Mùa Xuân, lên núi hái lộc chè…

Hoài Thu 13/02/2024 09:30

(Baonghean.vn) - Ở huyện Kỳ Sơn, có những bản làng đã hàng trăm năm nay sống xen giữa những đồi chè shan tuyết cổ thụ. Hiện nay, cây chè đang dần trở thành cây trồng mang đến ấm no cho nhiều hộ dân. Mùa Xuân, đồng bào lại lên núi hái lộc xanh của đất trời…

Cây quý nơi đại ngàn

Ngôi nhà của già Hờ Tồng Lầu cách Nhà Văn hoá bản Phà Bún không xa. Già Hờ Tồng Lầu là trưởng bản, sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Huồi Tụ. Nay đã hơn nửa đời người, già Hờ Tồng Lầu cho biết, khi ông chập chững biết đi, quanh nhà đã có những cây chè shan tuyết cao lớn.

“Nay những cây chè đó đã trở thành cổ thụ, thân cây rêu mốc in dấu thời gian. Thân cây chè to hơn thân người, tuổi của chè cũng nhiều hơn tuổi của người”, già Tồng Lầu chia sẻ.

bna-che-ky-son1-1478.png
Cây chè cổ thụ trăm năm tuổi ở Huồi Tụ. Ảnh: Hoài Thu

Bản Phà Bún có hơn 60 hộ dân, với khoảng 300 nhân khẩu, cư trú ở lưng chừng các sườn núi cận kề bản Huồi Lê. Và điều đặc biệt, hầu như hộ nào cũng có vài ba gốc chè cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi. Mảnh đất Huồi Tụ mát về mùa Hạ, lạnh về mùa Đông với màn mưa bụi, sương mù dày đặc rất hợp để thưởng thức chè shan tuyết.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân bản Phà Bún gắn bó mật thiết với những cây chè cổ thụ. Từ đó, bát nước chè xanh được nấu từ lá chè shan tuyết cũng hiện diện trong mỗi bữa cơm gia đình, trong mỗi câu chuyện quanh bếp lửa ấm trong những ngày lạnh giá.

“Nước lá chè shan tuyết cổ thụ có vị khá đặc biệt, vừa có vị chát ngọt, lại pha chút đắng nhẹ. Vị chè này lớp người già như chúng tôi đặc biệt yêu thích, nhưng lớp trẻ tuổi bây giờ thì lại khác, không mấy người có thói quen nấu nước lá chè shan tuyết già nữa”, ông Hờ Tồng Lầu bộc bạch.

bna-che-5-9779.jpg
Thân cây chè shan tuyết ở Huồi Tụ rêu mốc in dấu thời gian. Ảnh: Hoài Thu

Cũng từ thực tế đó, cây chè cổ thụ ở bản Phà Bún qua năm tháng số lượng ngày càng giảm. Bởi rằng người già lưu luyến, còn người trẻ lại muốn phá bỏ để trồng các cây khác có thể mang lại giá trị kinh tế, “làm” ra tiền như cây bưởi, cây hồng, hay cây bo bo, cây gừng…

Ở rẻo cao Huồi Tụ, ngoài bản Phà Bún còn có nhiều bản làng khác hiện vẫn còn sự hiện diện của cây chè shan tuyết cổ thụ, ví như ở các bản Na Ni, Huồi Lê, Phà Xắc...

"Trước đây là những rừng chè, nay chỉ còn là những đồi chè, vườn chè. Các cây cao lớn, đường kính một vòng tay người ôm đã bị chặt phá nhiều, số lượng nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, bà Lỳ Y Xài ở bản Phà Xắc chia sẻ.

bna-che-ky-son4-8608.jpg
Phụ nữ dân tộc Mông ở Huồi Tụ hái chè shan tuyết. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài chè shan tuyết cổ thụ, ở huyện Kỳ Sơn còn có cây chè quý mọc hoang dã, tự nhiên ở xã Tây Sơn. “Đó là vùng chè đỏ quý hiếm, chỉ có khoảng 7-8 ha, cây cao lớn, có lá màu đỏ rực lúc còn non, và chuyển sang đỏ sẫm, tím đỏ khi già. Rừng chè này nằm trong khu vực rừng phòng hộ, có tuổi đời hàng chục năm và cao lớn. Muốn thu hái lá chè đỏ phải dùng thang” , ông Vừ Rả Tênh – Bí thư Đảng uỷ xã Tây Sơn cho biết.

Đó là vùng chè đỏ nằm ở địa phận bản Đống Trên và Đống Dưới, là 2 bản xa nhất của xã Tây Sơn. Với cung đường chỉ một chiều lên dốc cao, những đoạn chưa được đổ bê tông, mùa mưa không thể đi được do trơn trượt, cũng vì thế đường đến với rừng chè đỏ cũng bị hạn chế. Ngay cả với người dân địa phương, để đến được rừng chè cũng phải lựa ngày nắng ráo.

bna-che-do-6203.png
Cây chè đỏ tự nhiên ở xã Tây Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Phát huy giá trị chè shan tuyết

Ngoài giá trị dưỡng chất của trà, thì những cây chè chè cổ thụ, chè đỏ ở những vùng chè cổ thụ của huyện Kỳ Sơn còn mang lại giá trị lớn về du lịch sinh thái, về bảo tồn cây dược liệu quý. Bởi vậy, phát triển kinh tế từ cây chè là hướng đi hiệu quả, mang lại ấm no cho nhiều hộ dân.

Ông Vừ Bá Lỳ, một người dân ở bản Na Ni, xã Huồi Tụ cũng bày tỏ, ở nhiều bản của Huồi Tụ, trong đó có quê hương Na Ni, trước đây có rất nhiều cây chè shan tuyết cổ thụ, có cây đã trăm năm tuổi vẫn vươn bóng mát sum suê. Nhưng nay cây chè quý này đang giảm đi trông thấy, là một điều đáng tiếc.

Bản thân ông Vừ Bá Lỳ cũng từng nhiều năm đảm nhận công tác ở UBND xã Huồi Tụ, cùng với các cấp chính quyền cố gắng tìm “con đường” phát triển kinh tế từ cây chè shan tuyết cổ thụ, song đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả.

“Hướng bền vững và khả quan nhất vẫn là phát triển du lịch sinh thái, tham quan những vùng chè trăm năm tuổi. Nhưng hiện nay, cơ bản người dân chưa có nguồn lực để phát huy”, ông Vừ Bá Lỳ cho biết.

bna-che-3-3557-8055.png
Người dân bản Đống Trên, xã Tây Sơn hái chè đỏ. Ảnh: P.V

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh, phát triển kinh tế từ cây chè đang mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân. Lãnh đạo UBND xã Huồi Tụ cho hay, ở Huồi Tụ cũng vậy, trồng chè shan tuyết đang là “kênh” phát huy hiệu quả. Cây chè shan tuyết đang được người dân xã Huồi Tụ trồng cũng là “hậu duệ” của chè shan tuyết cổ thụ, sản phẩm từ cây chè shan tuyết đã đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh.

Ở huyện Kỳ Sơn, xã Huồi Tụ là xã có diện tích chè shan tuyết lớn nhất huyện với hơn 280 ha. Mấy năm lại nay, UBND xã Huồi Tụ xã tiếp tục khuyến khích người dân tích cực chăm sóc, thu hái chè, khôi phục diện tích chè bỏ hoang, trồng mới cây chè, hình thành vùng nguyên liệu sạch, chất lượng mang “thương hiệu” chè shan tuyết Huồi Tụ. Sản phẩm được sản xuất bởi Hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ Huồi Tụ.

bna-che-1-7576.png
Cuối mùa Đông đầu mùa Xuân là thời điểm đồng bào Kỳ Sơn lên núi hái chè. Ảnh: Hoài Thu

Đối với cây chè shan tuyết cổ thụ, cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị cây quý phục vụ du lịch sinh thái; hoặc nghiên cứu hướng chế biến sâu như ủ trà kombucha từ lá chè, vừa nâng giá trị kinh tế, vừa tạo ra sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Có như vậy, những vùng chè cổ thụ trăm năm tuổi vừa được bảo vệ, sẽ trường tồn cùng thời gian, vừa trở thành một nét đặc sắc, riêng có, với những đóng góp về giá trị kinh tế ngày càng cao cho mảnh đất Kỳ Sơn.

Mới nhất
x
Mùa Xuân, lên núi hái lộc chè…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO