tân Hương chia sẻ: Năm trước keo giống được giá, dễ tiêu thụ, tư thương tìm đến tận nơi thu mua; với giá 400 đồng/cây, nhưng thời điểm này giá xuống chỉ còn 150 đồng/cây mà rất khó bán, hiện trong vườn đang còn tồn trên 15.000 cây/tổng số 30.000 cây keo giống. Nếu trong khoảng 2 tuần tới mà không bán được thì phải phá bỏ vì để ươm đợt khác vì cây giống đã quá tuổi.

bna_van-truong-1-089985250bcdbf7897338104194e29fb-1-.jpeg
Nông dân đang tưới số keo giống vừa nhổ xong chờ bán cho khách hàng. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Nghề ươm keo giống tại xã Tân Hương có từ những năm 2000, hiện toàn xã có 286 hộ dân tham gia ươm cây keo giống, hàng năm ươm 14 triệu cây keo giống bán cho địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận mang về nguồn thu trên hàng chục tỷ đồng cho địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra tiêu thụ thời gian gần đây gặp khó khăn, hiện nay, toàn xã đang “tồn” khoảng trên 120.000 cây keo giống, nguyên nhân là do hiện nay có khá nhiều nguồn keo giống đưa về Nghệ An từ các nơi khác ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam, giá cả bán rẻ hơn nên keo của huyện Tân Kỳ khó cạnh tranh.

bna_van-truong-23-65ebb10793e5a8069d0fc737a3f2590e(1).jpeg
Giá keo giống xuống thấp, năm 2023 có giá 400 đồng/cây, nhưng thời điểm này giá xuống chỉ còn 150 đồng/cây mà rất khó bán. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân nữa là mùa nắng nóng, thời vụ của các lứa keo này đã hết, nhiều thửa keo giống bị sâu bệnh xâm nhập.

Để phát triển keo giống theo hướng bền vững, xã đã khuyến cáo người dân cần đa dạng hóa sản phẩm, không phụ thuộc vào mỗi cây keo ươm hạt. Như sản xuất thêm cả các cây bản địa và keo giống dâm cành, cây càng to càng có giá trị và dễ tiêu thụ.

bna_van-truong-2-ae2531d658025c2ee6141e26b3b4fae5(1).jpeg
Keo giống ở huyện Tân Kỳ ế ẩm khiến nông dân lo lắng. Ảnh: Văn Trường

Đại diện UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Để tránh tình trạng keo giống ứ đọng khó tiêu thụ, huyện đang tiếp tục khuyến khích người dân cần phải quy hoạch, sản xuất giống keo để bán theo mùa trồng rừng, vào mùa Hè nắng nóng có thể giảm số lượng sản xuất keo.

bna_van-truong-mmmm-8e086f8ed69c6abb95379bcef704cf41(1).jpg
Có khá nhiều cây keo giống ở xã Tân Hương (Tân Kỳ) đã quá tuổi bị "già" cây nên rất khó bán. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt là đưa vào sản xuất các giống cây keo có chất lượng, giá thành hợp lý để cạnh tranh với các nguồn keo giống khác đưa về địa bàn Nghệ An. Được biết, huyện Tân Kỳ hiện có 339 cơ sở chuyên sản xuất keo giống ở 2 xã Tân Hương và Nghĩa Hành, hàng năm sản xuất được khoảng gần 16 triệu cây keo giống. Việc keo giống thừa cũng còn có nguyên nhân do phát triển tự phát thời gian qua.

Mới nhất
x
x
Keo giống ở Tân Kỳ ế ẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO