Ngành Y tế Nghệ An cần nỗ lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh của người dân
(Baonghean.vn) - Làm việc với Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị ngành cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu trong các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm y tế của khu vực Bắc Trung Bộ.
Chiều 14/9, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác y tế từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Chi - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh; Bùi Đình Long - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG TỰ HÀO, TRÂN TRỌNG
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, các thể chế, chính sách bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập... nhưng ngành Y tế đã quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Ngành đã chủ động triển khai thực hiện các Nghị Quyết, Đề án, kế hoạch của tỉnh ban hành và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu đến năm 2025: 93% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; đạt 39 giường bệnh/1 vạn dân; đạt 13 bác sĩ/1 vạn dân; tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên hàng năm 1,2% dự kiến đều đạt và vượt so với chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Thời gian qua, ngành Y tế đã tập trung tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; có những bước đột phá về chất, nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng trong khám, chữa bệnh. Tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có bước chuyển biến căn bản; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế ngày càng tăng lên.
Công tác phòng chống dịch được tập trung, chủ động kiểm soát, trong đó đại dịch Covid-19 đã được các cấp, ngành chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp tích cực, kiểm soát kịp thời, hiệu quả. Công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được tổ chức kịp thời, an toàn, bao phủ rộng khắp, góp phần sớm kìm chế dịch bệnh.
Ngành Y tế cũng đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Mạng lưới y tế phát triển nhanh đồng bộ nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa được nâng hạng với quy mô lớn, y tế tư nhân phát triển mạnh góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nâng tầm và khẳng định vị trí ở khu vực.
Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên môn sâu được áp dụng triển khai mạnh ở các tuyến; công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng có hiệu quả. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được quan tâm; công tác dân số và phát triển đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng, tăng cường và có bước chuyển quan trọng. Từ 2020 đến tháng 6/2023, cử đi đào tạo sau đại học chuyên ngành y, dược 99 tiến sĩ, chuyên khoa II, 350 thạc sĩ, chuyên khoa I. Công tác xã hội hóa thu hút các nguồn lực, thực hiện tự chủ các đơn vị bệnh viện, trung tâm tuyến tỉnh, huyện đã phát huy hiệu quả.
Tổ chức bộ máy, nhân lực y tế ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Toàn ngành đã tinh giản được 76 đầu mối đơn vị cơ sở, giảm 4.824 biên chế viên chức, giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai hiệu quả tại các đơn vị; y đức được chú trọng, chất lượng phục vụ từng bước được nâng lên, tiến tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, ngành Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực thiếu về số lượng, cơ cấu ứng tuyển, chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng ở một số đơn vị các tuyến nhất là tuyến huyện, tuyến xã. Việc mua sắm, đấu thầu cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư gặp nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng y tế công nghệ thông tin, trang thiết bị y tế đầu tư trang bị chưa đồng bộ, bất cập, đặc biệt tuyến y tế cơ sở...
Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá cao những kết quả mà ngành đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cũng đề nghị Sở Y tế đánh giá nghiêm túc, khách quan, chất lượng, toàn diện về các khó khăn, điểm nghẽn, hạn chế của ngành, từ đó đưa ra giải pháp để khắc phục hiệu quả, như: Tình trạng quá tải bệnh viện; khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; vượt dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế;...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát toàn diện các đề án còn hiệu lực, tập trung quyết liệt để tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp mở rộng các đề án hiệu quả. Nâng cao công tác quản trị, từ đó tham mưu quyết liệt, chính xác, đúng cho UBND tỉnh.
Nhấn mạnh ngành Y tế có trách nhiệm vinh dự và nặng nề theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, mục tiêu, nhiệm vụ đã rõ, vấn đề là ngành phải thực hiện thế nào.
Trong thời gian tới, ngành Y tế cần quan tâm quy hoạch về mạng lưới khám chữa bệnh cơ sở, hệ thống các bệnh viện, mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ trong ngành yên tâm công tác.
PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG NGHỆ AN TRỞ THÀNH TRUNG TÂM Y TẾ KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao kết quả mà Sở Y tế nói riêng và ngành Y tế nói chung đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bởi đây là giai đoạn khó khăn nhất, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, đặc biệt là đại dịch Covid-19. "Qua khó khăn, càng trân trọng và tự hào về những đóng góp, về vai trò, vị trí của ngành Y tế với sự tích cực, chủ động, hiệu quả".
Ngành Y tế đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch triển khai Chương trình hành động. Ngành cũng đã bám sát những vấn đề phát sinh trong thực tế để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong điều kiện tỉnh còn khó khăn nhưng kết quả ngành đạt được rất đáng tự hào. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển đồng đều, đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh trong khu vực và cả nước bạn Lào, đặc biệt khu vực trung tâm, hệ thống ngoài công lập.
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, chuyên môn sâu. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm, thực hiện tốt; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về chuyên môn y tế. Hệ thống y tế cơ sở bao phủ rộng; chủ động cơ bản đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Mặt khác, tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành đã giúp ngành đạt được kết quả trên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý những vấn đề mà ngành cần quan tâm. Đó là việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại khu vực vùng sâu, vùng xa hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Việc triển khai nhiệm vụ đầu tư công của ngành còn có hạn chế, kết quả giải ngân còn chậm. Vẫn còn tình trạng cán bộ, người lao động vi phạm y đức, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính... dẫn đến mức phải kỷ luật.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã được quy định cụ thể trong các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm Y tế của khu vực Bắc Trung Bộ.
Ngành cũng cần quan tâm thực hiện những nội dung quy hoạch của ngành, nhất là quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống bệnh viện, cơ sở đào tạo. Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Y tế cần thể hiện rõ vai trò tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho tỉnh trong giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tồn tại của ngành, trong đó tập trung vào các nút thắt lớn, tồn tại nhiều năm qua.
Nhấn mạnh mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế chủ động thực hiện công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh, lấy dịch Covid-19 làm bài học kinh nghiệm. Chủ động nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh thông qua việc phát triển các hệ thống dịch vụ y tế chất lượng cao, kỹ thuật cao, chuyên môn sâu, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngành cần quan tâm củng cố hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn; tiếp tục phát triển hiệu quả hơn nữa hệ thống y tế ngoài công lập; quan tâm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kế hoạch hoá phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh.
Mặt khác, ngành Y tế cần tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành, của các đơn vị trong ngành, thực hiện tốt cơ chế tự chủ, từ đó tham mưu cho tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ y tế cơ sở.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế triển khai kịp thời, rõ ràng, minh bạch, công khai việc đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, chủ động phân cấp, phân quyền cho các cơ sở y tế. Các sở, ban, ngành liên quan cũng phải đồng hành, phối hợp với Sở Y tế để thực hiện tốt công tác này.
Bên cạnh đó, trong điều kiện tỉnh còn khó khăn, ngành cần tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, tiếp tục huy động các nguồn lực khác để đầu tư cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho những địa bàn khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị ngành cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số. Quan tâm đối ngoại, hỗ trợ các địa phương của Lào có chung đường biên giới với tỉnh trong công tác y tế.
Cùng đó, ngành cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của ngành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của ngành, tập trung giáo dục y đức, phong cách, thái độ của đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành.