Ma nhai kỷ công bi văn - Xứng đáng được công nhận Bảo vật Quốc gia
Trong kho tàng di sản lịch sử - văn hóa Việt Nam, văn bia Ma nhai kỷ công bi văn tại núi Trầm Hương, thị trấn Trà Lân, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nổi lên như một chứng tích độc đáo, mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.
Được khắc trực tiếp lên vách núi đá vôi gần 700 năm trước, tấm bia không chỉ là minh chứng cho chiến công hiển hách của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông trong cuộc chinh phạt giặc ngoại xâm, mà còn là biểu tượng của tinh thần bảo vệ lãnh thổ và ý thức nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt. Với giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, văn bia này hoàn toàn xứng đáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Mài núi khắc bia
Triều đại nhà Trần sau 3 lần đại thắng đế quốc Mông Cổ đã nhanh chóng bắt tay vào việc phục hồi và phát triển đất nước. Dưới sự trị vì của các vị vua sáng và các tôi hiền tướng giỏi thì uy thế của Đại Việt ngày càng lớn mạnh. Nhưng trong thời gian này, các tù trưởng địa phương cũng như các nước láng giềng thường đem quân quấy phá nơi biên viễn. Sau khi đánh dẹp Ngưu Hống ở Đà Giang lại xảy ra việc chúa Ai Lao là Bổng gây hấn vùng biên phía Tây Nghệ An.

Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh cầm sáu quân đi đánh nghịch Bổng vào năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335). Sau khi thấy uy thế lớn mạnh của quân nhà Trần, giặc Bổng chạy trốn, thượng hoàng liền lệnh Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn bài văn này khắc vào vách núi Trầm Hương để kỷ niệm chiến thắng. Văn bia này được các sử gia trong Quốc sử quán triều Nguyễn đặt tên là “Ma nhai kỷ công bi văn” (văn bia kỉ niệm chiến công khắc vào núi đá), còn có tên gọi khác là bia Thành Nam. Theo nội dung khắc trên bia, uy thế của quân đội nhà Trần đã khiến giặc Bổng hoảng sợ bỏ chạy mà không cần đến một trận giao tranh đẫm máu. Sau chiến thắng, Thượng hoàng lệnh cho Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn - một Nho sĩ nổi tiếng thời Trần - soạn văn và khắc lên vách núi Trầm Hương để kỷ niệm sự kiện này.
Với chỉ 14 dòng, 155 chữ, tấm bia ngắn gọn nhưng súc tích, thể hiện rõ ràng tinh thần “uy thanh vang dội” của vương triều Trần, đồng thời gửi gắm thông điệp răn đe tới những thế lực có ý đồ xâm phạm biên cương Đại Việt.
Sự kiện này không chỉ là một chiến công quân sự mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Việc Thái thượng hoàng đế Trần Minh Tông thân chinh dẫn quân không chỉ nhằm dẹp loạn mà còn khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đánh dấu một “cột mốc” bằng đá trên vùng đất Tây Nam xứ Nghệ.
Giá trị độc bản
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn sở hữu những đặc điểm khiến nó trở thành một hiện vật độc nhất vô nhị. Đây là hiện vật gốc, độc bản, hiện trạng còn nguyên vẹn sau gần 700 năm thăng trầm cùng tuế nguyệt. Bia được lên núi đá vôi, không có hoa văn trang trí, không có tên văn bia, nhưng nội dung không trùng với bất kỳ tấm bia nào cùng thời. Là tấm bia cổ thời Trần duy nhất được phát hiện tại Nghệ An, và là tấm bia Ma nhai có niên đại cổ thứ 2 tại Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
Trên tổng thể tư liệu bia văn bia Việt Nam, đây là tấm bia duy nhất duy nhất gắn liền với sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc của các vị hoàng đế triều Trần. Đây còn là một áng hùng văn độc đáo quý hiếm thời Trần ở Nghệ An nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.
Ở Việt Nam, văn bia có niên đại ra đời sớm nhất được ghi nhận là tấm bia niên hiệu Kiến Hưng nhị niên (314) Nghè làng thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Phần đa văn bia có niên đại chủ yếu là thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, còn văn bia thời Lí, Trần trở về trước rất ít.
Bia Ma nhai kỷ công bi văn hiện là bia duy nhất thời Trần trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây cũng là văn bia độc đáo vì được khắc trực tiếp lên núi đá. trong khi các văn bia khác đều là loại chế tác. Những văn bia này thường ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa, như bia Ma nhai “Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn” ở Lai Châu và Hòa Bình của vua Lê Thái Tổ, bia Ma nhai “Quế Lâm ngự chế” của Vua Lê Thái Tông, hay các bài thơ khắc trên vách núi tại động Hồ Công của Vua Lê Thánh Tông, Vua Lê Hiến Tông, Chúa Trịnh Sâm, Tể tướng Nguyễn Nghiễm...
Văn bia ma nhai cổ nhất Việt Nam là văn bia (không có tên) được khắc lên vách núi Cô Phong (còn gọi là núi Liên Hoa), thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, mang niên hiệu Kiến Gia (1211-1224); và xếp sau đó chính là văn bia Ma nhai kỷ công bi văn mang niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) tại núi Trầm Hương, xã Chi Khê, huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Đây cũng là văn bia cổ nhất tại miền Trung Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh là 1 trong 2 văn bia ma nhai cổ nhất tại nước ta, bia Ma nhai kỷ công bi văn tuy chỉ 14 dòng 155 chữ nhưng lại là một văn bia có diện tích lớn (213cm x 155cm). Điều khá thú vị là nét chữ của nó to đạt mức kỉ lục, xứng đáng xếp vào hàng bia đá có nét chữ lớn nhất Việt Nam. Theo kết quả đo đạc sơ bộ, trung bình mỗi chữ có đường kính khoảng 10,5cm. Bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến là Đại Nam nhất thống chí có ghi rõ: “… chữ to bằng bàn tay, khắc sâu vào đá hơn 1 tấc, nay hãy còn”.
Như vậy, đây là một loại hình ghi chép rất đặc biệt, thường xuất hiện ở những vùng biên cương và những vùng có nhiều núi đá. Do tính chất cố định, bia ma nhai không thể di chuyển được nên càng khẳng định giá trị chân thực về nội dung mà văn bia chuyển tải. Đây thực sự là một tư liệu đặc biệt quý hiếm trong công tác nghiên cứu khoa học liên ngành.
Hiện trạng của văn bia cũng là một kỳ tích. Dù đã trải qua gần bảy thế kỷ, nhờ vị trí nằm dưới một tảng đá nhô ra và cây bụi che chắn tự nhiên, tấm bia vẫn giữ được sự nguyên vẹn đáng kinh ngạc, thách thức cả thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt. Điều này không chỉ thể hiện tài năng khắc đá của người xưa mà còn khẳng định giá trị chân thực, không thể thay thế của hiện vật.

Ý nghĩa lịch sử và tinh thần nhân văn
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn không chỉ cung cấp nhiều nguồn tư liệu quý hiếm trên các phương diện: ký tự học, mỹ thuật học, địa lý học lịch sử, mà còn giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử, lịch pháp, chữ viết thời Trần.
Văn bia khẳng định lãnh thổ và biên cương Tổ quốc
Vùng Tây Bắc hay Tây Nam Nghệ An luôn được các triều đại phong kiến xem là khu vực trọng yếu. Từ thời Lý đã có chủ trương phòng bị từ xa, sử cũng ghi lại rằng: hàng chục lần Vua Lý cùng các tướng giỏi cất quân đi chinh phạt ở biên giới phía Tây. Thời Trần cũng nối tiếp chính sách thời Lý, có tới 9 lần đi chinh phạt tại đây. Vào niên hiệu Khải Hựu thứ 7 thời Trần, Ai Lao quấy nhiễu biên cương phía Tây nước ta, thượng hoàng Trần Minh Tông tự thân chinh làm tướng đi đánh dẹp. Tuy các Vua Trần không xưng hiệu là Động chủ như các vua thời Lê sơ nhưng vẫn luôn có ý thức sáng tác văn học khắc lên núi đá, vừa kỷ niệm chiến công, vừa tạo ra “điểm mốc” để đánh dấu phân định lãnh thổ, mà tấm bia “Ma nhai kỷ công bi văn” do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn khắc lên vách núi Trầm Hương vào mùa đông năm Ất Hợi đời vua Trần Hiến Tông là minh chứng rõ ràng nhất về ý thức bảo toàn lãnh thổ của ông cha ta thuở trước.
Kế thừa ý chí đó, dưới thời Lê Sơ, chỉ trong 3 triều Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông đã có tới 8 lần dẫn quân đi chinh phạt những tù trưởng phản nghịch muốn ly khai hẳn khỏi sự ảnh hưởng của Đại Việt. Đúng như vua Lê Thái Tổ đã đúc kết:
Đề thi khắc nham thạch
Trấn ngã Việt Tây ngung.
(Đề thơ khắc vào núi đá
Để trấn giữ phía Tây nước Việt ta)
Như vậy thì việc viết văn hay làm thơ khắc vào núi đá ở những nơi mà quân ta đích thân đến, như một lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
Văn bia đề cao tinh thần nhân văn trong nghệ thuật quân sự.
Trong bối cảnh chiến tranh, nhân văn và hòa bình đã trở thành những khái niệm vô cùng quan trọng để gìn giữ đời sống con người. Chiến tranh luôn mang lại đau thương, mất mát và khổ cực cho nhân loại, khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình. Thay vì sử dụng bạo lực và vũ lực, việc áp dụng biện pháp răn đe, đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên cần được đề cao để kết thúc những xung đột.
Văn bia ghi lại chiến công của Nhà Trần chống giặc Ai Lao. Tuy nhiên, lại không hề nhắc đến cảnh chém giết hay giao tranh đẫm máu, mà chỉ nhắc đến việc quân ta thể hiện sĩ khí và thanh thế để khiến giặc tự rút lui, vua ta liền đem quân trở về ngay. Nước ta bảo vệ được biên cương nhưng giữa 2 bên không có tổn thất nhân mạng. Qua đó cho thấy rõ sự truyền tải tư duy chiến lược sâu sắc, nhấn mạnh tránh chiến tranh bằng trí tuệ và chiến lược, thay vì chỉ dựa vào vũ lực để giành chiến thắng. Thể hiện tính nhân đạo và chiến lược chính trị khôn ngoan, giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên, thể hiện trí tuệ và phẩm chất cao đẹp của người Việt dưới thời nhà Trần thấm đẫm từ bi Phật giáo.
Hòa bình chính là mục tiêu hướng đến. Phải chăng đến sau này, Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới, đã thể hiện nghệ thuật "công tâm" qua những chiến lược chính trị tài ba trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Kế sách "đánh vào lòng người" là phương pháp nổi bật giúp ông và Lê Lợi thu phục quân Minh mà không cần phải sử dụng vũ lực. Tác phẩm “Bình Ngô Đại cáo” của ông không chỉ là bản tuyên ngôn độc lập mà còn phản ánh tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân, cùng chính nghĩa rõ ràng của cuộc kháng chiến.
Dấu ấn của Nho sĩ Nguyễn Trung Ngạn
Không giống như các bia đá khác, Bia Ma nhai kỷ công bi văn khắc trực tiếp lên núi đá và không ghi rõ người soạn, người viết chữ, kể cả hoa văn trang trí. Nhưng nó lại được các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến và cho biết tác giả là Nguyễn Trung Ngạn - Hoàng giáp khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Anh Tông triều Trần (1304).
Ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Gián quan, Ngự sử đài Thị ngự sử, Nội mật viện phó sứ... Đặc biệt, năm Giáp Dần (1314) ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Đến năm 1341, ông được giao giữ chức Kinh sư đại doãn (tương đương chức Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày nay) và là vị Kinh sư đại doãn nổi tiếng nhất trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Chính vì vậy, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có đến 7 ngôi đền thờ ông. Ông được Phan Huy Chú đánh giá là 1 trong 10 người phù trợ có công lao thời Trần, ngang hàng với Thượng tướng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh.
Không chỉ là vị quan nổi tiếng về chính sự, ông còn một nhà văn, nhà thơ, một soạn giả tài năng. Về luật pháp, ông cùng Trương Hán Siêu soạn bộ Hình thư và Hoàng triều đại điển nay không còn. Về thơ, ông để lại trên dưới 84 bài chép rải rác trong các tập thơ của các tác giả đời sau như Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích và Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Vì có tài văn học, nên những lần Thượng hoàng thân chinh đều lệnh ông hộ giá để biên soạn thực lục. Ma nhai kỷ công bi văn là tác phẩm văn học duy nhất còn lại của ông.
Đặc biệt, tại Nghệ An, có họ Nguyễn Công tại xã Thái Sơn, huyện Đô Lương được coi là dòng dõi của Nguyễn Trung Ngạn. Nhà thờ họ Nguyễn Công tại xã Thái Sơn, huyện Đô Lương đã được tỉnh Nghệ An công nhận là "Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành phố". Họ Nguyễn Tài tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương cũng là hậu duệ của Nguyễn Trung Ngạn với các tên tuổi như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Tài Tuệ. Cũng tại Nghệ An, đền Linh Kiếm cũng là nơi thờ Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn, ở thôn Thuận Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương. Nhiều đường phố mang tên ông như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vinh... Nhiều trường học ở Việt Nam cũng mang tên ông.
Xứng đáng với danh hiệu Bảo vật quốc gia
Với những giá trị vượt trội về lịch sử, văn hóa và khoa học, văn bia Ma nhai kỷ công bi văn hội tụ đầy đủ các tiêu chí để được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây là hiện vật gốc, độc bản, mang hình thức độc đáo và chứa đựng thông tin quý hiếm về thời Trần - một giai đoạn vàng son trong lịch sử Việt Nam. Ngày 2/8/2011, văn bia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia, và giờ đây, nỗ lực đưa nó lên tầm Bảo vật Quốc gia là một bước đi cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Việc công nhận văn bia không chỉ là sự ghi nhận công lao của tiền nhân mà còn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ hôm nay.
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn không chỉ là một tấm bia đá mà còn là một cuốn sách lịch sử sống động, khắc sâu trên vách núi Trầm Hương. Nó kể lại câu chuyện về hào khí Đông A, về trí tuệ và lòng nhân đạo của người Việt, đồng thời là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ và gìn giữ hòa bình. Việc bảo tồn và tôn vinh di sản này không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, để những giá trị ấy mãi trường tồn cùng thời gian.
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn mang đặc tính lý hóa của đá, nên đến nay nhiều văn bia vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đây thực sự là nguồn tư liệu gốc quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, là những di sản cần được bảo tồn, nghiên cứu, truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, ghi nhận những công lao to lớn của các bậc tiền nhân; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển bền vững việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn là hiện vật gốc, độc bản, là tấm bia cổ, quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, thư pháp, lịch pháp, địa danh hành chính. Văn bia này hội tụ đủ các điều kiện đề nghị Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia.