Xã hội

Khát vọng vươn xa từ "tài nguyên" ẩm thực - Bài 2

Diệp Thanh 10/07/2024 16:58

Với những đặc điểm sẵn của thiên nhiên ban tặng, hải sản Cửa Lò nổi tiếng tươi ngon, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Nếu phát huy và khai thác triệt để lợi thế này, Cửa Lò sẽ chinh phục được cả những du khách khó tính nhất.

am thuc cua lo
ẩm thực Cửa Lò

Bài 2:
Hành trình tươi từ biển lên bàn

Với những đặc điểm sẵn của thiên nhiên ban tặng, hải sản Cửa Lò nổi tiếng tươi ngon, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Nếu phát huy và khai thác triệt để lợi thế này, Cửa Lò sẽ chinh phục được cả những du khách khó tính nhất.

“Hệ sinh thái” mực nháy

“Mực nháy” được xem như một đặc sản làm nên “thương hiệu” của Cửa Lò. Dưới góc nhìn marketing, Cửa Lò không chỉ bán được mực tươi cho du khách mà còn có thể bán cả câu chuyện và hành trình của đặc sản này.

uploaded-quanganbna-2024_04_14-_bna-5-8990.jpg
Mực nháy Cửa Lò được ngư dân bán theo mớ cho du khách. Ảnh: Quang An

Mực nháy có thể hiểu là những con mực vừa được câu lên, còn sống với phần thân trong veo và những đốm màu nhấp nháy, lấp lánh trên da. Thông thường, để đảm bảo mực tươi sống, trọn vị nhất, những ngư dân Cửa Lò thường đánh bắt chúng ở vùng biển gần bờ, từ 4 đến 8 giờ chiều. Đó cũng là lý do người dân thường bán mực nháy vào ban đêm, hoặc bán dạo trên các bờ biển, ngay khi thuyền cập bến. Thói quen đánh bắt bao đời này đã trở thành “câu chuyện bên lề” đầy thú vị của món ăn trứ danh này.

Là du khách đến từ Hà Nội, cuối tháng 6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Trang đã cùng chồng và 2 con có một chuyến trải nghiệm đáng nhớ với “mực nháy”. “Ngày đầu tiên đến Cửa Lò, vì thiếu kinh nghiệm, tôi đã mua phải mực không được tươi tại chợ hải sản. Sang ngày hôm sau, tôi quyết tâm đi trải nghiệm câu mực nháy tại biển, mua nồi điện từ cửa hàng để tự hấp số mực lấy từ thuyền về. Những đứa trẻ nhà tôi được trải nghiệm công việc của những ngư dân, được chứng kiến những nhấp nháy trên thân mực, được thưởng thức món mực hấp dai giòn sần sật và món mực nướng ngọt lịm đậm đà thơm nồng lá lốt… Hành trình để được thưởng thức món mực nháy chuẩn khiến chuyến du lịch của tôi càng đặc biệt” - chị Trang nói. Cùng từ câu chuyện của bản thân, chị Trang cho rằng, nếu địa phương chuyên nghiệp hóa quy trình và tổ chức bán vé trải nghiệm câu mực - chế biến - thưởng thức thì chắc chắn sẽ có nhiều du khách ủng hộ.

uploaded-quanganbna-2024_04_14-_bna-3-1239.jpg
Du khách háo hức mua mực nháy vào các buổi tối. Ảnh: Quang An

Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức đặc sản của người dân, chợ “mực nháy” dần hình thành tại tuyến đường lên đảo Lan Châu, trên địa bàn phường Nghi Thủy, luôn đông vui, tấp nập từ khi phố lên đèn cho đến nửa đêm. Từ năm 2023, để du khách có trải nghiệm tốt nhất khi đi “chợ mực nháy”, thị xã Cửa Lò đã quy hoạch, bố trí điểm bán mực nháy tập trung với sự quản lý của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Theo đó, UBND thị xã đã giao phường Thu Thủy tổ chức tổng dọn vệ sinh, bố trí điện chiếu sáng, cắt cử lực lượng an ninh quản lý các hoạt động theo thời gian quy định, có biện pháp xử lý, thu gom nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi hết giờ bán hàng ngày. Điều này tránh được tình trạng bán rong, chèo kéo các tuyến đường gây mất trật tự, mỹ quan đô thị.

Là 1 trong 2 đơn vị đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về quy trình, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình chị Hoàng Thị Hiền (phường Thu Thủy) được địa phương cấp phép chế biến mực phục vụ du khách ngay tại bến. Chia sẻ về món đặc sản quê hương, chị Hiền nói: “Mực câu lên rửa qua nước sạch rồi hấp sả hoặc nướng than hoa, không cần tẩm ướp, nêm nếm bất cứ gia vị nào nữa. Khi ăn, vị ngọt đậm đà của thớ mực dai giòn hòa quyện cùng nước chấm, lá lốt sẽ tôn nhau lên. Gần đây, để đa dạng trải nghiệm, các nhà hàng cũng chế biến thêm các món mới từ mực nháy như gỏi, xào, chiên… Nhưng trọn vị nhất chắc chắn vẫn là hấp và nướng”.

uploaded-quanganbna-2024_04_14-_bna-7-4977.jpg
Ngoài hấp, nướng, mực nháy còn được chế biến theo nhiều cách khác để tăng trải nghiệm cho thực khách. Ảnh: Quang An

Từ một “món đinh” mực nháy, du khách hoàn toàn có thể có thêm trải nghiệm với đa dạng lựa chọn, người dân vừa có thêm thu nhập ổn định vừa có thể duy trì nghề biển, địa phương có thêm điểm nhấn du lịch. Nếu “hệ sinh thái” xung quanh món ăn đặc sản này được xây dựng một cách chuyên nghiệp, lợi ích sẽ không nhỏ.

Tâm nguyện “đường dài”

Không chỉ mỗi mực nháy, hải sản vùng biển Cửa Lò còn rất nhiều lựa chọn khiến du khách tấm tắc, hài lòng. Trăn trở để đưa sự tươi ngon từ biển cả lên bàn ăn, không ít người dân đã và đang nỗ lực nâng cấp dịch vụ và sản phẩm của mình.

Từng đi rất nhiều vùng biển, trải nghiệm rất nhiều hải sản, ông Bùi Văn Đức - Trưởng khoa Kỹ thuật chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Thương mại Nghệ An chia sẻ: “Với đặc trưng vùng biển mặn, địa chất phức tạp, sóng lớn, hải sản đánh bắt ở vùng biển miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng luôn có hương vị đậm đà, thịt săn chắc, dày dặn hơn, từ mực đến tôm, cua, cá... Nguồn lợi hải sản tốt nhưng nếu không biết tận dụng, khai thác và phát huy thì cũng sẽ không đem lại sự khác biệt. Lúc này, vai trò quyết định thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ và đội ngũ đầu bếp”.

Cùng quan điểm, để đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, bà Trần Thị Tân - chủ một nhà hàng có tiếng tại thị xã Cửa Lò, đã vô cùng khắt khe trong lựa chọn nguyên liệu đầu vào cũng như tuyển chọn đầu bếp. “Chúng tôi ký hợp đồng lâu dài với các tàu thuyền tại địa phương để có được nguồn hải sản tươi sống, đầu tư cơ sở vật chất với các bể sục hải sản để duy trì sự tươi ngon. Lợi thế khi ký hợp đồng lâu dài là chúng tôi có thể hoàn trả, từ chối nhận những sản phẩm kém chất lượng. Để đảm bảo món ăn được chế biến ngon miệng nhất, nhà hàng cần có chính sách thu hút đầu bếp giỏi với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Những yếu tố trên kết hợp cùng cái tâm làm nghề tử tế đã giúp nhà hàng tồn tại và phát triển bền vững trong 30 năm qua. Trong hội thi “Đầu bếp giỏi - Tôn vinh ẩm thực Cửa Lò” vừa qua, nhà hàng của bà tân đã xuất sắc giành giải Nhất một cách thuyết phục.

Không chỉ với những món ăn được chế biến trực tiếp trên bàn ăn trong các nhà hàng, hải sản Cửa Lò mới được công nhận. Với tâm huyết, sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, rất nhiều cư dân đô thị biển đang trăn trở với mong muốn nâng tầm, quảng bá và phát triển sản vật địa phương. Từ đây, những sản phẩm OCOP, những nhà xưởng chế biến với quy trình chế biến đạt chuẩn ra đời. Chỉ trong 3 năm, thị xã Cửa Lò đã có hơn 20 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận là OCOP 4 sao và 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh những sản phẩm quen thuộc như nước mắm, mắm tôm, mắm tép nhiều sản phẩm mới như cá thu nướng, chả cá thu, ruốc bông cá thu, chả mực, thịt chưng mắm tép… cũng được lên kệ. Bên cạnh những cách chế biến truyền thống, nhiều mô hình mới cũng được triển khai.

gian-hang-gioi-thieu-san-pham-ocop-cua-thi-xa-cua-lo.jpg
Gian hàng OCOP của thị xã Cửa Lò. Ảnh: CSCC

“Sản xuất nước mắm là nghề truyền thống của người dân Cửa Lò và tôi luôn ấp ủ mong muốn nâng tầm sản phẩm này, khiến nó tốt hơn nữa, có thương hiệu hơn nữa. Từ mong muốn đó, tôi quyết định đầu tư nhà thùng nguyên liệu đầu vào là cá cơm Cửa Lò. Tôi hy vọng những ưu điểm vượt trội về chất lượng, dinh dưỡng, vệ sinh của thành phẩm cuối cùng sẽ chinh phục được khách hàng trên mọi miền Tổ quốc” - anh Lê Tuấn Quỳnh, chủ cơ sở nhà thùng nước mắm Hải Hòa, thị xã Cửa Lò chia sẻ.

Trong một lần trò chuyện tại chợ hải sản, chị Nguyễn Thị Tài - chủ thương hiệu Hải sản Tâm Tài từng thổ lộ: “Những người dân Cửa Lò chúng tôi rất tự hào về chất lượng hải sản của mình và tự tin khẳng định hải sản Cửa Lò có thể đứng top đầu cả nước về độ tươi ngon. Với lượng khách hàng là thương lái và người dân bản địa hiện tại, tôi không cần phải nhọc công xây dựng thương hiệu OCOP thì vẫn có nguồn thu nhập lý tưởng. Tuy nhiên, tôi muốn sản vật quê hương có thể đến với nhiều người hơn nữa, nên tôi chọn một con đường dài hơi hơn, dù vất vả hơn”.

475ae1f8621cc042990d.jpg
Du khách đến với Cửa Lò ngày càng có thêm lựa chọn quà tặng từ hải sản địa phương. Ảnh: CSCC

Tâm nguyện của chị Tài đã và đang được hiện thực hóa. Không còn là một ki-ốt với quy trình chế biến đơn sơ ở chợ hải sản năm nào, cá thu nướng, ruốc bông cá thu của chị được lên kệ trong gian trưng bày khang trang, được sản xuất khép kín trong nhà xưởng hiện đại, được mang đến mọi miền Tổ quốc… Trên bàn ăn, vị tươi ngon của hải sản Cửa Lò được lưu giữ một cách trọn vẹn nhất.

Khát vọng vươn xa từ "tài nguyên" ẩm thực - Bài 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO