Những người giữ lửa nghề truyền thống 'làng nồi'

Huy Thư 07/03/2022 13:56

(Baonghean.vn) - Dẫu nghề nặn nồi thủ công có nhiều vất vả, nhưng từ bao đời nay, phụ nữ "làng nồi" xã Trù Sơn (Đô Lương) vẫn chăm chỉ lao động mưu sinh và góp phần gìn giữ nghề truyền thống độc đáo của quê hương.

Tại xã Trù Sơn, hiện có khoảng 6 chục hộ dân còn theo nghề làm nồi. Những ngày nắng ráo ở "làng nồi", chị em phụ nữ tất bật với nhiều công việc quen thuộc gắn liền với nghề nồi đất. Sản phẩm nồi đất, vung đất... được "nặn" nhiều hơn, phơi đầy sân các gia đình. Ảnh: Huy Thư
Ở "làng nồi" Trù Sơn, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ đất, đảm nhận tất cả các công đoạn, từ nhồi đất, nặn nồi, gọt sửa, đun nấu, ra lò... Ảnh: Huy Thư
Đặc biệt là khâu nặn nồi, gọt sửa chủ yếu là các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm. Hiện nay, các bà, các chị là người làm nồi chính của làng, trong đó hầu hết là trung niên và người cao tuổi. Bà Phạm Thị Hoàng (80 tuổi) - một nghệ nhân cao tuổi của "làng nồi" vui vẻ cho biết: Tôi gắn bó với nghề nồi đất đã gần trọn đời người. Hàng ngày, tôi thường đi làm cho bà con trong xóm, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có thêm niềm vui. Còn khỏe thì tôi vẫn cứ đi nặn nồi". Ảnh: Huy Thư
Chỉ từ đất sét và những dụng cụ thô sơ (bàn xoay, que tre) qua bàn tay của các mẹ, các chị, không cần một chiếc khuôn nào, vẫn làm nên nhiều loại sản phẩm đẹp mắt, như nồi, niêu, bủm, hông, bình, chậu... Sản phẩm "nồi đất Trù Sơn" đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Huy Thư
Dẫu công việc làm nồi đất, các sản phẩm từ đất phải làm thủ công khá vất vả, tiền công thấp chỉ từ 50.000 - 80.000 đồng/ngày, nhưng các mẹ, các chị "làng nồi" vẫn yêu nghề, vẫn lạc quan, chăm chỉ đi sớm về trưa. Ảnh: Huy Thư
Để làm nên một chiếc nồi đất phải qua nhiều công đoạn, sau khi nặn sơ, sản phẩm được phơi qua, sau đó mới gọt sửa. Người lành nghề có thể "nặn" được nhiều thứ, làm hết được mọi công đoạn, nhưng những người mới vào nghề có khi chỉ biết gọt sơ. Người già chỉ cho người trẻ. Người biết nhiều chỉ cho người biết ít. Từ bao đời nay, bàn tay của người phụ nữ làng nồi vẫn miệt mài "nặn đất thành hoa". Ảnh: Huy Thư
Một số chị em phụ nữ, một số cụ cao tuổi quê ở "làng nồi" mặc dù đi lấy chồng ở các xã, thậm chí ở các tỉnh, mỗi lần về quê lại bắt tay vào nặn nồi, thậm chí có người vẫn thường về quê hành nghề. Tâm huyết của các cụ cao tuổi ở đây là "làm để giữ nghề, để khích lệ con cháu yêu nghề truyền thống của quê hương". Ảnh: Huy Thư
Phụ nữ tuổi trung niên ở "làng nồi" thường là người đảm nhiệm chính trong khâu đốt nồi. Các chị chịu khó từ việc kiếm củi, sắp nồi, nhóm lò, canh lửa... Ai cũng cố gắng tích lũy cho mình những kinh nghiệm đầy đủ nhất về kỹ thuật làm nồi, đốt nồi để duy trì phát triển nghề nghiệp ở mỗi gia đình. Ảnh: Huy Thư
Mỗi mẻ nồi ra lò chín đều, màu đẹp luôn gắn liền với những lo toan củi lửa cùng niềm vui lao động của các chị em phụ nữ. Họ luôn chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm quý trong việc cải tiến kỹ thuật xây lò, cách đốt lò... nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Ảnh: Huy Thư
Là lực lượng chính trong việc sản xuất sản phẩm nồi đất, người phụ nữ ở "làng nồi" Trù Sơn đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình và gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương. Ảnh: Huy Thư
Niềm vui lao động của phụ nữ "làng nồi". Video: Huy Thư


Mới nhất

x
Những người giữ lửa nghề truyền thống 'làng nồi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO