Nắng nóng và xâm nhập mặn 'uy hiếp' 700 ha lúa hè thu ở Nghi Lộc

Nguyễn Hải 15/06/2019 10:19

(Baonghean.vn) - Đến 15/6, có khoảng 700 ha trên tổng số 5.100 ha lúa hè thu của huyện Nghi Lộc bị uy hiếp bởi nắng nóng thiếu nước tưới và xâm nhập mặn.

Nắng nóng và thiếu nước tưới làm hơn 100 ha lúa hè thu xã Nghi Thuận bị khô nứt nẻ. Ảnh: Nguyễn Hải
Nắng nóng và thiếu nước tưới, khiến hơn 100 ha lúa hè thu xã Nghi Thuận bị khô nứt nẻ. Ảnh: Nguyễn Hải

Xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) là địa phương cuối nguồn nước tưới, nên chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt nắng nóng này. Ông Nguyễn Đình Phương, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Vụ hè thu năm nay, xã gieo cấy 310 ha lúa. Thế nhưng do nắng nóng và thiếu nguồn nước tưới nên gần như toàn bộ diện tích đã bị ảnh hưởng, trong đó hiện khoảng 100 ha đất lúa đã bị khô hạn, nứt nẻ; chỉ cần nắng từ 5-7 ngày nữa thì rất khó cứu vì mạ sẽ chết hoàn toàn.

Không chỉ Nghi Thuận mà các xã khác ở phía cuối hệ thống sông Cấm như Nghi Diên, Nghi Hoa, Nghi Hưng, thị trấn Quán Hành… do nắng nóng nên lúa bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Vụ hè thu năm nay, Nghi Lộc gieo cấy 5.100 ha trên kế hoạch 7.000 ha (diện tích còn lại làm lúa muộn). So với các năm trước, năm nay huyện xuống giống sớm hơn nên các trà 1 và trà 2 đang phát triển tốt. Tuy nhiên, do nắng nóng nên có 700 ha đã bị hạn và trên 200 ha đã bị khô nứt nẻ, có nguy cơ bị thiệt hại, mất trắng rất cao.

Do không có nước ngọt về nên hệ thống trạm bơm và kênh mương đều bị vô hiệu hóa. Ảnh: Nguyễn Hải
Do không có nước ngọt về nên hệ thống trạm bơm và kênh mương đều bị vô hiệu hóa. Ảnh: Nguyễn Hải

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, công tác phòng chống hạn và cứu lúa ở Nghi Lộc khó khăn không chỉ vì thiếu nước tưới mà thậm chí có vùng có nước nhưng cũng không thể tưới được. Nguyên nhân là do Nghi Lộc nằm cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Nam nên lượng nước ngọt từ thượng nguồn về gần như không có nên 65 trạm bơm tưới dọc sông Gai và sông Cấm bị vô hiệu hóa.

Không những thế, sông Cấm đã bị nước mặn xâm thực sâu nên không thể tưới. Theo kết quả quan trắc của Công ty Thủy nông Nam cảnh báo, nguồn nước sông Cấm đã bị nhiễm mặn xâm thực ngược lên 12 km, đến cầu Phương Tích (xã Nghi Phương,) nên các xã phía dưới không thể tổ chức bơm tưới.

Một Trạm bơm gần cầu N5 xã Nghi Thuận do mực nước giảm sâu và nước mặn xâm thực nên không thể bơm tưới. Ảnh: Nguyễn Hải
Một Trạm bơm gần cầu N5 xã Nghi Thuận do mực nước giảm sâu và nước mặn xâm thực nên không thể bơm tưới. Ảnh: Nguyễn Hải

Thực tế tại xã Nghi Thuận cho thấy, xã có 5 trạm bơm công suất lớn nhưng 3 trạm đã bị treo vì thiếu nguồn nước còn 2 trạm bơm thì chỉ khi nào kiểm tra chắc chắn là nước ngọt về mới được bơm lên đồng.

Để cứu lúa hè thu, huyện Nghi Lộc chỉ đạo các xã vùng hồ đập như Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều… tưới tiết kiệm nước; các xã Nghi Yên, Nghi Hưng, Nghi Đồng, tiết kiệm nguồn nước còn lại từ các hồ đập, nạo vét bùn và khơi thông dòng chảy tại sông Gai để tưới giữ ẩm cho lúa. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết... nếu thiếu nước thì tạm dừng sản xuất lúa hè thu; tổ chức đắp quai tại cống qua đường N5 đoạn chảy qua xóm 11 xã Nghi Thuận để ngăn nước mặn chảy ngược lên.

Một máy bơm khác ở Nghi Thuận ở trong tình trạng khi có nước tưới khi không vì chỉ bơm khi có kết quả quan trắc tỷ lệ nước ngọt đảm bảo. Ảnh: Nguyễn Hải
Một máy bơm ở Nghi Thuận ở trong tình trạng "chập chờn" vì khi có kết quả quan trắc tỷ lệ nước ngọt đảm bảo mới dám bơm lên đồng. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài các xã vùng dưới thì các xã vùng trên cao cưỡng như Nghi Văn, Nghi Lâm và Nghi Kiều cũng đang căng mình chịu hạn. Ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho hay: Nghi Văn cũng như các xã vùng hồ đập đang căng mình chống nắng hạn. Vụ này, xã chỉ đạo bà con gieo sạ 510 ha hè thu nên xã tiết kiệm được nước tưới.

Hiện nay, mức nước của các hồ đập trên địa bàn đã xuống và diện tích lúa của xã có khả năng chịu được 10 ngày nữa, nếu căng quá thì mới phải dùng bơm cơ động để tưới...

Đoạn sông Cấm chảy qua xã Nghi Thuận, do nước ngọt giảm sâu và nước mặn xâm thực lên nên dù chưa cạn kiệt nhưng không thể bơm tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Hải
Đoạn sông Cấm chảy qua xã Nghi Thuận, do nước ngọt giảm sâu và nước mặn xâm thực nên dù chưa cạn kiệt nhưng không thể bơm tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Phương án đắp quai ngăn nước mặn tại cống qua đường N5, xã Nghi Thuận là tối ưu nhất, chậm ngày nào thì nước mặn xâm thực lên nhiều thêm.

Đê quai tạm thời ngăn nước mặn tại cống qua cầu N5, xóm 11 xã Nghi Thuận. Dù bị người dân có ý kiến phản ứng nhưng đây là giải pháp cấp bách và tối ưu nhất. Ảnh: Nguyễn Hải
Đê quai tạm thời ngăn nước mặn tại cống qua cầu N5, xóm 11 xã Nghi Thuận. Dù bị người dân có ý kiến phản ứng nhưng đây là giải pháp cấp bách và tối ưu nhất. Ảnh: Nguyễn Hải


Trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài, lúa bị thiệt hại thì phải chấp nhận. Khi đó, huyện sẽ tính toán, trích ngân sách hỗ trợ bà con trồng cây khác khi mưa xuống. Về lâu dài, Nghi Lộc mong tỉnh đẩy nhanh Dự án xây dựng mới cống Nam Đàn để đưa vào vận hành cung cấp nguồn nước ngọt về sông Gai và sông Cấm, qua đó hệ thống bơm tưới sẽ phát huy được tác dụng, hiệu quả với cây lúa và sẽ khắc phục cơ bản hiện tượng nước mặn xâm thực diễn ra mỗi khi có nắng hạn hàng năm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Mới nhất

x
Nắng nóng và xâm nhập mặn 'uy hiếp' 700 ha lúa hè thu ở Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO