Những thửa ruộng bậc thang mới ở rẻo cao Kỳ Sơn

Xuân Hoàng - Quang An 01/08/2022 16:55

(Baonghean.vn) - Nhiều gia đình là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) thay đổi tư duy sản xuất sau khi khai hoang những ruộng bậc thang để gieo cấy lúa nước, giảm dần diện tích lúa nương rẫy.

Đầu tháng 8, trên cánh đồng lúa vụ mùa của bản Noọng Dẻ và bản Pà Ca của xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), nhiều đám ruộng bậc thang còn in màu đất mới, xung quanh được rào cẩn thận bằng cây rừng và dây thép gai, chạy men theo lối mòn là đường ống dẫn nước kéo dài từ cánh rừng xuống.

Ông Ven Văn Vinh - Bí thư Chi bộ bản Pà Ca, là 1 trong 6 hộ trong bản vừa khai hoang được ruộng nước, phấn khởi cho biết: Cùng với nhiều hộ trong bản, năm 2021, gia đình thuê máy múc khai hoang được 4.000m2 ruộng bậc thang hết 35 triệu đồng. Để có nước gieo cấy lúa, gia đình mua hàng trăm mét ống nước hết 10 triệu đồng nữa để dẫn nguồn nước từ đầu nguồn về tận chân ruộng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình gieo cấy 2 vụ lúa thuận lợi. Vụ xuân vừa rồi gia đình thu về 30 bao lúa, ước khoảng 1,2 tấn. Ngần ấy lúa không những đủ lương thực cho cả gia đình ăn quanh năm mà còn sử dụng để chế biến thức ăn cho đàn vật nuôi.

“Trước đây làm lúa nương rẫy phải trèo qua nhiều ngọn núi, rất vất vả, nhưng hạt lúa thu về không được nhiều, vì phụ thuộc vào thiên nhiên. Từ khi khai hoang được lúa nước, cả nhà đảm bảo lương thực, mà còn đẩy mạnh chăn nuôi” - ông Ven Văn Vinh chia sẻ và cho biết thêm: Trong năm 2021, trong bản có 6 hộ đã khai hoang được 19.000m2 ruộng nước. Do được đầu tư đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về tận ruộng, nên ruộng lúc nào cũng đủ nước, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, nhất là những giống lúa lai mới.

Ông Ven Văn Vinh- Bí thư chi bộ bản Pà Ca, xã Nậm Cắn cho biết, để có nước tưới sau khi khai hoang, gia đình phải đầu tư hàng chục triệu đồng để kéo nước từ đầu nguồn về ruộng. Ảnh: Q.An.

Ông Lầu Bá Chày – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, trong 2 năm nay, người dân trên địa bàn xã đã chuyển dần từ sản xuất lúa nương rẫy sang khai hoang phục hóa, làm ruộng bậc thang trồng lúa nước. Theo đó, người dân các bản trong xã chủ động thuê máy múc đến các vùng đất ven các dòng khe, suối để san gạt, tạo thành những đám ruộng bậc thang, gieo cấy lúa nước 2 vụ/năm. Qua con số báo cáo của các bản cho thấy, từ năm 2020 đến nay toàn xã đã có gần 50 hộ khai hoang, mở rộng diện tích đất lúa nước, với diện tích hơn 10ha, đưa tổng diện tích lúa nước của xã từ 15ha lên 25ha. Trong đó có nhiều hộ khai hoang được từ 4.000 – 6.000m2 ruộng.

Việc người dân khai hoang ruộng bậc thang để gieo cấy lúa nước, trước hết làm thay đổi tư duy sản xuất từ gieo trỉa lúa nương hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên, năng suất thấp, làm xói mòn đất và phá rừng… sang sản xuất lúa nước có sự đầu tư chăm sóc của con người. Sản xuất lúa nước cho năng suất từ 4 tấn/ha trở lên, trong khi lúa nương chỉ đạt 1,4 tấn/ha. Vì vậy, khi người dân sản xuất lúa nước sẽ đảm bảo an ninh lương thực và tạo điều kiện phát triển chăn nuôi...

ÔNG LẦU BÁ CHÀY - CHỦ TỊCH UBND XÃ NẬM CẮN

Tại xã Hữu Kiệm, đồng bào các dân tộc nơi đây trong những năm gần đây cũng khai hoang được khá nhiều ruộng nước. Nhiều hộ dân từ chỗ chưa biết làm lúa nước, nhờ khai hoang đã quen với việc gieo cấy lúa.

Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Mấy năm gần đây người dân nhiều bản trên địa bàn xã đã đầu tư thuê máy vào khai hoang ruộng nước dọc các khe suối. Đáng nói là trong số đó có những hộ là dân tộc Khơ Mú từ chỗ không biết cách ủ, gieo mạ, cấy lúa… như thế nào, nhưng sau khi có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, nay đã làm quen việc canh tác lúa nước, mỗi vụ thu về hàng chục bao lúa từ khai hoang ruộng nước. Nhờ bà con khai hoang ruộng, nên diện tích lúa nước của địa phương tăng từ 23ha lên 30ha trong 2 năm nay. Cùng với đó là diện tích lúa nương giảm hẳn, nhiều diện tích lúa nương của bà con trước đây nay đã phát triển thành rừng tự nhiên.

Đáng nói là trong số đó có những hộ là dân tộc Khơ Mú từ chỗ không biết cách ủ, gieo mạ, cấy lúa… như thế nào, nhưng sau khi có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, nay đã làm quen việc canh tác lúa nước, mỗi vụ thu về hàng chục bao lúa từ khai hoang ruộng nước.

ÔNG LA VĂN HÀ - CHỦ TỊCH UBND XÃ HỮU KIỆM

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến nay, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực khai hoang làm lúa nước, vì vậy diện tích đất 2 lúa ngày càng nhiều hơn. Năm 2020 toàn huyện có 740ha ruộng nước, thì đến nay đã nâng lên 800ha. Trong khi đó lúa nương rẫy giảm từ 7.353ha (năm 2020), xuống còn 5.900ha (năm 2021).

Ông Nguyễn Sỹ Sơn – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho rằng, nguyên nhân lúa nương rẫy giảm trong những năm qua, một phần do lao động trẻ đi làm ăn xa, nên người già và trẻ em ít làm lúa nương; một phần do người dân khai hoang ruộng nước sản xuất 2 vụ lúa/năm cho năng suất cao, nên bỏ dần lúa nương. Đây cũng là chủ trương của huyện trong việc tuyên truyền, vận động người dân khai hoang ruộng nước, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế tình trạng phá rừng.

Việc người vùng cao đầu tư khai hoang ruộng nước là cần thiết, bởi giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để khai hoang được hàng nghìn m2 ruộng nước, bà con phải thuê máy vào san ủi, đắp bờ… cùng đó là đầu tư đường ống dẫn nước từ đầu nguồn đến chân ruộng, hết hàng chục triệu đồng. Do vậy, theo kiến nghị của bà con, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho bà con tiếp tục khai hoang.

Những thửa ruộng bậc thang của đồng bào người Khơ mú ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Đào Thọ

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho rằng, trước mắt huyện chưa có chính sách hỗ trợ cho người dân. Tới đây khi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được thực hiện thì huyện sẽ bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân khai hoang ruộng nước./.

Mới nhất

x
Những thửa ruộng bậc thang mới ở rẻo cao Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO