Nỗ lực cho bình yên nơi rẻo cao biên giới
(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, xã biên giới Mường Típ (Kỳ Sơn) luôn duy trì được sự ổn định, an toàn về an ninh, trật tự. Giải pháp chính mà xã áp dụng là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn ngừa vi phạm từ trong tư tưởng, ý thức từng người dân. Thêm vào đó là sự chăm lo mọi mặt để đồng bào các dân tộc trên địa bàn an tâm sinh sống, “nói không” với các vi phạm pháp luật.
Coi trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Mường Típ là xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn, địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống, trình độ dân trí thấp; cơ sở hạ tầng, vật chất, giao thông cũng như đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Đây là địa bàn dễ bị các đối tượng tội phạm hoạt động nhất việc lợi dụng để vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam.
Tuy gặp khó khăn về giao thông đi lại và một số bản thường xuyên bị sạt lở, còn nhiều hộ nghèo, nhưng tình hình an ninh, trật tự ở 9 bản của Mường Típ nhiều năm nay lại được đảm bảo ổn định, không xảy ra tình trạng “nóng” về vi phạm pháp luật. Ông Hạ Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết: Chính quyền xã cũng như các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn xác định đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa vi phạm pháp luật. Khi người dân đã thông tư tưởng, hiểu biết về những quy định của pháp luật thì họ sẽ tự ý thức và nhắc nhở những người xung quanh “nói không” với vi phạm pháp luật.
UBND xã Mường Típ và các lực lượng phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: PV |
Trước thực tế đồng bào vẫn còn tập quán dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Ải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, từ đó tự nguyện giao nộp. Ngoài đến tận nhà, ra tận chòi rẫy, địa phương còn lồng ghép việc tuyên truyền thông qua các buổi sinh họp bản, họp các chi hội đoàn thể, tuyên truyền thông qua tiếng nói của già làng, người có uy tín trên địa bàn.
Theo Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Ải, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đồn đã phối hợp cùng 2 địa phương Mường Típ, Mường Ải và các lực lượng tiến hành vận động người dân tự giác giao nộp được tổng cộng 40 khẩu súng tự chế; tổ chức cho 450 hộ dân ký cam kết “Không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật”.
Để tìm hiểu rõ thêm về giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật của xã biên giới Mường Típ, chúng tôi đến bản Phà Nọi, một trong những bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 20 km và phải đi vòng qua địa bàn Mường Ải mới có thể đến nơi. Bản Phà Nọi nằm hai bên ven cung đường Mường Típ - Mường Ải - Na Ngoi - Nậm Càn vừa mới được xây dựng, mùi nhựa đường còn nồng nặc. Bí thư Chi bộ bản Phà Nọi, ông Lầu Chìa Xồng cho hay: Có con đường mới này, dân bản thuận lợi rất nhiều trong đi lại, nhất là vào mùa mưa. Đường mới cũng giúp cán bộ xã, bản đến với người dân để phổ biến công tác và tuyên truyền pháp luật cũng dễ dàng hơn.
Nói thêm về điều này, Trưởng bản Phà Nọi Lầu Bá Giờ chia sẻ, người dân bản Phà Nọi nhờ được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật nên nhiều năm nay luôn nêu cao ý thức trong phòng, chống tội phạm, tự bảo ban nhau không vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế biên giới. Ví như năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, tuy bản Phà Nọi chưa có người dân nào bị nhiễm, nhưng ban cán sự bản đã chủ động đề nghị với UBND xã và Đồn Biên phòng Mường Ải tăng cường đến từng nhà dân để vận động mỗi người tự thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sau đó, ban cán sự bản còn tổ chức buổi lễ ký cam kết không qua lại biên giới, không di cư tự do, không tiếp xúc với người lạ cho tất cả các gia đình trong bản. Nhờ đó, trong thời gian phong tỏa để chống dịch, không có trường hợp nào vi phạm quy định.
Xã Mường Típ ra mắt mô hình "Hệ thống chính trị chung tay góp sức giúp đỡ, giáo dục người tái hoà nhập cộng đồng" năm 2022. Ảnh: PV |
“Nay đã giữa năm 2022, dịch Covid-19 đã gần như bị đẩy lùi, các hoạt động thăm hỏi, giao lưu giữa nhân dân Phà Nọi với các bản lân cận cũng như với cụm bản Xám Chè của nước bạn Lào lại nối trở lại, vui vẻ, thân tình hơn xưa. Mới đây Ban Quản lý bản Phà Nọi vừa mới sang gặp ban quản lý cụm bản của bạn để giải quyết việc một số trâu, bò của bản đi lạc sang bản bạn, làm hư hỏng một số cây lương thực trên nương rẫy. Sau khi gặp gỡ, chia sẻ thì hai bên cùng rút kinh nghiệm, đồng thời thống nhất sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hai bên không để xảy ra các hành vi vi phạm quy định của pháp luật cũng như quy chế biên giới”, Bí thư Chi bộ bản Phà Nọi - ông Lầu Chìa Xồng cho biết.
Phối hợp bảo vệ, giữ yên biên giới
Tại 9 bản của xã Mường Típ, nhờ sự vào cuộc của các ban quản lý thôn, bản, sự phối hợp chặt chẽ của UBND xã và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an chính quy trên địa bàn, tình hình an ninh, trật tự đã cơ bản được giữ ổn định. Những vi phạm pháp luật như tự ý qua lại biên giới, tội phạm ma túy, khai thác, vận chuyển, mua, bán lâm sản trái phép, đánh bắt cá bằng kích điện trên sông, suối; sử dụng các loại vũ khí tự chế, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ trái pháp luật, tranh chấp đất sản xuất… đã dần được kiểm soát.
Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Ải cho hay: Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 52 km đường biên giới Việt Nam - Lào, địa bàn quản lý gồm 2 xã Mường Ải và Mường Típ với 1.044 hộ/5737 nhân khẩu. Hàng năm, đơn vị luôn thống nhất các biện pháp phối hợp để đảm bảo an ninh, trật tự với UBND các xã. Theo đó, đồn cử cán bộ, chiến sỹ tăng cường bám nắm địa bàn, bám dân tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Biên phòng, Luật Phòng, chống ma túy và tội phạm; Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống mua, bán người, hôn nhân cận huyết thống…
Đồn Biên phòng Mường Ải phối hợp Công an, Đoàn thanh niên tuyên truyền phòng chống tội phạm cho người dân các xã Mường Típ, Mường Ải. Ảnh: PV |
Đồn Biên phòng Mường Ải còn phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổ chức lớp học biên cương; Chương trình “Tháng Ba biên giới” nhằm giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên và các em học sinh trên địa bàn ý nghĩa đường biên, mốc quốc giới và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Mường Ải còn phối hợp với UBND xã và ban quản lý các bản, làng tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết về thực hiện quy chế biên giới, không phát nương, làm rẫy, xâm canh trái phép.
Lãnh đạo xã Mường Típ cũng cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang trên địa bàn, người dân các bản của Mường Típ được phổ biến rộng rãi nội dung Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021"; Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 27/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển tỉnh Nghệ An trong tình hình mới"... Bên cạnh đó, xã Mường Típ duy trì hoạt động có hiệu quả 9 tổ tự quản đường biên, cột mốc và 9 tổ tự quản về an ninh, trật tự thôn, bản. Trong năm 2022, bên cạnh việc triển khai Đề án “Xây dựng xã sạch về ma tuý”, cấp ủy, chính quyền xã Mường Típ cũng đã phối hợp với lực lượng Công an xã ra mắt mô hình “Hệ thống chính trị chung tay, góp sức giúp đỡ, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.
“Nhờ những giải pháp đồng bộ, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã Mường Típ luôn được giữ ổn định, nhân dân yên tâm sinh sống và tích cực, tự giác phối hợp cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”, Chủ tịch UBND xã Mường Típ - ông Hạ Bá Thái khẳng định.