Khảo sát lại hạ tầng thương mại vùng biên, tránh đầu tư dàn trải

Thu Huyền 26/11/2019 11:54

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tại cuộc làm việc với các sở ngành, địa phương về nội dung phát triển thương mại biên giới ở tỉnh Nghệ An.

Sáng 26/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế; Đề án phát triển thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 có tính đến năm 2030; Công tác thu hút đầu tư phát triển chợ và chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác kinh doanh chợ. Tham dự có lãnh đạo Sở Công Thương, các sở ngành, địa phương liên quan.

Đoàn các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An. Ảnh: Việt Phương

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế

Theo báo cáo tình hình thực hiện Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An đạt 1,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2018. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh cho 98 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10.800 tỷ đồng.

Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh cũng đã đổi mới nhiều hoạt động, tham mưu nhiều chính sách thực hiện trên địa bàn đúng với quy định tổ chức Thương mại thế giới cũng như cam kết của Việt Nam. Tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Đánh giá về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, các thành viên dự họp cho rằng, hiện công tác hội nhập của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu thấp thua so với nhiều tỉnh. Một số sản phẩm nông, công nghiệp của tỉnh chưa đủ điều kiện tham gia hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế…

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị trong năm 2020, các thành viên Ban chỉ đạo cần phối hợp nhịp nhàng hiệu quả trong việc tuyên truyền, thực hiện các quy định của các Tổ chức thương mại cũng như cam kết của Việt Nam về hội nhập; nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp về các kiến thức kinh tế hội nhập.

Trưởng ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Lê Hồng Vinh cũng cho biết sẽ kiện toàn lại BCĐ hội nhập Kinh tế quốc tế tỉnh sát đúng với nhu cầu thực tiễn.

Đánh giá lại hoạt động thương mại vùng biên

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước Lào dài nhất cả nước, chiếm hơn 20% tổng chiều dài biên giới Việt Nam – Lào, có 27 xã thuộc 6 huyện nằm trên đường biên giới chung với 3 tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ, 4 lối mở và 11 điểm qua lại biên giới với Lào. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước nói chung và thương mại khu vực biên giới nói riêng.

Mục tiêu đến năm 2025, có tính đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước vào thị trường Lào, Thái Lan, Myanmar; phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Lào đạt từ 33-35 triệu USD…

Phó giám đốc Sở Công Thương Võ Thị An báo cáo tại cuộ họp. Ảnh: Thu Huyền
Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Thị An báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng hiện nay nhu cầu phát triển chưa cao, cần đầu tư có lộ trình, không nên đầu tư lớn vào hạ tầng tránh lãng phí. Nên tập trung đầu tư khu vực cửa khẩu Thanh Thủy vì đây là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Bô Ly Khăm Xay - địa phương tương đối phát triển của Lào.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng vùng biên giới hiện nay chủ yếu nông lâm sản, không có cơ sở sản xuất ngoài một số nhà máy thủy điện. Hiện nay, hạ tầng vùng biên một số điểm đã đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, hoạt động tại một số chợ chậm phát triển, do đó, cần đánh giá lại phạm vi đề án, khảo sát cả khu vực biên giới phía nước bạn Lào; lựa chọn điểm có hạ tầng, đủ điều kiện mới đầu tư.

Trước mắt, có thể tính toán quan tâm đầu tư chợ Nậm Cắn (Kỳ Sơn), khu kinh tế cửa khẩu ở Thanh Thủy (Thanh Chương). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Sở Công Thương cần rà soát, xây dựng lại đề án sát đúng, bám thực tiễn.

Cửa khẩu Nậm Cắn. Ảnh tư liệu
Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu

Cũng trong sáng nay, các đại biểu nghe và cho ý kiến về thực trạng phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất bỏ Quyết định 72/2016/QĐ-UBND ngày 8/12/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn Nghệ An do không phù hợp với Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017.

Mới nhất

x
Khảo sát lại hạ tầng thương mại vùng biên, tránh đầu tư dàn trải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO