Kỳ vọng mới của nông dân Kỳ Sơn

Huyền Thư 14/10/2019 06:35

(Baonghean) - Lứa gà đen bản địa đầu tiên hơn 1.000 con được tiêu thụ hết trong vòng 1 tuần đem lại niềm hy vọng lớn vào hướng phát triển kinh tế cho các hội viên Hội Nông dân xã Mường Lống. Đây cũng là thành công bước đầu của mô hình Chi - Tổ hội nghề nghiệp mà Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đang triển khai.

Niềm vui của nông dân
Từ ngày được các cấp hội Nông dân hỗ trợ 350 con gà đen giống bản địa để xây dựng mô hình Chi - Tổ hội nghề nghiệp, vợ chồng ông Vừ Tồng Bó ở xã Mường Lống vui lắm.

Ngày ngày, các thành viên trong gia đình ông đều chăm chút cho đàn gà với những niềm hy vọng. Hộ ông Vừ Tồng Pó cùng với 2 hộ khác là Lầu Bá Tu, Lầu Bá Xềnh ở Chi hội Nông dân Mường Lống 1 - xã Mường Lống được Hội Nông dân tỉnh và huyện Kỳ Sơn đầu tư và chỉ đạo thành lập Tổ hhội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen, trực thuộc Chi hội Mường Lống 1 - xã Mường Lống, Kỳ Sơn.

Đây là Tổ hội Nông dân nghề nghiệp đầu tiên tại huyện Kỳ Sơn. Quy mô Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen bước đầu có 6 thành viên tham gia, quy mô đàn gà đen của 3 hộ trên 1.000 con.

Anh Vừ Tồng Pó - Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi gà đen giới thiệu cách chọn gà trống thuần chủng để nhân giống. Ảnh: Huyền Thư
Anh Vừ Tồng Pó - Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi gà đen giới thiệu cách chọn gà trống thuần chủng để nhân giống. Ảnh: Huyền Thư

Được lựa chọn là một trong những hộ đầu tiên được hưởng lợi khi tham gia Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen tại Chi hội Mường Lống 1, ông Vừ Tồng Pó chia sẻ: Việc chăn nuôi gà thả vườn người Mông hầu như nhà nào cũng có, nhưng chủ yếu nuôi vài con đến vài chục con để cải thiện cuộc sống, còn nuôi quy mô lớn mang tính hàng hóa, nhóm hộ gia đình, tổ nghề nghiệp thì trước đây chưa ai nghĩ đến.

Sau khi được Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và xã Mường Lống định hướng, chỉ đạo và đi đến thành lập Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen cho các hộ tham gia, nhất là định hướng hoạt động thì gia đình ông đã nhận được lợi ích rất lớn.

Ông Pó nhấn mạnh, trước đây khi chăn nuôi gà ông thường đi mua thuốc, mua thức ăn, hoặc tổ chức phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi đều làm theo kiểu riêng lẻ và theo thói quen, làm vào các thời gian khác nhau nên hiệu quả không cao, lại dẫn đến tốn kém chi phí ngày công.

Thế nhưng, từ khi được tham gia vào tổ, các hộ đã biết liên kết với nhau cùng thống nhất cách làm giữa các hộ trong tổ. Chỉ cần một người đi mua thuốc, mua thức ăn chăn nuôi gà tại một cơ sở thì giá cả sẽ rẻ hơn, đỡ tốn ngày công; cùng một lúc phòng trừ dịch bệnh thì hiệu quả sẽ cao hơn.

“Đặc biệt là khi mình tham gia Tổ hội Nông dân nghề nghiệp thì quy mô sản xuất sẽ được mở rộng, năng suất, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao; thị trường rộng mở. Như hiện nay Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen của chúng tôi nếu đến thời điểm bán gà, kể cả hàng trăm, hàng nghìn con gà đen cũng tiêu thụ hết trong một tuần. Nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh đến tận vườn chuồng trang trại để mua gà đen, không đủ gà để bán cho thị trường. Với cách làm này, nông dân chúng tôi chẳng mấy chốc thoát nghèo.” - ông Pó vui vẻ cho biết.

Quy trình nuôi gà đen được nông dân Kỳ Sơn áp dụng các tiến bộ khoa học và chăm sóc đúng kỹ thuật 1 tháng trước khi chăn thả trong môi trường tự nhiên. Ảnh PV

Nhân rộng mô hình

Chăn nuôi gà đen là hoạt động kinh tế quen thuộc trong đời sống nhân dân huyện Kỳ Sơn, đặc biệt là trong đồng bào Mông. Tuy nhiên với thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu tự cấp của gia đình là chủ yếu, quy mô số lượng vài con đến vài chục con.

Hiện nay, gà đen đã dần trở thành một sản phẩm hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường, là đặc sản của huyện Kỳ Sơn. Phát triển chăn nuôi gà đen quy mô lớn, nhóm hộ, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen là hướng đi phù hợp với nhu cầu nguyện vọng và hướng làm giàu có tính khả thi cao cho người dân.

Thực hiện mô hình kinh tế với loại hình Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, hội viên nông dân sẽ được tập huấn về kỹ thuật, được tiếp cận với nhiều thông tin trong chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, tìm kiếm thị trường; giảm chi phí đầu tư, chi phí vật tư, phương tiện duy trì sản xuất; đồng thời nâng cao được năng suất, giá trị sản phẩm để đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Ông Lang Thanh Lương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, xây dựng và phát triển chi - Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, định hướng phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã đang được Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn tích cực triển khai thực hiện. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu thiết thực và cấp thiết trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh, xây dựng nông thôn mới.

Xác định tầm quan trọng và cấp thiết, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn lựa chọn lĩnh vực chăn nuôi gà đen để đầu tư, chỉ đạo xây dựng mô hình Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đen. Qua đó nhân rộng ra các lĩnh vực sản xuất khác trong tổ chức Hội Nông dân toàn huyện về xây dựng chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi về chủ trương, cách làm trong việc chỉ đạo, định hướng tổ chức xây dựng chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, ông Lang Thanh Lương cho biết: Xây dựng chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là một chủ trương đúng đắn, được cụ thể hóa thành Đề án, Nghị quyết của Hội Nông dân các cấp.

Đây cũng là loại hình tổ chức hạt nhân của Hội Nông dân để thu hút, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh; là nhu cầu cấp thiết của hội viên nông dân, quan trọng nữa là nhằm định hướng, góp phần xây dựng nông nghiệp theo hướng thị trường, hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Đàn gà đen thuần chủng của hộ anh Vừ Tồng Pó ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Huyền Thư
Đàn gà đen thuần chủng của hộ anh Vừ Tồng Pó ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Huyền Thư

Ở huyện Kỳ Sơn, tổ chức Hội Nông dân chọn xây dựng Tổ hội Nông dân chăn nuôi gà đen tại xã Mường Lống để làm điểm khởi đầu. Tổ gồm 3 hộ gia đình với 6 thành viên tham gia, Tổ đã đầu tư 2 máy ấp trứng với công suất 1.200 quả/lượt; tổng đàn gà đen của tổ trên 1.000 con, đem lại thu nhập của các hộ nuôi gà đạt 60 - 100 triệu đồng/năm.

Hàng năm Tổ được các cấp Hội tổ chức tập huấn, tham quan nhân rộng mô hình chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Và qua thực tế triển khai cho thấy, nhu cầu thị trường đối với đặc sản gà đen Kỳ Sơn là rất lớn, hơn 1000 con gà mà mô hình xuất bán chỉ trong vòng 1 tuần, nhiều đơn hàng phải từ chối vì không đủ số lượng.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tăng cường chỉ đạo, định hướng, triển khai thành lập các Tổ hội Nông dân nghề nghiệp tại 21 cơ sở hội, trên khắp các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo nhu cầu của nông dân và định hướng xây dựng nền nông nghiệp thị trường, nông nghiệp hàng hóa thì Hội Nông dân huyện tập trung vào lĩnh vực Tổ Hội Nông dân chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi dê địa phương, trồng đào lấy quả và lấy cành (đào Tết), trồng mận tam hoa, trồng dược liệu, dệt thổ cẩm... Đây là một loại hình tổ chức hạt nhân của Hội Nông dân, đồng thời cũng định hướng và phát triển kinh tế hợp tác, cơ sở hình thành và phát triển Tổ hợp tác, Hợp tác xã phát triển kinh tế...
Xây dựng và phát triển loại hình chi - tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại huyện Kỳ Sơn là một hướng đi đúng đắn, cấp thiết để nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, ông Lang Thanh Lương cho biết.

Mới nhất

x
Kỳ vọng mới của nông dân Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO