Những người hạ "thần sấm" Mỹ ở Tam Quang
Một buổi chiều hơn 43 năm về trước (ngày 31/3/1967), một chiếc máy bay ném bom F-105 của không quân Mỹ bị trúng đạn trên bầu trời xã Tam Quang (Tương Dương) rồi tiếp tục chao đảo qua không phận các xã Tam Đình, Tam Thái, cuối cùng rơi xuống khu vực đầu nguồn khe Cánh Tráp, sát đường biên giới Việt- Lào.
Một buổi chiều hơn 43 năm về trước (ngày 31/3/1967), một chiếc máy bay ném bom F-105 của không quân Mỹ bị trúng đạn trên bầu trời xã Tam Quang (Tương Dương) rồi tiếp tục chao đảo qua không phận các xã Tam Đình, Tam Thái, cuối cùng rơi xuống khu vực đầu nguồn khe Cánh Tráp, sát đường biên giới Việt- Lào.
Thành tích bắn hạ "Thần sấm" của Mỹ thuộc về Đội dân quân trực chiến xã Tam Quang. Chiến công xưa đang lùi dần vào dĩ vãng, hơn một nửa trong số gần 20 chiến sỹ dân quân năm xưa nay đã thành "người thiên cổ". Vừa qua có dịp ghé thăm vùng đất này, chúng tôi cất công tìm kiếm "những con người làm nên lịch sử".
Ông Bùi Văn Thư và Phùng Lạc Vinh vẫn sát cánh bên nhau |
Mất gần nửa ngày hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi được giới thiệu và tìm gặp được ông Bùi Văn Thư (sinh năm 1936), nguyên Xã đội phó phụ trách đơn vị Phòng không, và người thứ hai là ông Phùng Lạc Vinh (sinh năm 1940), nguyên B trưởng đơn vị Phòng không, người trực tiếp bắn hạ chiếc F-105 để tìm hiểu rõ hơn về sự kiện này.
Đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm", bước chân đã trở nên nặng nề, trí nhớ không còn được như trước nhưng khi được hỏi về đội phòng không năm xưa, ánh mắt hai người chợt rực sáng. Ông Thư và ông Vinh cho biết, đơn vị Phòng không dân quân xã Tam Quang được thành lập vào năm Đế quốc Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc (1964).
Lúc này, mỏ than Khe Bố đang được khai thác để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nên trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Cùng với hệ thống cầu cống nằm dọc Quốc lộ 7A chạy qua địa bàn, máy bay Mỹ liên tục đánh phá nhằm mục đích ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường Lào, Tam Quang trở thành "túi" hứng bom. Quân số được huy động cho đơn vị có gần 20 người, gồm cả nam và nữ thay phiên nhau trực chiến, được trang bị một khẩu trung liên và một súng trường K-44.
Đơn vị chiến đấu trong điều kiện hết sức khốc liệt, điều kiện về lương thực lại hết sức khó khăn. Có những hôm máy bay địch liên tục đánh phá nên không thể tiếp tế cho những người trực chiến, mọi người phải chịu đói khát, thay phiên nhau đào củ chuối lót dạ để có sức tiếp tục chiến đấu.
Có hôm ông Thư và ông Vinh đưa xe thồ lên xã Tam Thái (cách khoảng 20 km) để nhận đạn, anh em đồng đội chờ mãi không thấy về liền cử người ngược lên tìm. Đến đỉnh dốc Tam Bông, thấy hai ông đang nằm lả bên đường. Thì ra, lúc trở về, do bị đói và mệt nên hoa mắt, đầu óc quay cuồng, sức kiệt đành phải dừng xe nằm nghỉ nhưng rồi cả hai người thiếp đi lúc nào không hay.
Ngày 31/3/1967, sau khi được đi tập huấn cách bắn máy bay, về mục đích các động tác của máy bay địch trên không trung để chỉ huy trận địa phòng không và kịp thời chớp thời cơ nhả đạn, ông Phùng Lạc Vinh về truyền đạt lại cho anh em ngay trên trận địa. Đúng lúc đó, khoảng 15h, một tốp máy bay 13 chiếc kéo đến, có một chiếc F-105 đang chao xuống khu vực mỏ than để sau đó bay thẳng lên cắt bom.
Đang cầm khẩu trung liên, ông Vinh nhằm lúc máy bay chao xuống bắn đón. Sau loạt đạn, ông thấy cánh trái chiếc "Thần sấm" bốc khói rồi chao đảo bay theo hướng xã Tam Thái, rồi rẽ sang hướng đầu nguồn khe Cánh Tráp. Một lúc sau thấy hai chiếc trực thăng đến quần thảo mong cứu được viên phi công nhưng do trời đang tối dần, địa hình lại hiểm trở nên đành bất lực quay đi. Sau chiến công này, Đội Phòng không xã Tam Quang được trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba, và cá nhân ông Phùng Lạc Vinh cũng vinh dự được nhận danh hiệu này.
Trở về với cuộc sống đời thường, các thành viên đội Phòng không xã Tam Quang lại gắn bó với ruộng vườn, đồi núi, góp phần xây dựng quê hương và giữ vẹn nguyên ký ức những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.
Công Kiên