Nhiều ốt kinh doanh ở TP Vinh giá giảm sâu vẫn ế ẩm
(Baonghean.vn) - Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ. Không thể cầm cự, nhiều cửa hàng đành thanh lý, nghỉ bán hoặc trả mặt bằng, đưa về nhà buôn bán online, hoặc thuê ốt giá rẻ hơn… Vì thế, nhiều ốt ở thành phố Vinh giảm giá sâu nhưng vẫn ế ẩm.
Hiện nay, các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, mỹ phẩm... rất vắng khách. Ảnh: Thanh Phúc |
Mặc dù đã kết thúc giãn cách xã hội, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 đã được kiểm soát, thành phố Vinh bước vào trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh doanh, buôn bán được khôi phục. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh rơi vào ế ẩm, ngưng trệ.
Không thể bám trụ, nhiều chủ kinh doanh buộc phải trả mặt bằng đường lớn, lui về mặt đường nhỏ, đường nhánh hoặc mặt ngõ để cắt giảm chi phí. Không thể cầm cự, nhiều trường hợp đành treo bảng thanh lý hàng hóa, trả luôn mặt bằng và tạm thời ngừng kinh doanh để “cắt lỗ”.
Nhiều shop thời trang không cầm cự đã thanh lý hàng, trả mặt bằng ở đường lớn chuyển địa điểm kinh doanh để giảm chi phí. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Phạm Phú, chủ một cửa hiệu nước hoa, mỹ phẩm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai nay vừa chuyển về đường Kim Đồng cho biết: “Mặt bằng ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai thuê 13 triệu đồng/tháng, nay chuyển về đây chỉ còn 7 triệu đồng. Dù không tiện kinh doanh, không sầm uất như chỗ cũ nhưng thời điểm hiện tại thì cắt giảm được 1 nửa chi phí là đỡ áp lực nhiều rồi. Vào đây, cửa hàng chỉ là nơi trưng bày, còn chủ yếu là bán online”.
Khách cũ trả mặt bằng trong khi khách mới chưa dám “xuống tay” đầu tư kinh doanh trong thời điểm khó khăn này nên mặt bằng các tuyến phố ở thành phố Vinh ế ẩm.Nhiều chủ nhà cho biết, dù giảm giá thì lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người dám mạo hiểm mở cửa hàng kinh doanh giai đoạn này.
Nhiều shop thời trang trên đường Nguyễn Văn Cừ đang khuyến mãi, giảm giá và rao chuyển nhượng mặt bằng. Ảnh: Thanh Phúc |
Ông Nguyễn Đức Ánh, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Sau khi người thuê cũ trả cửa hàng, tôi đã treo biển cho thuê, đăng lên các trang, hội, nhóm, thậm chí là nhờ các sàn bất động sản đăng tin, trả phí giao dịch và trả tiền quảng cáo, song 3 tháng rồi vẫn chưa có người chốt thuê. 15 năm cho thuê mặt bằng, chưa bao giờ lại phải đăng tìm khách thuê như thế này. Trước đây, cứ người này rục rịch dọn trả mặt bằng thì đã có người khác vào đặt cọc thuê ngay”.
Nếu như trước kia, cửa hàng cho thuê ở các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai… được coi là địa điểm lý tưởng, thuận tiện trong kinh doanh, được chủ các cửa hàng kinh doanh “săn đón” tìm thuê, hiếm khi bỏ trống thì sau những đợt dịch liên tiếp, giá cho thuê mặt bằng tại các tuyến phố này trung bình đã giảm từ 30 - 50% nhưng vẫn không có người thuê.
Trên khắp các tuyến phố, dày đặc các biển hiệu "cho thuê mặt bằng", có những địa điểm đã yết bảng cho thuê gần 1 năm trời nhưng vẫn chưa có người thuê. Ảnh: Thanh Phúc |
Ở các khu vực khác như đường Lê Viết Thuật, Nguyễn Phong Sắc, Tuệ Tĩnh, An Dương Vương… nhan nhản các ki-ốt trưng biển “cho thuê mặt bằng” với giá ưu đãi.
Kèm theo đó, nhiều chủ còn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Chỉ phải trả tiền nhà 1 tháng/lần thay vì đóng đủ 3-6 tháng như trước; giá thuê giảm 30% so với trước; hỗ trợ sơn sửa, trang trí lại mặt bằng theo yêu cầu…
Lướt qua một số trang mạng xã hội, các trang thông tin về bất động sản tại thành phố Vinh không khó để có thể tìm kiếm những thông tin cho thuê lại mặt bằng kinh doanh, nhà xưởng, hoặc sang nhượng cửa hàng được nhiều chủ kinh doanh đăng tải.
Mặt bằng kinh doanh trống nhiều, giá cho thuê cũng có xu hướng giảm nhẹ bởi tâm lý chung của nhiều chủ kinh doanh đều thận trọng, chờ hết dịch tính tiếp đến việc đầu tư khiến việc mặt bằng cho thuê kinh doanh rơi vào cảnh ế ẩm.
Theo phân tích của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thì sau 1 năm kinh tế sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, tình trạng ế ẩm là thực trạng chung của hầu hết cửa hàng kinh doanh. Sức mua giảm khiến các tiểu thương không dám mạo hiểm thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Thêm nữa, dịch Covid-19 khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi và phần lớn chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online.
Vậy nên, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh mặt phố ngày càng ít và không còn được quan tâm như trước. Do đó, thị trường mặt bằng kinh doanh phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi và sẽ quay về giá trị thực chứ không có chuyện sốt giá như trước.