Nam Đàn phát huy hiệu quả tín dụng chính sách giải quyết việc làm
(Baonghean.vn) - Ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn huyện Nam Đàn gặp không ít khó khăn. Nhờ sự chung tay của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới mang lại nguồn thu nhập tốt.
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Đối với chị Phạm Thị Mùi ở xã Nam Giang (Nam Đàn), được trồng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đó không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê từ nhỏ. Năm 2020 gia đình chị Mùi thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Đàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ban đầu có được, chị Mùi bắt đầu nhập các loại cây hoa, cây cảnh về để bán. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã ổn định, không chỉ trả hết số nợ vay Ngân hàng mà còn tích cóp, sửa chữa được ngôi nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh của mình, chị Mùi cho biết: "Những năm gần đây, khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thì nhu cầu chơi hoa, cây cảnh ngày một nhiều. Năm 2020, tôi may mắn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện, nên bàn với chồng sửa sang lại vườn, mạnh dạn nhập các loại hoa, cây cảnh về bán. Thời gian đầu tuy có khó khăn, nhưng hiện nay việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Chị Phạm Thị Mùi ở xã Nam Giang (Nam Đàn) chăm sóc vườn hoa được đầu tư từ vốn vay Giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: VP |
Bên cạnh việc nhập hoa sẵn có về bán, chị còn ươm mầm, nhân giống một số loại hoa, cây cảnh như hoa hồng, hoa giấy, mẫu đơn… để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, gia đình còn nhận thầu các công trình trồng hoa, trồng cỏ trong và ngoài địa bàn tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 3 chị em khác.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, gia đình chị Mùi còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân trong xã về kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh trong vườn nhà; tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Hội Phụ nữ và địa phương phát động. Năm 2021, chị được Hội Phụ nữ huyện công nhận là tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong việc phát triển kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
“Nhờ có vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi mà hôm nay vợ chồng tôi đã có việc làm ổn định, còn tạo thêm việc làm cho một số chị em trong xóm”- chị Mùi chia sẻ.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn đầu tư trang trại chăn nuôi gà, vịt. Ảnh: VP |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Đàn còn có nhiều mô hình vay vốn giải quyết việc làm hiệu quả. Trong số đó phải kể đến gia đình anh Nguyễn Hà Trung ở xóm Sen 4, xã Kim Liên. Bắt đầu từ năm 2008, anh Trung vay 50 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình anh có trang trại chăn nuôi rộng 3,5 ha đào ao thả cá và nuôi lợn…
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Trung ương, tỉnh, Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Nghị quyết của Hội đồng quản trị các cấp để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, giải ngân đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ban đại diện Hội đồng quản trị đã tham mưu tốt cho HĐND và UBND huyện thực hiện chuyển 500 triệu đồng sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Chỉ thị 40, hoàn thành 100% kế hoạch tỉnh giao năm 2022.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn hướng dẫn người dân vay vốn. Ảnh: VP |
Tổng nguồn vốn đến đầu tháng 4/2022 đạt 428,917 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,5%. Doanh số cho vay trong quý I/2022 đạt 42,888 tỷ đồng. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn như: cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Tổng dư nợ đạt 428,921 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao, tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% tăng hơn cùng kỳ năm trước 1,7%. Thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách với 8.073 khách hàng đang còn dư nợ.
Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội đạt 427,852 tỷ đồng, chiếm 99,9% trên tổng dư nợ của toàn huyện, trong đó, Hội Nông dân quản lý cao nhất, với trên 156 tỷ đồng; tiếp đó là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.
Ông Nguyễn Sỹ Hải – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn cho biết, hiện nay ngân hàng đang tiếp tục bám sát Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH. Tích cực triển khai công tác tuyên truyền tại địa phương về phổ biến các chủ trương, chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho vay…
“Trong thời gian tới, để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách vay vốn các chương trình tín dụng, đặc biệt chương trình giải quyết việc làm để người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã, huyện