Người dân xã 'ốc đảo' góp công, vật liệu dựng nhà ở cho giáo viên

Đình Tuân 07/11/2022 09:33

(Baonghean.vn) - Phụ huynh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông, thuộc xã Hữu Khuông, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương góp công, vật liệu làm nhà tạm cho giáo viên dạy chữ cho con em mình.

Hữu Khuông là xã không chỉ đặc biệt khó khăn, biệt lập nhất của huyện vùng cao Tương Dương mà còn là bản khó khăn và biệt lập nhất Nghệ An. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Xã Hữu Khuông có 3 dân tộc sinh sống gồm Thái, Khơ mú, Mông. Là địa phương có hệ thống khe, suối lớn nhỏ dày đặc, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Đặc biệt, từ trung tâm huyện để lên xã Hữu Khuông không còn có cách nào khác là di chuyển bằng thuyền máy, nếu như không muốn cất công ngược lên thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), đi qua Phá Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn rồi theo đường Tây Nghệ An sang các xã Mai Sơn, Nhôn Mai rồi xuống Hữu Khuông.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của giáo viên và công tác giảng dạy nơi đây. Chính vì thế, các giáo viên ở địa phương khác đến dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc ở xã Hữu Khuông phải ở lại trường và thường đến cuối tuần mới được về với gia đình.

Tham gia giúp nhà trường làm nhà ở cho giáo viên có 125 phụ huynh ở các bản trong xã Hữu Khuông. Ảnh: Đình Tuân

Những năm học trước, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông phải tận dụng phòng học dư thừa, ngăn vách để ở. Năm học 2022 - 2023, các phòng học này được trưng dụng để làm phòng dạy Tin học, nên giáo viên nhà trường không có nhà để ở. Trước thực tế đó, nhà trường đã phải vận động phụ huynh góp vật liệu, góp công dựng nhà tạm cho giáo viên ở.

Vật liệu để làm nhà đều do phụ huynh góp. Ảnh: Đình Tuân

Được biết, khi có chủ trương kêu gọi phụ huynh chung tay cùng nhà trường dựng nhà tạm cho giáo viên, thì tất cả phụ huynh đều nhiệt tình đóng công sức, vật liệu. Không chỉ những phụ huynh ở gần, mà các phụ huynh ở những bản xa trung tâm xã như Chà Lâng, Tủng Hốc, Huồi Pủng... cũng không ngần ngại vượt suối, băng rừng ra giúp giáo viên làm nhà.

Bản Huồi Pủng là bản biệt lập nhất xã Hữu Khuông, từ trung tâm xã đến bản Huồi Pủng phải đi thuyền gần 1 giờ đồng hồ, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 45 phút nữa mới đến bản. Đây còn là bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Khó khăn, cách trở là vậy, nhưng khi biết tin nhà trường triển khai làm nhà ở cho giáo viên, anh Vi Văn Đình và các phụ huynh trong bản có con theo học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông đã vượt suối, băng rừng đến trường cùng chung tay với phụ huynh dựng nhà tạm cho giáo viên ở.

Mỗi người một việc, ai cũng đều làm việc rất khẩn trương. Ảnh: Đình Tuân

Anh Vi Văn Đình cho biết: Không có tiền để đóng góp, nhưng chúng tôi sẵn sàng góp công, góp vật liệu để làm nhà ở tạm cho giáo viên. Chúng tôi nhận thấy đây là việc nên làm và làm thật sớm để giáo viên ổn định chỗ ăn nghỉ. Vì vậy, phụ huynh nào cũng rất hăng hái trong công việc. Người đi chặt nứa mét, người thì san nền, người thì đục đẽo... Mỗi người một việc, ai cũng rất trách nhiệm với công việc mình làm để sớm hoàn thành nhà ở cho giáo viên. Dù có vất vả, nhưng chúng tôi đều cảm thấy rất vui, phấn khởi vì góp được một phần công sức của mình giúp nhà trường, giúp thầy cô, và đây cũng là món quà mà phụ huynh chúng tôi dành tặng cho thầy cô nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sau 6 ngày làm việc cật lực thì ngôi nhà tạm 6 gian được lợp bằng lá cọ, vách thưng bằng tre, nứa đã hoàn thành. Ngôi nhà này sẽ là nơi ở của 11 giáo viên có nhà ở xa trường.

Không chỉ giáo viên mà học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông cũng đang phải ở trong ngôi nhà tạm bợ. Ảnh: Đình Tuân

Thầy Lê Tuyên Huấn - Hiệu trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông chia sẻ: Trường đóng chân trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy, cơ sở vật chất, hạ tầng đang còn nhiều thiếu thốn. Nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh giáo viên cũng như học sinh bán trú cũng đang tạm bợ. Hàng năm, phụ huynh nhà trường đều góp công, góp tre nứa giúp nhà trường tu sửa hay làm mới. Nhà trường rất trân trọng sự đóng góp của các bậc phụ huynh. Tuy vậy, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Rất mong các ngành, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để giáo viên, học sinh nhà trường có nơi ăn, chốn nghỉ được an toàn hơn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Mới nhất

x
Người dân xã 'ốc đảo' góp công, vật liệu dựng nhà ở cho giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO