Không có chuyện kêu gọi ‘giải cứu’ khoai tây ở huyện Tương Dương

Thanh Phúc 06/03/2024 14:45

(Baonghean.vn) - Sáng 6/3, trên một số trang Facebook cá nhân có đăng thông tin “Giải cứu khoai tây cho bà con Tương Dương”. Thực hư về vấn đề này như thế nào?

bna-thu-hoack-4327.jpg
Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024, người dân bản Chắn, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) thu hoạch khoai tây theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Ảnh: T.P

Vụ Đông Xuân 2023-2024, bản Chắn, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) liên kết với Viện Sinh học nông nghiệp Việt Nam trồng khoai tây thương phẩm. Diện tích liên kết trồng là 5 ha với 38 hộ tham gia. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức trả chậm; được tập huấn kỹ thuật từ khi xuống giống đến khi thu hoạch. Đặc biệt, khoai tây được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với những củ đạt chuẩn quy định.

Đến cuối tháng 2/2024, 5 ha khoai tây cho thu hoạch. Năng suất dự ước đạt từ 14-15 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, lượng khoai tây đạt chất lượng thương phẩm được doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá đã ký kết. Theo đó, 1 kg khoai tây thương phẩm được bán với giá 7.500 đồng, số khoai không đạt chuẩn theo quy định của công ty người dân được bán tự do theo giá thị trường.

bna-bao-tieu-777.jpg
Số khoai tây thương phẩm đạt chuẩn được công ty bao tiêu toàn bộ theo giá đã cam kết. Ảnh: T.P

Sau khi phân loại, tổng sản lượng khoai tây ở bản Chắn đạt chuẩn và được công ty thu mua là 20 tấn; còn lại khoảng 15 -18 tấn không đạt chuẩn (củ to quá hoặc nhỏ quá, da củ có màu xanh, củ sứt sẹo…) được người dân bán ra thị trường.

Để hỗ trợ nông dân bản Chắn tiêu thụ khoai tây, công đoàn thị trấn, Hội Nông dân thị trấn Thạch Giám đã đăng lên trang Facebook cá nhân, hội nhóm nội dung: “Với sự liên kết cùng Viện Sinh học nông nghiệp, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của rất nhiều lực lượng, hiện nông dân thị trấn Thạch Giám đã xuất mấy chục tấn khoai thương phẩm cho đơn vị liên kết. Tuy nhiên, hiện nay trong dân vẫn còn hơn 15 tấn khoai, có đường kính dưới 4,8 cm và trên 9 cm. Khoai tây là giống Atlantic, to hay nhỏ đều thơm ngon, bùi, bở, ngon hơn rất nhiều so với khoai tây ngoài thị trường... Khoai có thể bảo quản nhiệt độ thường từ 8-9 tháng, có thể để giống, bảo quản sử dụng dần, chế biến rất nhiều món... Nếu anh chị em, bạn bè có nhu cầu, xin liên hệ nông dân Thạch Giám để được thưởng thức”.

bna-ghep-3-2802.jpg
Khoai tây sau khi thu hoạch, được bà con phân loại theo tiêu chí công ty quy định từ trước. Ảnh: T.P

Thế nhưng, sáng 6/3, trên một trang Facebook cá nhân lại đăng bài kêu gọi "giải cứu". Về vấn đề này, bà Lương Thị Hiên -Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám khẳng định: “Không hề có chuyện người dân Thạch Giám kêu gọi giải cứu khoai tây. Sau khi cân nhập cho doanh nghiệp thì số lượng khoai tây không đạt chuẩn bao tiêu khoảng 20 tấn. Trong đó, người dân lựa chọn để giống cho vụ kế tiếp khoảng 10 tấn. Số còn lại trong dân không nhiều, hộ nhiều nhất cũng chưa đến 1 tạ. Khoai tây lại có thời gian bảo quản dài, ít hư hỏng nên không phải “bán tống, bán tháo” hay kêu gọi giải cứu”.

Theo chị Lương Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thạch Giám, để hỗ trợ người dân tiêu thụ khoai tây, cán bộ thị trấn và người dân có đăng bài bán khoai tây lên Facebook. Đó chỉ là nội dung đăng bán, không kêu gọi giải cứu. Giá bán lẻ của bà con tại thị trấn Thạch Giám là 10.000 đồng/kg, ship tận nơi là 15.000 đồng/kg.

bna-ghep-2-3408.jpg
Để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, cán bộ thị trấn Thạch Giám có đăng trên mạng xã hội để kết nối cung - cầu. Trong khi đó, một số trang cá nhân khác lại đăng kêu gọi giải cứu gây hiểu lầm. Ảnh: T.P

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện kêu gọi giải cứu khoai tây. “Mô hình mới, vừa thu hoạch vụ đầu tiên và theo đánh giá ban đầu là hiệu quả hơn nhiều so với các cây trồng trước đây. Do đó, việc đăng thông tin giải cứu là sai bản chất vấn đề, khiến người dân hoang mang và gây khó khăn cho việc nhân rộng mô hình”, bà Hiên khẳng định.

Thời gian gần đây, trên các trang Facebook cá nhân, các hội, nhóm có đăng bài kêu gọi giải cứu các nông sản như: hành tăm, khoai lang, khoai tây, ngô nếp… Song thực tế, ở các địa phương không hề có chuyện nông sản tồn đọng, ế ẩm đến mức phải giải cứu.

bna-luong-hien-1156.jpg
Bà Lương Thị Hiên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) khẳng định: "Không có chuyện kêu gọi giải cứu khoai tây". Ảnh: CSCC

Điều này, vô hình trung khiến nông sản mất giá trị; gây khó cho các địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo ấn tượng không tốt đối với những doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện liên kết.

Đáng buồn, có một số người dân xem việc đăng tin “kêu gọi giải cứu” là cách “thúc đẩy tiêu thụ” song, đây là suy nghĩ thiển cận. Bởi có thể nhiều người tiêu dùng “thương” nông dân mà hỗ trợ, mua giúp, nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt mà đánh mất giá trị, thương hiệu nông sản. Sản xuất theo mô hình liên kết, tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật phía công ty đưa ra, làm ra các nông sản đạt chuẩn thương phẩm thì sẽ được bao tiêu toàn bộ.

bna-giai-kius-7525.png
Đầu vụ, giá hành tăm neo cao, người dân mới bắt đầu thu hoạch trong khi nhiều trang mạng đã đăng đàn kêu gọi "giải cứu". Ảnh: T.P

Mới nhất

x
Không có chuyện kêu gọi ‘giải cứu’ khoai tây ở huyện Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO