Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An: Các vấn đề 'nóng' liên quan lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư được chất vấn và trả lời đúng trọng tâm, có chất lượng
(Baonghean.vn) - Chiều 13/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường |
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII;...
CẮT GIẢM THỦ TỤC, KHÔNG ĐỂ PHÁT SINH "GIẤY PHÉP CON"
Với nội dung chất vấn về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội đã có 10 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tập trung trên nhiều nội dung liên quan, đặc biệt là giải quyết các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến các nội dung về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Cường |
Theo đó, đại biểu Nguyễn Kỳ Hồng, Tổ đại biểu huyện Quế Phong đề nghị cho biết giải pháp để giải quyết khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
Về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết các giải pháp thời gian tới. Theo đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm, kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính mới, không ban hành hoặc yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục không có trong quy định nhằm tránh giấy phép con và các thủ tục quy định thêm.
Ông Nguyễn Xuân Đức cũng cho biết: Nội dung này, UBND tỉnh chỉ đạo rất rõ, theo đó công khai trên website của tỉnh, sở, ngành; đồng thời UBND tỉnh đã đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào để thực hiện theo dõi.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí việc làm giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là những người phải có đức, kiến thức, thái độ ứng xử đúng mực.
Đại biểu Nguyễn Kỳ Hồng, Tổ đại biểu huyện Quế Phong phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Theo đó, đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh đã có thể tra cứu hồ sơ dự án hiện nằm ở đâu, vướng mắc ở chuyên viên nào, ngành nào, sở nào.
Đẩy mạnh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án trên địa bàn; Sửa đổi Quyết định 25 về quy chế quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các thông tin, rõ hơn quy trình, cách thức thực hiện thời gian tới.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Lữ Thị Khuyên, Tổ đại biểu huyện Con Cuông về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sau đại dịch Covid -19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, số doanh nghiệp đăng ký mới và trả lại với thị trường là 1.640 doanh nghiệp; gấp 1,75 lần so với doanh nghiệp đóng, không quay lại thị trường.
Đại biểu Lữ Thị Khuyên, Tổ đại biểu huyện Con Cuông phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Dẫn số liệu trên, ông Nguyễn Xuân Đức nhận định đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của tỉnh, Sở đã xây dựng 6 giải pháp trọng tâm.
Trước hết là tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, gắn với giao chi tiết, cụ thể cho các ngành, đơn vị, địa phương liên quan về nhiệm vụ cụ thể cho ngành, lĩnh vực mình; đồng thời thành lập 5 tổ công tác đặc biệt do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các ngành đã tích cực trong việc hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, miễn giảm phí, lệ phí...
Cùng với đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp, Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trên cơ sở đó, năm 2022 đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ 6,22 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực;…
Đồng thời tham mưu cho UBND trình HĐND tỉnh dự thảo Quy định về phí, lệ phí đăng ký kinh doanh. Nếu HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này sẽ giảm 50 - 60% so với quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Ông Nguyễn Xuân Đức cho biết thêm: Sở đã chỉ đạo Phòng đăng ký kinh doanh hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng, hiện nay đã đạt 97%; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng Sổ tay hướng dẫn, cũng như sửa đổi các thủ tục đầu tư để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn; đồng thời đưa phần mềm quản lý dự án đầu tư trên địa bàn vào hoạt động trong tháng 8/2022.
Hàng quý, Sở cũng đã phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, các hiệp hội các doanh nghiệp để tổng hợp kiến nghị vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để tham mưu xử lý.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Sở cũng đã chỉ đạo tháo gỡ về việc tăng giá vật liệu xây dựng, cũng như đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công cho doanh nghiệp để có nguồn lực để triển khai.
KIÊN QUYẾT THAY THẾ NHÀ THẦU KÉM NĂNG LỰC
Giải ngân vốn đầu tư công cũng được nhiều ý kiến đại biểu phát biểu chất vấn. Bà Trần Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Thanh Chương đề nghị cho biết giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công?
Bà Trần Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Thanh Chương phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết: Tính đến ngày 30/6/2022, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 3.059.342 triệu đồng, đạt 32,58% kế hoạch; cao hơn mức bình quân cả nước, tuy nhiên thấp hơn so với cùng kỳ.
Lý giải về vấn đề này, ngoài các nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm, hoặc công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, cũng việc lựa chọn nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết có nơi còn yếu, còn có một số nguyên nhân khách quan.
Theo đó, năm 2022, toàn tỉnh có 80 dự án khởi công mới, 18 dự án chuyển tiếp có gói thầu mới. Các dự án này chiếm khoảng 48% tổng vốn bố trí của năm 2022. Trong khi để một dự án được khởi công cần thời gian khoảng 9 tháng đến 12 tháng. Vừa rồi, UBND tỉnh đã chỉ đạo đốc để rút ngắn thời gian xử lý còn 4 -6 tháng để các dự án này có thể khởi công sớm
“Như vậy, với các dự án khởi công mới, khoảng đến tháng 7, 8/2022 bắt đầu mới giải ngân được”, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết.
Ông Trình Văn Nhã - Tổ đại biểu huyện Thanh Chương chất vấn về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Thành Cường |
Mặt khác, một nguyên nhân rất quan trọng là giá cả nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án khác chuyển tiếp đa phần các dự án chờ quyết toán hoặc gặp khó khăn giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, quy trình các dự án ODA do tuân thủ luật Việt Nam và cả quốc tế nên khó khăn hơn trong giải ngân.
Từ xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết những giải pháp quyết liệt để giải ngân thời gian tới.
Trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm. UBND tỉnh đã chỉ đạo gắn xếp loại thi đua, kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó tiếp tục cải cách hành chính; yêu cầu các sở chuyên ngành như: Xây dựng, Giao thông vận tải… phải phê duyệt dự toán, bản vẽ thi công nhanh đối với các dự án khởi công mới để Sở Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, kiên quyết thay thế, xử lý nhà thầu kém năng lực; điều chuyển vốn từ các chủ đầu tư giải ngân kém sang các chủ đầu tư giải ngân có tỷ lệ giải ngân tốt.
Bám sát Nghị quyết số 11/NQ-CP, UBND tỉnh đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CÔNG VỤ, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN
Kết luận phiên chất và trả lời chất vấn, thay mặt chủ tọa điều hành phiên và kết luận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đánh giá: Sự lựa chọn vấn đề chất vấn của các đại biểu là trúng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của đời sống. Đây cũng là vấn đề của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan tâm. Các câu hỏi có nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, không trùng lắp, thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi kết luận nội dung chất vấn đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thành Cường |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng đánh giá: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có sự chuẩn bị khá kỹ, nắm chắc vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, đi thẳng vào các nội dung cơ bản, làm rõ được những nội dung mà đại biểu yêu cầu. Các sở, ngành liên quan đã tham gia trả lời chất vấn và giải trình rõ hơn về những vấn đề đại biểu quan tâm.
Thay mặt chủ tọa kỳ họp, sau khi đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai, cũng như triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng tình cao với các nhóm giải pháp do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường |
Cùng với đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, UBND chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung một số nội dung gồm: Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới; không chủ quan, lơ là trước những diễn biến mới của dịch bệnh để đảm bảo ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế kịp thời, đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của nhân dân; đặc biệt cần ưu tiên nguồn kinh phí chi trả xong chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian phòng, chống dịch, hoàn thành hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19 theo đúng quy định.
Cùng với đó tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ; tạo điều kiện tốt hơn nữa về nguồn vốn tín dụng và thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đáp ứng nguồn vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, tốt nhất.
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường |
Đồng chí Nguyễn Như Khôi cũng nhấn mạnh cần chỉ đạo, sớm hoàn thành các hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch, giải ngân kịp thời vốn đầu tư công.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát chuyên đề công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, trong đó chú trọng việc sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tập trung các giải pháp kết nối, giải quyết tốt cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động và tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường |
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trách nhiệm công vụ, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng các dự án, trong thủ tục đầu tư, cấp phép, xem xét rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận, thực hiện; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục của cán bộ công chức.
HĐND tỉnh và chủ tọa kỳ họp đề nghị các Ban HĐND tỉnh, các vị đại biểu tiếp tục theo dõi, đeo bám, giám sát việc thực hiện các ý kiến, giải pháp đã nêu lên của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan trong các nội dung quan trọng liên quan đến thực hiện các nội dung chất vấn và phiên thảo luận tổ. HĐND tỉnh sẽ tiếp tục nghe lại kết quả thực hiện các nội dung này, nhất là việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, những giải pháp sắp tới vào phiên họp HĐND tỉnh vào cuối năm nay.